| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao hiệu quả chăn nuôi trâu bò: Không khó!

Thứ Hai 12/01/2015 , 08:20 (GMT+7)

Từ sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đã triển khai mô hình chăn nuôi trâu bò.

Ngoài hiệu quả thực tế, mô hình đã trang bị cho người dân kiến thức mới.

Vỗ béo bò thịt

Mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương và vỗ béo bò thịt trong nông hộ được triển khai tại xã Tân Hòa và xã Kha Sơn (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên). Đây là 2 xã có các hộ chăn nuôi tập trung với số lượng lớn, có khả năng đầu tư và áp dụng KHKT. Có 170 con bò của 80 hộ dân được chọn để xây dựng mô hình.

Sau khi tập huấn, cán bộ kỹ thuật chỉ đạo mô hình phối hợp với các hộ dân tiêm tẩy nội, ngoại ký sinh trùng cho bò, tổ chức tiêu độc, khử trùng và vệ sinh chuồng trại, tiêm vacxin phòng các loại bệnh bắt buộc. Trung tâm KN tỉnh đã ký hợp đồng với đơn vị cung ứng thức ăn cho bò.

Theo đó, thức ăn dùng vỗ béo bò bao gồm thức ăn thô xanh, phụ phẩm, thức ăn tinh, thức ăn bổ sung khoáng và vitamin... Căn cứ vào nguồn thức ăn sẵn có, thức ăn thô xanh gồm các loại cỏ, thức ăn ủ chua, phụ phẩm nông nghiệp, phụ phẩm công nghiệp (bã bia, bã rượu, rỉ mật, bã đậu, bã dứa, vỏ hoa quả).

Thức ăn tinh gồm các loại hạt ngũ cốc, họ đậu, cám, các loại khô dầu... Lúc đầu, bò ăn nhiều thức ăn thô xanh, tập cho bò ăn ít thức ăn tinh để bò làm quen với khẩu phần năng lượng cao trong thời gian 5 - 10 ngày.

Ông Giáp Văn Cam, xã Tân Hòa cho biết, việc tẩy nội ngoại ký sinh trùng rất đơn giản, cần thiết nhưng thực tế từ trước tới nay, người chăn nuôi bò tại địa phương chưa quan tâm, thậm chí chưa bao giờ thực hiện việc làm đó.

Ngay cả việc vệ sinh chuồng trại cũng không được làm thường xuyên, được chăng hay chớ. Còn về thức ăn thì bà con chủ yếu chăn thả tự do, đói no không biết. Rất ít gia đình sử dụng cám hay phế phụ phẩm làm thức ăn tinh cho bò. Lúc nào bán là bán chứ không có tư duy vỗ béo trước khi bán bò thịt.

Tổng kết mô hình, với tổng số 270 kg cám cung cấp vỗ béo cho bò trong 3 tháng, kết hợp thuốc tiêm vacxin và tẩy nội ngoại ký sinh trùng, tổng giá trị đầu tư nuôi vỗ béo bò là 3,8 triệu đồng. Thống kê trên cả 170 con bò mô hình thì trọng lượng tăng bình quân đạt 7,4 lạng/con/ngày.

Như vậy trong 3 tháng, trọng lượng bò đã tăng được 66,6 kg. Trung tâm KN hạch toán giá khiêm tốn là 120.000 đồng/kg thì phần thu đạt xấp xỉ 8 triệu đồng. Trừ phần thu, số lãi đạt được sau 3 tháng vỗ béo bò đạt 4,2 triệu đồng/con.

Ông Nguyễn Văn Dũng, GĐ Trung tâm KN Thái Nguyên: Giá trị đầu tư để xây dựng mô hình là không lớn song hiệu quả thiết thực mang lại cho người dân lại không hề nhỏ. Ngoài giá trị kinh tế, người dân còn được trang bị kiến thức, niềm tin để tổ chức chăn nuôi tập trung, quy mô lớn. Trung tâm mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các cấp ngành để mở rộng mô hình đến nhiều địa phương có tiềm năng chăn nuôi trâu bò...

Ông Đào Quang Tới, xóm Trại, xã Kha Sơn cho biết, nếu tính đúng giá thị trường hiện nay là 200 - 220 ngàn/kg thịt bò thì số lãi sẽ đạt tới xấp xỉ 11 triệu chứ không phải là 4,2 triệu.

Hiệu quả cao như vậy, chắc chắn thời gian tới, các hộ dân sẽ chọn lựa bò không sử dụng vào mục đích sinh sản, cày kéo, bò loại thải, gầy do thiếu dinh dưỡng, bò hướng thịt hết giai đoạn nuôi lớn và bê nuôi hướng thịt để tập trung vỗ béo, mở rộng mô hình.

Nuôi trâu sinh sản

Mô hình nuôi trâu sinh sản quy mô nông hộ được triển khai tại xã Mỹ Yên (huyện Đại Từ). Trung tâm KN đã tổ chức bình xét từ cơ sở và chọn 15 hộ dân tham gia mô hình.

Với mục tiêu cải tạo tầm vóc của đàn trâu địa phương, có 1 trâu đực giống và 14 trâu cái đã được cấp về cho 15 hộ tham gia mô hình chăn nuôi. Các hộ dân đã được tập huấn về kỹ thuật làm chuồng trại, phương pháp chăm sóc, nuôi dưỡng trâu đực giống, trâu cái sinh sản và nghé, vệ sinh phòng bệnh, tiêm phòng các loại vacxin...

Là chủ hộ được nhận trâu đực giống, ông Vũ Văn Đức, xã Mỹ Yên cho biết, đàn trâu gần 1.000 con của xã Mỹ Yên cứ tự sinh sản mà không hề có sự can thiệp nào của con người vào công tác giống. Chỉ vào con trâu đực to béo vạm vỡ, ông Đức nói, rõ ràng có chọn lựa có khác, vậy mà xưa nay ít ai đưa trâu nái đi lấy giống, sự phối giống hoàn toàn tự nhiên trong bầy đàn của chúng.

Chỉ sau hơn 3 tháng thực hiện mô hình, kết quả trâu đực giống đã cho tỷ lệ phối đạt lần đầu là 66%. Có 9 con nghé đã ra đời. Ông Đặng Xuân Trường, xóm Đồng Khâm, xã Mỹ Yên cho biết, nếu chăn nuôi truyền thống thì nhiều trâu cái sau khi sinh con mà mãi vẫn không có thai. Mô hình đã giúp người dân có thêm kiến thức mới, biện pháp kỹ thuật mới để nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.