| Hotline: 0983.970.780

Nắng hạn, bệnh khảm lá đè bẹp cây sắn

Thứ Sáu 27/12/2019 , 09:45 (GMT+7)

Đã vào vụ thu hoạch sắn, thế nhưng ở nhiều cánh đồng, năng suất giảm chỉ còn một nửa, thậm chí nông dân gần như mất trắng.

09-20-54_20191204_161255
Nông dân xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh) thu hoạch sắn rồi tận dụng cây sắn trồng vụ mới.

Nguyên nhân do nắng hạn và bệnh khảm lá đè nặng cây sắn.
 

Vụ sắn… đắng

Bà Nguyễn Thị Lãnh, ở xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh) thu hoạch 1,4ha sắn nhưng chỉ cân được 20 tấn, giảm hơn một nửa so với vụ trước. Sắn đạt 22,8 chữ bột, được nhà máy mua với giá 1.750 đồng/kg, bà Lãnh thu được hơn 30 triệu đồng, chỉ đủ hòa vốn sau khi trừ chi phí đầu tư và công thu hoạch.

“Năm ngoái trồng sắn có lãi, còn năm nay trồng sắn thất bại do sắn ít củ”, bà Lãnh nói.

Còn ông Trần Ngọc Sơn, cũng ở xã Đức Bình Tây, phân trần: Vụ sắn năm 2019, vùng trồng sắn của xã “dính” bệnh khảm lá phát sinh mạnh. Tiếp theo là nắng hạn, cây sắn lùn tịt. Tôi trồng 3 sào sắn, vừa rồi nhổ lên thử, củ to bằng ngón tay cái, tính ra không đủ chi phí công thu hoạch, sắp đến phải cày phá bỏ. Vụ sắn này…đắng quá.

Bà Trần Thị Anh Thư, cán bộ nông nghiệp xã Đức Bình Tây, cho hay: Năm 2018 giá mía thấp nên đến năm 2019, nông dân chuyển đổi sang trồng sắn. Mặc dù giá sắn tươi tương đối ổn định với 2.200 đồng/kg loại 30 chữ bột, nhưng năng suất giảm mạnh nên cuối cùng nông dân thất thu. Tính riêng xã Đức Bình Tây, gần 50% người trồng sắn thua lỗ hoặc hòa vốn.

Thời gian qua, bệnh khảm lá uy hiếp vùng trồng sắn các xã Sơn Thành Đông, Sơn Thành Tây, Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa). Ông Trần Văn Tấn, nông dân trồng sắn xã Sơn Thành Tây cho hay: Vụ này nhà tôi trồng 0,5ha sắn, ước thu được 6 tấn, thấp một nửa so với năm ngoái. Sắn trồng gặp nắng hạn cây sắn chậm phát triển. Đến khi gặp mưa thì sắn lại bị khảm lá, đọt xoăn, củ nhỏ.

Theo Công ty CP Tinh bột sắn Sông Hinh (thu mua nguyên liệu sắn ở các huyện Tây Hòa, Sông Hinh), vụ trước nông dân thu 24 tấn sắn củ/ha. Vụ này, năng suất giảm đến 40%, tức 1 ha, nông dân mất gần 10 tấn sắn. Sắn mất mùa không chỉ do nắng hạn, mà còn do người dân sử dụng giống sắn nhiễm virus khảm lá từ vụ trước. Khi sắn bị bệnh thì không cho năng suất.
 

Dân vẫn xài giống sắn nhiễm bệnh

Nông dân thường tận dụng thân cây sắn để trồng lại, trong khi các giống sắn HLS11, KM419... đã bị nhiễm bệnh khảm lá nghiêm trọng. Tại xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa), từ năm 2018 đến nay, nhiều diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá, thế nhưng dân vẫn vô tư dùng giống nhiễm bệnh trồng lại, dẫn đến bệnh khảm lá đeo bán cây sắn làm giảm năng suất, cộng với sắn trải qua đợt nắng hạn nữa nên nông dân thất thu.

Sắn ít củ, người trồng lỗ nặng.
Theo ông Đào Lý Nhĩ, PGĐ Sở NN-PTNT Phú Yên, UBND tỉnh có công văn chỉ đạo Sở NN-PTNT, các địa phương điều tra phát hiện bệnh khảm lá virus hại sắn và bọ phấn trắng để tuyên truyền, hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời, có hiệu quả. Nghiêm cấm các cơ sở kinh doanh, người nông dân nhập các giống sắn không rõ nguồn gốc; vận động các hộ nông dân không trồng và tiêu hủy các giống sắn đang tồn trữ... Khuyến khích các tổ chức, cá nhân du nhập giống mới về khảo nghiệm nhằm tuyển chọn các giống mới có năng suất và chất lượng cao thay thế dần các giống cũ đã thoái hoá.

Ông Nay Y Trang, ở xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa), phân trần: Lâu nay nông dân ở đây lấy cây sắn trồng vụ trước làm giống cho vụ sau. Nhà tôi trồng 2 sào sắn, lúc mới trồng sắn bị nắng hạn lớn không nổi, sau khi mưa xuống thì bị bệnh khảm lá, nhổ bụi sắn có 3 củ nhỏ, đủ trả tiền công thu hoạch.

Cũng giống như ông Nay Y Trang, bà La Lang Thị Xinh, ở xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) đang thu hoạch sắn mất mùa. “Đến mùa trồng sắn rảo quanh gò đồi chặt cây sắn đem về trồng. Năm nay sắn gặp nắng hạn nên hầu hết mất mùa.

Năm ngoái, sắn được mùa, được giá, trung bình mỗi héc ta sắn nông dân lãi 15 - 17 triệu đồng, trong khi đó giá mía xuống thấp nên nông dân đổ xô trồng sắn. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát nguồn bệnh khảm lá thì người trồng sắn có nguy cơ thiệt hại nặng.

Nông dân đầu tư trồng 1ha sắn đầu vụ đối với đất bằng thì chi phí gần 5 triệu đồng, còn đối với đất rẫy (có độ dốc) lên đến 7 triệu đồng. Vì vậy, để phòng tránh sắn bị bệnh khảm lá, ngay từ đầu vụ, tuyệt đối không trồng các giống sắn bị nhiễm bệnh như HLS11, KM 419...

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo, phòng trừ bệnh khảm lá sắn, nông dân không sử dụng sắn nhiễm bệnh làm giống.

Khi sắn nhiễm bệnh, nên vận động dân tiêu hủy những diện tích sắn bị nhiễm. TS Nguyễn Thị Trúc Mai, cán bộ chi cục nhận định: Thời gian tới, bệnh khảm lá virus có khả năng gây hại mạnh trên diện rộng, cần hỗ trợ mua giống sắn cho nông dân, hoặc nông dân ký hợp đồng bao tiêu với các nhà máy để có nguồn giống tốt.

Thống kê của Sở NN-PTNT Phú Yên, vụ sắn 2019, nông dân tỉnh trồng 28.181ha, tăng 14,2% so với năm 2018. Năng suất 210,8 tạ/ha, giảm 1,2% so với năm 2018.

Hiện nay bện khảm lá virus gây hại với 5.197,5ha, trong đó bị nhiễm nặng 1.570ha. Tại huyện Sông Hinh, bệnh gây hại với diện tích 4.300ha; Sơn Hòa 720ha; Đồng Xuân 140ha; Tây Hòa 35ha...

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm