| Hotline: 0983.970.780

Nắm vững thị trường tiêu thụ

Thứ Sáu 04/01/2013 , 10:30 (GMT+7)

Phần lớn sản phẩm nông nghiệp, nhất là trái cây ở ĐBSCL làm ra khó XK.

Phần lớn sản phẩm nông nghiệp, nhất là trái cây ở ĐBSCL làm ra khó XK. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới giá cả sản phẩm. TS Bùi Hữu Thuận, Bộ môn Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Cần Thơ cho biết những khó khăn trong ngành XK trái cây ở Việt Nam. 

Có một số ý kiến cho rằng, cần phải lập nhà máy để chế biến XK, chứ không nên XK thô. Nhưng theo tôi, trước hết cần hiểu đúng từ “xuất thô”. Trong rau trái cần lưu ý rau tươi, trái tươi được coi sản phẩm có phẩm chất cao nhất. Ở góc độ ăn uống, thực phẩm là những thứ cần cho sức khỏe. Người ta thích ăn nhất những thực phẩm thiên nhiên. Nhưng để có những thứ “còn thô”, tức là còn thiên nhiên, như để cho trái cây tươi và sạch của ta hiện diện tại kinh thành Paris thì điều đó không phải dễ.

Người mua muốn thưởng thức phải trả một giá đắt. Nói tóm lại, “thượng sách” là phải XK được thứ trái tươi nguyên. Dĩ nhiên, bên cạnh phẩm chất chính từ rau trái, còn có phẩm chất do văn minh mang đến, đó là vệ sinh, an toàn thực phẩm. Sản phẩm tốt như thế mới bán được giá cao nhất. Như vậy, rau trái tươi cần đảm bảo về mặt vệ sinh, an toàn, lành tính. Đây là điểm mới và cũng là điểm yếu của rau quả Việt Nam ở góc độ SX, quản lý và sử dụng.

Ngoài ra, những sản phẩm bán tươi không được vì các lý do khác nhau: Phẩm chất tươi chưa đủ tốt, không giữ được lâu…, thì mới đem đi chế biến. Sản phẩm chế biến thường đạt được tính lâu hư, nhưng không còn sự tươi nguyên, kèm theo chi phí chế biến gia tăng do phải đầu tư trang thiết bị, nhà máy, có khi phải bỏ thêm những phụ gia trong quy trình chế biến mà nhiều người tiêu dùng cũng không mong muốn. Dẫu vậy, sản phẩm chế biến lại bán ít lời hơn so với bán tươi. Nói tóm lại, XK trái cây chế biến vẫn là “trung sách”. Tuy nhiên để XK được bền vững, có lời thì cần một sự ổn định nhiều mặt.

Còn vì sao, thiên hạ không mặn mà trong việc đầu tư nhà máy chế biến? Có lẽ, SX muốn tiến hành được phải đảm bảo thêm về lợi nhuận. Nhưng khó để có thể nói thật đúng về lợi nhuận. Có thể nói hiệu quả tài chính của đầu tư vào SX phải sinh lợi nhiều hơn gửi tiền vào ngân hàng.

Hơn thế nữa, tiền dùng SX, thường nhất là vốn lưu động. Tiền này phải đi vay. Như vậy, hiệu quả của đầu tư SX phải cao hơn hiệu quả ngân hàng cho vay. Nói cách khác, nếu như ngân hàng lãi to trong nhiều năm qua; nhưng đầu tư cho SX lỗ to như tình hình hiện nay, điều này không ổn rồi!

Thí dụ: Hiện nay lãi suất cho ngân hàng vay 100 đ là 8 - 9 đ/năm. Nếu đầu tư có lãi suất < 9%/năm người đầu tư sẽ chọn cách bỏ tiền vào ngân hàng. Nếu đi vay ngân hàng để đầu tư với lãi suất > 12-15%. Như vậy vai 100 đ phải sinh lợi để trả cho ngân hàng  15 đ/năm. Người đầu tư còn phải sinh lợi cho mình hơn 15 đ/năm mới có thể đáng làm. Vậy nếu việc làm 100 đ sinh lời 10 đ, một năm người kinh doanh phải quay vòng vốn hơn 3 lần mới có thể làm.

Đó là chuyện lợi nhuận. Còn những khó khăn khác phải kể đến khiến nhà đầu tư không muốn làm là vì: (i) Khó khăn từ nguyên liệu chưa ổn định, giá cao so với thế giới, phẩm chất vệ sinh an toàn còn nhiều vấn đề. (ii) Khó khăn về công nghệ áp dụng được ở quy mô công nghiệp có tính khả thi về kinh tế để sản phẩm có phẩm chất ổn định và cạnh tranh được. (iii) Khó khăn khác là thị trường tiêu thụ được với số lượng lớn. Tiêu thụ ở đâu, thời gian? Ai mua sản phẩm của mình? Điều này liên quan đến nhiều chi tiết khác về phẩm chất, phương thức thương mại… (iv) Kế đến là tiêu thụ phải có lãi ổn định. (v) Ngoài ra, nhà đầu tư còn phải tính được những phương cách đối phó có thể khi có biến động về nguyên liệu, thị trường tiêu thụ do nhiều yếu tố.

Ổn định trong SX, trong tiêu thụ, XK trước hết là các chính sách. Các chính sách này cần sự ổn định lâu dài, ít biến động. Có biến động phải là thay đổi theo chiều có lợi cho nhà kinh doanh. Ví dụ, lãi suất ngân hàng phải ổn định, có thay đổi là sự thay đổi có lợi cho người vay. Chứ đầu tư nửa chừng mà biến động bất lợi cho người vay thì chắc nhà đầu tư sẽ phá sản.

Mặt khác, cần nắm vững thị trường tiêu thụ. Như trái chuối có thị trường tiêu thụ mạnh, nhưng muốn xuất khẩu được trái chuối thì phải có nông trường chuối đảm bảo số lượng lớn và chất lượng đồng đều. Không làm được điều này thì cũng không thể kiếm được thị trường.

Ngoài ra, phải nắm vững yêu cầu sản phẩm về chất và về lượng. Chẳng hạn, những sản phẩm thu hoạch phải đảm bảo nguồn gốc và SX sạch. Trái cây sau thu hoạch phải làm vệ sinh sạch sẽ, giữ cho chậm hư bằng cách đưa vào kho mát ở nhiệt độ ổn định thích hợp. Rồi phải phân phối nhanh để sớm đến tay người tiêu dùng khi sản phẩm còn phẩm chất tốt…

Không làm được điều này thì mới bảo quản đông lạnh; nhưng đông lạnh thì không bằng, vì ít nhiều trái cây cũng giảm phẩm chất. Mặt khác, cần nắm vững những nguy cơ liên quan đến biến động giá, phẩm chất, nhu cầu. Vả lại, phải có được công nghệ phù hợp với các yêu cầu kinh tế kỹ thuật để thực hiện ở quy mô phù hợp.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất