| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản xa bờ

Thứ Hai 06/11/2017 , 14:35 (GMT+7)

Dù có số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ khá lớn nhưng hiện nay, hình thức đánh bắt ở Việt Nam còn tương đối thủ công, tốn nhiều sức lao động.

Ngoài ra, việc bảo quản sản phẩm sau khai thác trên các tàu cá vẫn còn tương đối lạc hậu dẫn đến chất lượng sản phẩm không cao, giá trị thấp. Những hạn chế trong ngành khai thác thủy sản có thể được giải quyết nếu ngư dân kịp thời áp dụng tiến bộ kỹ thuật...

Đây cũng là mục đích chính của diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp về “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong khai thác và bảo quản sản phẩm trên tàu đánh bắt xa bờ” vừa được tổ chức tại tỉnh Ninh Thuận.
 

Nhiều hạn chế

Theo thống kê, hiện nay Việt Nam có khoảng 31.000 tàu khai thác xa bờ chiếm khoảng 29% số lượng tàu thuyền. Hầu hết các tàu cá đều đóng bằng vật liệu vỏ gỗ, chỉ có khoảng 447 tàu được làm bằng các vật liệu khác, do đó tuổi thọ và độ an toàn của tàu thường thấp, khả năng cơ giới hóa các khâu SX trên tàu cũng bị hạn chế.

Áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào SX sẽ nâng cao hiệu quả đánh bắt và chất lượng sản phẩm

Một đặc điểm nữa là tàu khai thác hải sản xa bờ nước ta có đến 88,6% máy cũ sai công năng sử dụng nên có độ bền thấp, hay bị hỏng hóc bất thường ảnh hưởng đến độ an toàn và hiệu quả chuyến biển. Ngoài ra, trang thiết bị khai thác chưa đầy đủ nên hạn chế hiệu quả khai thác và an toàn SX.

Bên cạnh đó, hầu hết các tàu cá đánh bắt xa bờ chủ yếu bảo quản sản phẩm bằng nước đá lạnh, thời gian bảo quản cho phép không quá 10 ngày. Khi ngư trường ven bờ ngày càng cạn kiệt, ngư dân phải mở rộng ra ngư trường khai thác xa bờ làm thời gian chuyến đi biển kéo dài có khi lên đến gần 60 ngày/chuyến. Thực tế đó dẫn đến chất lượng các sản phẩm sau khai thác vô cùng thấp, không đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu, hiệu quả kinh tế không cao. Đó là chưa kể đến vấn đề vệ sinh đá bảo quản kém, đá thỏi, đá lớn tác động đến da cá tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
 

Cải thiện từ cơ giới hóa sản xuất

Trước những tồn tại của ngành khai thác thủy sản xa bờ ở nước ta, trong những năm trở lại đây, một số địa phương đã tìm cách khắc phục bằng việc áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào khai thác và bảo quản. Thực tế chứng minh hiệu quả mà những các công nghệ mới này mang lại vô cùng rõ rệt.

Điều đầu tiên có thể nhận thấy được là các tàu cá bằng vật liệu mới như tàu vỏ composite do Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy (UNISHIP) – Trường Đại học Nha Trang chế tạo hành nghề lưới câu cá ngừ đại dương, lưới vây thả mạn, lưới chụp và tàu dịch vụ hậu cần, bằng công nghệ khuôn đúc rời đã hoạt động ổn định và hiệu quả.

Các loại máy móc, thiết bị cơ giới hóa quá trình đánh bắt tiếp tục được ứng dụng chuyển giao như: Máy thu lưới vây tang treo, máy thu – thả câu cá ngừ đại dương của nghề câu tay kết hợp ánh sáng tại Bình Định, hệ thống căng tăng gông và thả lưới cho nghề lưới chụp cũng được ứng dụng trên nhiều địa phương. Ngoài ra, đối với nghề câu tay cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật Bản cũng đã ứng dụng thiết bị làm choáng cá trong quá trình thu câu ở Bình Định. Tại Phú Yên, ngư dân cũng đã sử dụng thiết bị giết cá tự chế đạt hiệu quả và có giá thành rất rẻ.
 

... Đến các trang thiết bị hỗ trợ hiện đại

Để nâng cao hiệu quả đánh bắt, một số tàu cá hoạt động xa bờ đã bắt đầu lắp đặt các thiết bị điện tử hiện đại như: Máy dò cá ngang, ra đa, máy thông tin liên lạc đa chức năng, máy đo dòng chảy, điện thoại vệ tinh, máy nhận dạng tự động AIS đảm bảo an toàn cho người và tàu trên biển...

08-19-34_1_1_2
Ngư dân được tiếp cận và tìm hiểu các thiết bị hỗ trợ hiện đại tại diễn đàn

Theo ngư dân Nguyễn Toàn (xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) thì gia đình anh đang sở hữu đội tàu gồm 3 tàu cá có công suất trên 300CV hoạt động đánh bắt xa bờ. Vừa qua, anh Toàn đã trang bị cho các tàu cá của mình các thiết bị công nghệ hiện đại như máy định vị, máy dò ngang, ra đa máy dò quét C37 và mang lại hiệu quả cao.

“So với các loại máy định vị trước đây tôi thường dùng thì các loại máy mới này tăng hiệu quả khai thác lên gấp 3 - 4 lần. Nhận thấy được điều này nên tôi cũng luôn tìm hiểu các công nghệ mới để áp dụng vào SX. Tuy nhiên vì giá của các sản phẩm này tương đối cao nên cũng rất mong muốn các cấp các ngành có biện pháp hỗ trợ để nhiều ngư dân có thể tiếp cận được công nghệ mới, tăng hiệu quả đánh bắt”, anh Toàn chia sẻ.

Về vấn đề bảo quản sản phẩm sau khai thác, theo ông ThS. Nguyễn Trọng Thảo – Viện KH-CN Khai thác Thủy sản – Đại học Nha Trang thì hiện các hầm bảo quản bằng chất liệu PU có khả năng giữ nhiệt tốt đã được sử dụng trên tàu cá của các tỉnh ven biển. Hầm này có khả năng giữ nhiệt tốt, làm cho đá lâu tan hơn nên có thể bảo quản sản phẩm được dài ngày hơn so với hầm bảo quản truyền thống.

Trao đổi với PV, ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: “Trong các tiến bộ kỹ thuật thì ứng dụng máy dò ngang đã áp dụng khá nhiều, các tỉnh từ Móng Cái đến Kiên Giang đều sử dụng, nhiều nhất là ở các tỉnh miền Trung và mang lại hiệu quả cao. Việc áp dụng hầm bảo quản PU còn rất ít. Do đó, chúng tôi tổ chức diễn đàn để cho bà con biết được nhanh áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tăng hiệu quả đánh bắt cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm.

Về giá sản phẩm, tôi nghĩ rằng người nông dân có thể hạch toán được và khi thấy hiệu quả họ sẽ dần dần sẽ áp dụng. Hình thức chuyển giao của chúng tôi là nông dân nói cho dân nghe, tức là những người đã làm rồi, họ thấy hiệu quả và nói cho người khác để người khác làm theo...”.

 

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.