| Hotline: 0983.970.780

Nạn thích mổ và nạn nhầm con

Thứ Bảy 28/07/2018 , 14:35 (GMT+7)

Đứa đầu lòng năm 1973 ấy mình sinh ở một Trạm bảo sanh khu vực. Dĩ nhiên phải giấu biệt lai lịch “cán binh Việt cộng” đi.

Bài này không nói chuyện nữ cán bộ vào ra hai vùng, phải có thẻ căn cước và trường hợp mình, sản phụ phải khai “mẹ chửa hoang”.

Chế độ trước, hệ thống bệnh viện có nhà thương thí dành cho những người ít tiền và Nhà bảo sanh tư nhân song hành cùng Trạm bảo sanh công. Trạm giống như trạm y tế bây giờ, cho vài ngàn cư dân, nhưng chỉ dành riêng cho việc sinh nở. Có lẽ họ chủ trương, bệnh phải đi nhà thương, ở đó mới có nhiều bác sĩ đủ các khoa, đủ tay nghề.

Trạm bảo sanh tôi đang nhớ chỉ có một y sĩ, cách trung tâm thị xã khoảng nửa giờ xích lô máy. Hồi ấy người ta thăm khám định kỳ sản phụ chỉ bằng đôi tay kinh nghiệm, con nằm ngược họ sẽ sửa cho em bé xuôi dần, sinh khó hay sinh không khó họ cũng biết bằng kinh nghiệm. Không nghe chuyện sinh mổ, cũng ít nghe chuyện sót nhau, càng ít nghe chuyện băng huyết và tịnh không có chuyện sơ suất để sản phụ tử vong không rõ lý do.

Đau bụng từ sáng đến tối mịt. Y sĩ cứ khám và động viên, bàn tay dịu dàng, giọng nói mực thước và nghiêm khắc nhắc nhở khi cần. Một mũi thuốc giục, sản phụ bắt đầu chặng cuối gian nan như bao người. Tưởng có thể chết được. Nhưng tuyệt đối tin yêu người thầy thuốc một mình ấy. Đứa con được đưa ra, cảm giác diệu kỳ thiêng liêng không gì sánh được. Một ngày đầy, 12 giờ, người y sĩ thở hắt ra: “Nhau choàng, con bé này bản lĩnh lắm đây”.

Năm 1976, sinh ở bệnh viện tỉnh lỵ. Buổi giao thời, còn chế độ Quân quản, nhưng bệnh viện không xáo trộn gì mấy. Bác sĩ đông vui, y sĩ phục tùng bác sĩ, y tá điều dưỡng răm rắp. Vẫn chưa có chuyện sản phụ đau bụng lâu thì giục vào mổ, không hề, làm như vậy rất phản khoa học. Có những bác sĩ nam tóc bạc trắng, dịu dàng như cha, như ông, thấy sản phụ vẹo vọ đau bụng tốc cả váy lên để rên rỉ, ông liền đến bên: “Sao vậy sao vậy, đừng trưng bày, càng kín đáo càng dễ sanh”. Sản phụ biết đùa, quên đau. Xong, đứa con được mang tên mẹ và ngày chào đời vào bắp chân bằng mực tàu, được đưa đi nuôi riêng để mẹ nghỉ ngơi, khi căng sữa, điều dưỡng sẽ mang con đến cho mẹ. Không thể có chuyện nhầm con.

Chuyện nhầm con bắt đầu khoảng thập kỷ 90 (TKXX), khi chính quyền mới muốn thay đổi tất cả: chỉ có bệnh viện công; chỉ có cánh bác sĩ lý lịch tin cậy; chỉ có Trạm y tế dưới cấp huyện; chỉ có cấp trên mới được bổ nhiệm chức vụ nếu cần, bác sĩ chuyên tu cũng OK luôn. Dĩ nhiên nhà thương thí cho người nghèo không còn, dĩ nhiên không còn bác sĩ gia đình đã rất được việc cho dân chúng miền Nam suốt thời chiến tranh, dĩ nhiên trạm y tế rất khả nghi tay nghề, dĩ nhiên, với cách đào tạo qua quấy của ngành y (kể cả chạy chọt bằng cấp và chạy chọt bổ nhiệm) đã khiến nhiều bệnh viện cấp huyện còn bị lỗi sơ đẳng khi xử lý một ca ruột thừa!

Bây giờ chuyện nhầm con đã nhiều. Vì cái vòng mà người ta đeo vào tay trẻ rồi khi tắm, họ tháo ra và lại đeo vào. Có thấy cảnh các nữ hộ sinh đưa các em đi tắm mới vui, hai tay họ cắp hai đứa bé như người ta cắp hai trái bí xanh, gọn thắt, buồn cười mà cũng rất ư tội nghiệp bọn trẻ ấy. Mỗi lần hai trẻ vào tắm, hai cái vòng được tháo ra, có trời mới dám bảo đảm là không đeo nhầm. Vấn đề là chuyện quá đơn giản, sao không nghĩ cách khác, sao từ chối phương pháp rất truyền thống là tên mẹ và ngày sinh mực tàu lên chân con. Hay mực tàu không tốt cho sức khỏe, hay mực tàu lấy đâu ra? Chắc chắn phải có cách để tên mẹ không rời con mình, không phải tháo lắp.

Chuyện đẻ mổ hiện nay cũng đáng bàn. Sao người Mỹ, người Pháp, người Đức không đẻ mổ, các siêu sao Hollywood tiền bạc thừa mứa mà không đẻ mổ? Bây giờ sản phụ mới rên đau là chính đội ngũ y bác sĩ gạ mổ đi, mổ nhé? Được lời như cởi tấc lòng, sản phụ và người nhà nhao nhao đồng ý. Để rồi sau đó là kháng sinh, là mất sữa, và sau đó, lần có thai thứ hai lại đẻ mổ. Dám đoan chắc mà không sợ bị quy là võ đoán rằng: đẻ mổ cho ê kíp ấy có tiền (dịch vụ và tiền bồi dưỡng thêm), lại nữa, cho vấn đề được giải quyết nhanh. Chao ơi, tiền tiền tiền và y đức bị chà đạp.

Bây giờ vì đẻ mổ là chính nên y bác sĩ không có nhiều kinh nghiệm với sinh thường. Có lẽ họ không biết sửa sớm khi thai ngược, không biết kiên nhẫn động viên sản phụ đau bụng nhiều giờ, không biết xem nhau thai để liệu nhau có bị sót hay không, không giỏi cầm máu thế nào khi bỗng dưng sản phụ bị băng huyết…

Đáng lo và cả sợ hãi nữa. Muốn được sinh thường và muốn không bị nhầm con nhầm cháu xem ra khó quá.

(Kiến thức gia đình số 30)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất