Một số người nuôi nghêu ở huyện Ba Tri cho biết, để hạn chế mức thấp nhất lượng nghêu bị thiệt hại do nắng nóng và độ mặn, các HTX ở địa phương đã chỉ đạo xã viên chủ động tập trung khai thác, san chiết số lượng nghêu, nhằm trải mỏng mật độ nuôi.
Các HTX đang khẩn trương thu hoạch nghêu |
Anh Huỳnh Trung Phong, người nuôi nghêu ở huyện Ba Tri lo lắng: “Thời tiết đang diễn biến cực đoan, phức tạp khiến chúng tôi thêm lo lắng. Nếu không gặp bất lợi, với diện tích nuôi khoảng 2.000m2 của gia đình tôi, khi thu hoạch sẽ cho lợi nhuận hơn 30 triệu đồng. Chúng tôi mong chính quyền địa phương sớm đưa ra giải pháp kịp thời để hạn chế thiệt hại”.
Trên địa bàn tỉnh Bến Tre có 9 HTX nuôi nghêu thương phẩm, với diện tích hơn 7.400ha. Trong đó trên 3.750ha đang thả nuôi. Cụ thể, có khoảng 340ha diện tích nghêu sinh sản và 3.410ha nghêu thương phẩm. Thời điểm này, số lượng nghêu sinh sản và nghêu thương phẩm tương đối lớn, tập trung ở các HTX An Thủy, Tân Thủy, huyện Ba Tri; Rạng Đông, huyện Bình Đại và Thạnh Lợi, Bình Minh, huyện Thạnh Phú.
Ông Phan Hoàng Vân, Giám đốc HTX Nuôi nghêu Rạng Đông, huyện Bình Đại thông tin: “HTX khuyến khích xã viên tiến hành san chiết nghêu nuôi mật độ mỏng, vừa phải để bảo vệ lượng nghêu nuôi. Đồng thời, đơn vị đang tập trung công tác quản lý môi trường tại vùng nuôi nghêu và phối hợp với địa phương tiến hành khảo sát thường xuyên các bãi nuôi, nhằm kịp thời phát hiện sớm những tác hại của yếu tố môi trường, thời tiết… Từ đó, sẽ đưa ra những giải pháp kịp thời”.
Ông Vân còn cho biết thêm, các xã viên đang bước vào khai thác nghêu thương phẩm, đối với nghêu có trọng lượng từ 40 – 80 con/kg, sản lượng thu hoạch có khoảng 500 tấn. “Nhằm hạn chế thiệt hại, chúng tôi đã chỉ đạo xã viên tiến hành thu hoạch để san thưa mật độ nuôi. HTX sẽ tranh thủ thời gian trước tháng 3 và điều kiện thuận lợi của thủy triều để thu hoạch toàn bộ các lô nghêu đạt kích cỡ thương phẩm, tuyệt đối không đợi giá”, ông Vân nhấn mạnh.
Chi cục Thủy sản Bến Tre khuyến cáo, các HTX nuôi nghêu thường xuyên khảo sát, theo dõi bãi nghêu; kiểm tra tình hình phát triển của nghêu nuôi, theo dõi chặt chẽ sự biến động của thời tiết, môi trường nước. Phân công cán bộ thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường nước như, độ mặn, nhiệt độ, pH… để có giải pháp quản lý tốt. Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường của bãi nghêu, phải báo ngay về Phòng NN-PTNT, Trạm Chăn nuôi và thú y và cán bộ thú y các xã…