| Hotline: 0983.970.780

Hải Dương: Phá đê để xây nhà máy thép!

Nắn cong, ăn thẳng

Thứ Ba 22/07/2014 , 13:20 (GMT+7)

DN xây dựng công trình cầu cảng trên khu vực đê vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều, tự ý phá bỏ hàng cọc tre chắn sóng khiến gần 100 m đê cấp 2 bị sạt lở. Nghiêm trọng hơn, trong quá trình thi công khắc phục sự cố, có dấu hiệu DN được bật đèn xanh để “nắn” lại thân đê lùi sâu về phía đồng nhằm mở rộng diện tích cảng…

Nước chưa về, đê đã vỡ

Sáng 27/5/2014, 90m đê hữu sông Kinh Môn (đê cấp II) tương ứng với phân tuyến K10+180 – K10+270 thuộc địa bàn xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành, Hải Dương đã trôi tuột xuống sông trong sự ngỡ ngàng của hàng ngàn hộ dân địa phương bởi vài tháng qua trời nắng cháy đồng, nước sông cạn kiệt chứ không phải do bão về, nước dâng. Cung đê bị sạt lấn sâu vào hành lang bảo vệ đê phía đồng.

Ngay sau khi xảy ra sự cố vỡ đê, UBND huyện, Chi cục QLĐĐ- PCLB tỉnh Hải Dương đã về kiểm tra hiện trường và xác định nguyên nhân là do Cty CP Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Việt Phát tiến hành thi công Dự án đầu tư nhà máy sản xuất khung thép tiền chế và gia công thép định hình, phân loại và kinh doanh quặng sắt.

Quá trình thi công xây dựng cầu cảng phục vụ dự án, Cty Việt Phát đã có nhiều hành vi vi phạm Luật Đê điều như: chứa vật liệu trong hành lang bảo vệ đê, sử dụng xe tải trọng lớn chở vật liệu xây dựng trên thân đê gây hư hỏng mặt đê.

Điều đặc biệt nguy hiểm là Cty Việt Phát xây dựng hẳn một công trình tường chắn đất ngoài bãi sông tại vị trí K10 + 060 + 040 với chiều dài 35 m, cao 1,3 m, dày 1,0 m. Công trình kết cấu bằng đá, xây vuông góc với tuyến đê (đầu tường chắn vào mái đê phía sông).

Ngoài ra, công ty còn san lấp mặt bãi phía sông nâng chiều cao trung bình lên 1,2 m so với mặt bãi tự nhiên, trùm lên mái đê phía sông và phá bỏ hàng tre chắn sóng từ vị trí K10 + 060 – K10 + 150 với chiều dài 90 m. Được biết, vị trí vỡ đê chỉ cách tuyến quốc lộ huyết mạch nối hai thành phố Hà Nội và Hải Phòng (Quốc lộ 5) chỉ chừng 300m.

Mượn sự cố, “nắn” lại đê?

Xác định đây là sự cố rất nghiêm trọng nên ngày 28/5/2014 (1 ngày sau sự cố), Ban chỉ huy PCLB- TKCN tỉnh Hải Dương đã ban hành công văn khẩn yêu cầu Cty Việt Phát ngay lập tức phải tổ chức khắc phục sự cố.

Nội dung văn bản này buộc công ty phải khẩn trương kí kết hợp đồng với đơn vị tư vấn thiết kế, thi công đảm bảo yêu cầu kĩ thuật công trình đê nhưng mặt khác, văn bản cũng đồng ý với “phương án thiết kế sơ bộ tại biên bản đề xuất phương án kĩ thuật xử lý” sự cố.

Theo Quyết định 1523/QĐ-BNN-TCTL ngày 28/6/2012 của Bộ NN-PTNT, đê hữu sông Kinh Môn là đê sông cấp II (đê sông phân thành 5 cấp, từ 1 đến 5) có chiều dài 20,838 km. Đoạn đê bị vỡ nằm trên địa bàn xã Kim Xuyên với khoảng 2.700 hộ dân sinh sống.

Theo đó, tuyến đê qua khu vực sạt lở sẽ bị nắn cong về phía trong đồng lấy mép mặt đê phía trong đồng làm mép ngoài mặt đê đắp mới. Mặt đê rộng 10 m như vậy đồng nghĩa với việc tuyến đê mới sẽ thụt sâu vào bên trong 10 m.

Thực hiện yêu cầu của các cấp chính quyền, Cty Việt Phát đã lập tức huy động toàn bộ nhân lực “khắc phục sự cố” và chỉ trong thời gian ngắn tuyến đê mới đã định hình nhưng bị biến dạng nghiêm trọng.

Đoạn đê mới đắp lại cong võng vào phía trong đồng tạo nên một vùng lõm lớn phía ngoài sông và hình thành một bãi sông nhân tạo. Vô hình chung khu vực “cầu cảng nội địa” phục vụ Nhà máy tiền chế thép của công ty cũng được mở rộng thêm gần 1.000m2.

Câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao Ban chỉ huy PCLB- TKCN tỉnh Hải Dương lại quyết định xây dựng một tuyến đê mới lùi sâu vào phía trong đồng và động cơ nào khiến Cty Việt Phát phá dỡ hàng tre chắn sóng gây sạt lở?

Đê hữu sông Kinh Môn là đê sông cấp II, mọi việc thi công, sửa chữa khu vực đê đều phải có thỏa thuận bằng văn bản của Cục Đê điều và Phòng chống lụt bão, Bộ NN-PTNT. Tuy nhiên trên thực tế từ việc thi công công trình khu vực đến khi sự cố nghiêm trọng xảy ra và việc khắc phục sự cố như thế nào, các cơ quan chính quyền địa phương không đưa ra được một văn bản thỏa thuận nào của Cục Đê điều và PCLB.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất