Đến nay huyện có 7/10 xã đạt chuẩn và hoàn thành 4/9 nội dung xây dựng huyện NTM.
Kết quả vượt mong đợi
Ông Lê Hữu Toàn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết, thực hiện kế hoạch nâng cao chất lượng xây dựng xã đạt chuẩn NTM, đã tạo sự chuyển biến tích cực. Như kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư và phát huy hiệu quả, đổi mới phương thức SX theo hướng tập trung, nâng cao chất lượng, phát triển bền vững, gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào SX, giúp tăng năng suất, giảm chi phí đầu tư, tạo ra nhiều mô hình hiệu quả.
Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, Gò Quao xác định cây lúa là cây trồng chủ lực |
Về môi trường, chính quyền và các đoàn thể đã vận động người dân xây dựng 1.952 lò đốt rác hộ gia đình. Triển khai thắp sáng đường quê gắn với tuyến đường kiểu mẫu, đã xây dựng 4 tuyến đường với tổng chiều dài 16km. Công tác giáo dục, y tế, dạy nghề, xây dựng đời sống văn hóa, cảnh quan môi trường được làm thường xuyên.
Đến nay, có 7/10 xã đạt chuẩn NTM, thu nhập bình quân đầu người xã NTM đạt 38,26 triệu đồng/năm (năm 2017), tăng 7,44% so với năm 2015… Hộ nghèo giảm còn 2.346 hộ (chiếm 6,9%), giảm 1.571 hộ so với năm 2015. Trong 9 nội dung xây dựng huyện NTM, Gò Quao đã hoàn thành 4 chỉ tiêu, gồm thủy lợi, điện, phát triển SX và chỉ đạo xây dựng NTM. Còn 5 nội dung cần phấn đấu, là quy hoạch, giao thông, y tế - văn hóa - giáo dục, môi trường và an ninh trật tự.
Phát triển SX, giảm nghèo
Trong 2 năm 2016 - 2017, huyện đã huy động đầu tư xây dựng NTM được 468,2 tỷ đồng. Trong đó, người dân đóng góp đất, ngày công lao động, dỡ bỏ, di dời vật kiến trúc, quy ra tiền trị giá 42,5 tỷ đồng; DN ủng hộ 2,2 tỷ đồng; vốn tín dụng 34 tỷ đồng, còn lại là ngân sách, vốn lồng ghép… Nguồn vốn tập trung làm hạ tầng nông thôn, như công trình giao thông, thủy lợi, trường học, trung tâm văn hóa, kéo lưới điện và phát triển SX nông nghiệp. |
Chủ tịch UBND huyện Gò Quao, ông Ngô Hen cho biết, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, huyện đã xác định các loại nông sản có thế mạnh, là lúa, khóm, hồ tiêu, cây ăn quả, tôm nuôi nước lợ cần tập trung phát triển.
Đến nay, huyện đã quy hoạch các vùng SX các sản phẩm mang tính chủ lực, gắn với xây dựng thương hiệu tập thể, từng bước xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản phẩm hữu cơ… Cụ thể như khóm - tôm Vĩnh Phước A, hồ tiêu Vĩnh Hòa Hưng Bắc, tôm sạch Vĩnh Tuy, cam xoàn Vĩnh Hòa Hưng, rượu Đường Xuồng Kiên Giang, đan lát lục bình, bánh phồng Vĩnh Phước B, các sản phẩm chế biến từ khóm Vĩnh Phước A…
“Không chỉ chú trọng phát triển SX, huyện còn xúc tiến, tìm kiếm đầu ra cho nông sản. Hiện nay, các sản phẩm đã được DN ký kết bao tiêu, gồm 90% sản lượng mía nguyên liệu, 20% sản lượng lúa, ký biên bản với DN liên kết đầu tư, tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu hữu cơ Vĩnh Hòa Hưng Bắc và Vĩnh Hòa Hưng Nam trong thời gian 5 năm”, ông Ngô Hen cho biết thêm.
Xác định thu nhập chính của người dân là từ SX nông nghiệp, huyện đã tập trung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp phát triển SX, như triển khai cơ giới hóa, cánh đồng lớn, canh tác lúa 3 giảm - 3 tăng, 1 phải - 5 giảm, nhân giống lúa xác nhận tại nông hộ, xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với cung cấp vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm để giảm chi phí, tăng lợi nhuận…
Ngoài ra, tập trung phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn, đối thoại với hộ nghèo để tìm ra nguyên nhân nghèo khó của từng hộ, từ đó đề ra các giải pháp hỗ trợ phù hợp, như đào tạo nghề, giải quyết việc làm, lồng ghép hỗ trợ cho vay vốn, thực hiện chính sách an sinh xã hội… Qua đó, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nhanh số hộ nghèo ở nông thôn…
Tuyên tuyền đi đôi với thực hiện
Để Gò Quao trở thành huyện NTM đúng và trước kế hoạch đề ra, huyện đã tập trung tuyên truyền các giải pháp, biện pháp thực hiện để mọi tầng lớp nhân dân thấy được việc xây dựng NTM là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Tiếp tục tuyên truyền nâng cao vai trò của người dân là chính, dựa vào nội lực để khơi dậy tính tích cực, tự giác tham gia của cả cộng đồng, các thành phần kinh tế, cùng sự hỗ trợ của nhà nước, tạo nên sức mạnh tổng hợp.
Gò Quao trên đường phát triển, với mục tiêu trước năm 2020 sẽ trở thành huyện NTM |
Trong thực hiện, huyện chủ trương tuyên truyền đến đâu thực hiện đến đó, tránh bệnh hình thức. Ưu tiên xây dựng cảnh quan môi trường, xử lý rác thải, chất thải, làm tuyến đường kiểu mẫu, thi đua SX, giảm nghèo, thực hiện nghiêm quy hoạch tổng thể, thực hiện tốt đời sống văn hóa, an ninh trật tự…
Bên cạnh đó, đưa nội dung xây dựng NTM thành một trong những tiêu chí thi đua hàng năm của các địa phương, đơn vị, để đánh giá gia đình, cán bộ, đảng viên thực hiện tốt 15 phần việc phải làm.
BCĐ huyện định kỳ làm việc với các xã có chỉ tiêu, tiêu chí đạt thấp. Qua đó, chỉ đạo chấn chỉnh, tháo gỡ khó khăn cho cơ sở. Đồng thời giúp cơ sở có được định hướng, kế hoạch cụ thể để tập trung chỉ đạo, hoàn thành chương trình MTQG xây dựng NTM của từng đơn vị theo đúng lộ trình, kế hoạch đã đề ra.