| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao chuỗi giá trị cây dừa

Thứ Sáu 03/08/2012 , 09:51 (GMT+7)

Dừa gắn bó bao đời với người dân Bến Tre, không chỉ vì giá trị kinh tế cao, lợi ích bền vững, mà còn là vấn đề cảnh quan, môi sinh.

Dừa gắn bó bao đời với người dân Bến Tre, không chỉ vì giá trị kinh tế cao, lợi ích bền vững, mà còn là vấn đề cảnh quan, môi sinh. Trước những biến động rớt giá, người dân xứ dừa cũng có chút ưu tư, nhưng nghĩ về chuyện “chia tay” với cây trồng truyền thống là điều không bao giờ.

Dừa- "người bạn" thân thiết

Bến Tre có diện tích trồng dừa khoảng 55.870 ha, chiếm hơn 35% diện tích dừa cả nước (trên 150.000 ha). Sản lượng năm 2010 vào khoảng 410 triệu trái, năm 2011 vào khoảng 430 triệu trái; còn năm 2012 cũng ở mức cao được mùa.

Hầu hết các huyện, thành của Bến Tre đều có dừa bao phủ. Đi đâu cũng thấy dừa bao quanh, mùi cơm dừa nạo sấy theo gió làm thơm nức mọi nẻo đường từ thành thị đến nông thôn. Đặc biệt, dừa được trồng nhiều ở các huyện Giồng Trôm (14.109 ha), Mỏ Cày Nam (13.200 ha) và Mỏ Cày Bắc (7.610 ha), Châu Thành (5.000 ha)…; các huyện biển và huyện trồng cây ăn trái có dừa ít hơn.

Ông Hồ Vĩnh Sang, Chủ tịch Hiệp hội dừa Bến Tre cho biết: “Khoảng 79% diện tích dừa ở Bến Tre cho trái. Sản lượng thu hoạch hàng năm bình quân khoảng 420 triệu trái. Sản phẩm này góp phần hình thành nên vùng nguyên liệu cung ứng bền vững cho ngành công nghiệp chế biến dừa phát triển và chắc chắn trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh.


Kiểm tra chất lượng cơm dừa tươi trước khi chế biến

Nhưng thời gian qua, phần lớn chỉ khai thác sản phẩm thô, bán trái, nên khi gặp thị trường không có nhu cầu tiêu thụ mạnh đáp ứng lượng cung, thì phải chịu cảnh rớt giá như hiện nay thôi”.

Ông Sang cũng nói thêm, tuy giá dừa đang ở mức thấp, gây khó khăn không ít cho đời sống người trồng dừa có diện tích nhỏ vài công. Nhưng ở Bến Tre cây dừa có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Có 163.082 hộ tham gia trồng dừa, chiếm khoảng 40% dân số toàn tỉnh.

Giá trị SX cây dừa chiếm khoảng 20% giá trị SX ngành nông nghiệp. Toàn tỉnh có hơn 1.600 DN, cơ sở SX chế biến, kinh doanh các sản phẩm từ dừa; hàng năm giải quyết việc làm cho hơn 17.250 lao động. Năm 2011, giá trị các sản phẩm chế biến từ dừa chiếm trên 17% giá trị SX của ngành công nghiệp chế biến; kim ngạch XK các sản phẩm từ dừa đạt 159,3 triệu USD, chiếm khoảng 43,8% tổng kim ngạch XK của tỉnh; các sản phẩm từ dừa đã XK đến 94 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới…

Tỉ trọng giá trị gia tăng của ngành dừa (gồm SX, chế biến, thương mại) chiếm 13,3% GDP của tỉnh. Vì tính chất quan trọng nêu trên, theo ông Sang, không có chuyện đốn dừa ồ ạt trong thời điểm này.

Còn ông Cù Văn Thành, GĐ Cty TNHH MTV Chế biến dừa Lương Quới, huyện Châu Thành cho rằng: "Thăng trầm dừa đã có từ lâu. Nhưng theo tôi, sự rớt giá này có tác động mạnh ở Bến Tre. Vì nó có biên độ lớn do sản lượng năm nay cao mà giá cả lại rơi thấp, thậm chí còn bị ứ đọng. Cái chính là chúng ta quá lệ thuộc thị trường bán sản phẩm thô, phần lớn dừa trái hoặc cơm dừa thô được xuất sang các nước, nhất là Trung Quốc (những lúc giá cao, lúc nào cũng có 3 tàu lớn của họ đậu ở cửa Hàm Luông thu mua dừa). Điều này khiến DN chế biến không phát triển vì khó ổn định được nguyên liệu đầu vào".

Cũng theo ông Thành, NM của Cty với 200 công nhân trước đây chỉ chạy được 30% công suất. Kiểu tình trạng bất ổn kinh tế quá cao như vậy, làm sao nhà đầu tư chế biến dừa trong và ngoài nước dám nhảy vào kinh doanh? Còn bây giờ đang khủng hoảng kinh tế thế giới, các nước hạn chế mua và bị rớt giá nặng nề, thì chúng ta có NM đâu để chế biến? NM hiện đang hoạt động hết công suất, tiêu thụ 300 ngàn trái/ngày, nhưng có thấm vào đâu với lượng dừa tồn đọng hiện nay.

