| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống thủy lợi

Thứ Năm 29/05/2014 , 08:55 (GMT+7)

Ngày 27/5, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội nghị "Điều hành hệ thống thủy lợi Quản lộ Phụng Hiệp".

Đài khí tượng thủy văn Nam bộ, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, Chi cục Thủy lợi của 3 tỉnh vùng bán đảo Cà Mau đã đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống thủy lợi để phục vụ SX lúa, nuôi trồng thủy sản.

Đề phòng bão mạnh

Từ cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2014, ĐBSCL xuất hiện những cơn mưa đầu mùa. Một số trận giông, lốc làm sập, tốc mái hàng trăm căn nhà ở Bạc Liêu, Cà Mau báo hiệu mùa mưa lũ về. Diễn biến xâm nhập mặn cuối mùa khô từ biển Đông và biển Tây ở vùng bán đảo Cà Mau vẫn còn gây lo ngại cho nhiều vùng SX lúa.

BCH Phòng chống lụt bão các tỉnh trong vùng liên tục có nhiều đợt kiểm tra, rà soát, đề xuất đầu tư sữa chữa khẩn cấp các các công trình bị xuống cấp, chưa hoàn thiện để kịp thời phục vụ SX.

Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ dự báo: Đầu năm 2014 bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện sớm ở phía đông biển Đông, vì vậy mùa mưa bão năm 2014 sẽ diễn biến phức tạp, cần chủ động đề phòng bão lũ, triều cường, giông mạnh kèm theo lốc, sét… Tổng lượng mưa toàn mùa ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn trung bình nhiều năm. Thời kỳ ít mưa có khả năng xảy ra tháng 7 và 8.

Năm 2014 số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông có khoảng 9 - 10 cơn bão, trong đó 4 - 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, cần đề phòng bão mạnh trong các tháng cuối mùa tháng 11, 12 ảnh hưởng đến các tỉnh Nam Trung bộ, Nam bộ. Lũ ít có khả năng xuất hiện đầu mùa ở đầu nguồn sông Cửu Long.

Đến cuối tháng 7 mực nước tại Tân Châu bằng hoặc cao hơn 3,0 m. Lũ chính vụ đỉnh cao nhất năm xuất hiện vào tháng 9, đầu tháng 10 mức nước báo động II, III. Vùng hạ lưu triều cường lên mức cao nhất vào tháng 10, mức cao hơn báo động III từ 0,10 - 0,20 m; trên sông Hậu tại Cần Thơ 2,00 - 2,10 m, trên sông Tiền tại Mỹ Thuận 1,90 - 2,00 m.

Chủ động

Theo Tổng cục Thủy lợi, cùng với mạng lưới sông ngòi, kênh rạch hướng ra 2 mặt tiếp giáp biển Đông và biển Tây, những năm qua việc đưa hệ thống thủy lợi Quản lộ Phụng Hiệp vào vận hành trên 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước ngọt, phân ranh mặn - ngọt, kiểm soát mặn, đáp ứng nhu cầu SX lúa ở vùng ngọt và điều tiết nước theo thời vụ phù hợp cho vùng chuyển đổi cơ cấu SX.

Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi:

"Hệ thống thủy lợi Quản lộ Phụng Hiệp không chỉ đáp ứng nhu cầu SX lúa mà còn phục vụ nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi để gia tăng hiệu quả SX. Tuy nhiên việc chuyển đổi cây trồng cần có sự phối hợp của 3 tỉnh vùng báo đảo Cà Mau trong việc quản lý, vận hành các công trình; đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức của nông dân sử dụng nước theo lịch thời vụ để có kết quả cao nhất".

Đại diện Chi cục Thủy lợi Sóc Trăng thừa nhận: "Mùa khô vừa qua hệ thống cống trên địa bàn thuộc hệ thống thủy lợi Quản lộ Phụng Hiệp chủ động vận hành tốt, đáp ứng yêu cầu SX lúa. Tuy nhiên đơn vị phụ trách quản lý, vận hành hệ thống cống trên địa bàn đề xuất cần thành lập trung tâm quản lý, giám sát mực nước, lưu lượng, vận hành theo hệ thống, trợ giúp thông tin cập nhật sẽ tác động nhanh, kịp thời phục vụ SX".

Cà Mau có diện tích tự nhiên 50.000 ha trong vùng dự án Quản lộ Phụng Hiệp, trong đó diện tích SX nông nghiệp 24.387 ha, lúa 2 vụ hơn 4.700 ha, lúa tôm hơn 3.370 ha và vùng còn lại nuôi thủy sản.

Ông Trần Quốc Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau cho rằng: "Hệ thống thủy lợi kênh mương, cống và đê bao khu vực này được đầu tư trong thời gian qua đã đáp ứng việc trữ nước, cấp và tiêu thoát nước. Tình trạng ngập úng mùa mưa, mạng lưới giao thông thủy được cải thiện.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng công trình, đề nghị Tổng cục Thủy lợi đầu tư duy tu, sửa chữa một số cống đã xuống cấp nhằm chủ động kiểm soát mặn, ngăn triều cường, đảm bảo cho các ô thủy lợi khép kín SX lúa vụ 2 ở khu vực phía bắc Cà Mau".

Tại Bạc Liêu, từ đầu năm đến tháng 4 có nhiều ngày nắng nóng. Vùng Quản lộ Phụng Hiệp hầu như không có mưa, đến cuối tháng 4 qua tháng 5 mới có mưa chuyển mùa. Tình hình thủy văn ảnh hưởng đến vùng nuôi thủy sản, một số vùng lúa ĐX bị thiếu nước. Công tác điều tiết nước mặn vào vùng chuyển đổi gặp khó khăn.

Để đáp ứng nhu cầu nuôi trồng thủy sản của Bạc Liêu (127.014 ha) và vùng SX lúa 3 vụ (147.000 ha), Sở NN-PTNT Bạc Liêu đề xuất Tổng cục Thủy lợi xem xét đầu tư xây dựng 2 kênh dẫn ngọt từ Sóc Trăng về Bạc Liêu, sớm triển khai xây dựng âu thuyền trên kênh Quản lộ Phụng Hiệp tại ngã tư Ninh Qưới và đầu tư mạng quan trắc nước để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác các công trình thủy lợi...

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.