Ông Trần Văn Hoàng, Phó phòng NN-PTNT huyện Giồng Trôm cho biết: "Toàn huyện có khoảng 55.000 hộ trồng dừa, hộ nhiều nhất là 4 ha và hộ ít nhất vài công. Người trồng dừa hiện có gặp khó khăn. Nhưng các anh hỏi tôi có chuyện đốn dừa do bị rớt giá không thì tôi khẳng định chắc chắc với các anh rằng, làm gì có chuyện đó.

Người nông dân nào có thể can đảm đốn cây dừa đang cho trái tốt? Có chăng họ, chỉ đốn dừa lão hoặc cây kém năng suất mà thôi. Có thể do họ trồng dầy quá thì đây là lúc được khuyến cáo đốn bớt cho thưa, để các cây khác có năng suất tốt hơn”.

Ông Mai Văn Cang, Phó phòng NN-PTNT huyện Mỏ Cày Bắc cũng bức xúc chuyện đưa tin đốn dừa vì rớt giá: “Thông tin nông dân Bến Tre chặt dừa hàng loạt do giá dừa giảm là không chính xác. Có chăng họ chỉ đốn số cây "lão hóa", kém năng suất để thực hiện một mục đích nào đó cần hơn, mà trước đây do dừa giá cao họ vẫn chần chừ không đốn vì dẫu sao nó cũng cho trái thêm thu nhập”.

Để có cây dừa cho trái người trồng mất rất nhiều thời gian, 4-5 năm mới cho thu hoạch với loại “dừa lùn” uống nước, còn “dừa cao” cho trái phải mất thời gian nhiều hơn. Nhưng bù lại, cây dừa cao cho trái trên 60-70 năm là chuyện thường. Vì vậy, trồng dừa so với các cây trồng khác có thể nói là nhàn hơn, ít vốn đầu tư, lại có thu nhập ổn định.

Anh Nguyễn Huy Bình có 7 công dừa ở xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm cho biết: “Thông thường 1 công trồng theo khuyến cáo dưới 20 cây dừa. Một cây dừa tính từ lúc xuống giống đến cho trái chỉ đầu tư rỉ rả khoảng 300-400 ngàn đồng, không kể công, mà thật ra công chăm sóc cũng không nhiều. Còn tính lợi nhuận, vẫn tốt hơn nhiều loại cây trồng khác. Năng suất bình quân khoảng 80-100 trái/cây/năm.

Với thời giá đang xuống hiện nay có nhích lên chút ít, vườn dừa của tôi cũng có thu hoạch khoảng 4 triệu đ/tháng. Nếu đốn vì giá xuống thì có thu nhập gì trên mảnh đất đã chuyên trồng dừa? Nên theo tôi, chuyện đốn dừa vì giá rớt là không đúng. Có chăng, họ vì một nhu cầu khác cần hơn. Nhưng đó là số ít”.


Đóng bao thành phẩm cơm dừa nạo sấy

Cần hướng phát triển bền vững

Với mỗi người dân mà “tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ” thì làng quê họ không thể vắng bóng dừa. Do vậy, trước thời điểm khó khăn của dừa, vấn đề là làm sao nâng cao được chuỗi giá trị cây dừa để có lợi cho người nông dân và ngành công-nông nghiệp dừa có điều kiện phát triển là chuyện lớn mà nhà quản lý và giới doanh DN xứ dừa quan tâm hơn bao giờ hết.

Trước mắt, để giữ năng suất cây dừa trong lúc “bão giá” hoành hành, tỉnh đã chỉ đạo các huyện lập hồ sơ hỗ trợ cho nông dân tiền phân bón 150.000 đ/công. Cũng được biết các huyện đã hoàn tất hồ sơ gửi về tỉnh đầu tháng 8/2012.

Còn lâu dài để duy trì và ổn định tình hình dừa, theo ông Hồ Vĩnh Sang, Chủ tịch Hiệp hội dừa Bến Tre, tỉnh cũng đã có kế hoạch sẽ áp dụng hàng loạt biện pháp, cụ thể như: Vận động thành lập HTX, tổ hợp tác thu mua, sơ chế sản phẩm dừa tại các địa phương để giảm bớt nhiều tầng thương lái; hỗ trợ chi phí đào tạo nâng cao năng lực quản lí, kĩ thuật sơ chế cho HTX, tổ hợp tác...

“Chúng tôi đã bỏ quên thị trường dừa trong nước mà đặt nặng vào XK. Nay là lúc phải có kế hoạch quan tâm đến thị trường này. Trong khi các tỉnh không có dừa vẫn phải dùng sản phẩm dừa giá rất cao và người tiêu dùng trong nước vẫn chưa thấy được hết lợi ích và hiệu quả của sản phẩm dừa mang lại mà chúng ta lại không có chương trình tiếp thị, quảng bá", ông Sang nói thêm.

Còn ông Cù Văn Thành,cũng có ý kiến và đề nghị trên phải có định hướng, hoạch định chiến lược phát triển bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp. Không riêng gì cây dừa, mà cả nhãn, chuối, khoai, khóm, cà phê, thanh long, bạch đàn, cá tra… đều phải trả giá vì quá nghiêng về XK thô mà chưa chú trọng cân đối giữa khâu chế biến XK và XK thô. Trong khi đó, dừa có thể tham gia trong việc chế biến hàng trăm sản phẩm, thậm chí cả ngàn sản phẩm.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 3] Thời cơ cho vùng nắng gió

UBND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành chiến lược phát triển chăn nuôi nói chung, yến nói riêng đến 2030 tầm nhìn 2045, mở ra cơ hội phát triển nghề yến vùng nắng gió này.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.