| Hotline: 0983.970.780

Nâng hiệu quả thực thi Hiệp định SPS: Xây dựng nhận thức từ cấp cơ sở

Thứ Tư 16/02/2022 , 08:50 (GMT+7)

Nhằm thích ứng với yêu cầu ngày càng cao của thế giới, Văn phòng SPS Việt Nam kiến nghị liên kết với các tổ khuyến nông và thiết lập hệ thống thông tin thông suốt.

Phó Giám đốc Văn phòng SPS Ngô Xuân Nam trả lời phỏng vấn báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Bảo Thắng.

Phó Giám đốc Văn phòng SPS Ngô Xuân Nam trả lời phỏng vấn báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Bảo Thắng.

Nhiều đêm thức trắng

Hơn một tháng sau khi Lệnh 248, Lệnh 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc áp dụng cho các doanh nghiệp, mặt hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường nước này có hiệu lực, cán bộ Văn phòng SPS Việt Nam mới có dịp "xả hơi".

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc chia sẻ, suốt từ tháng 10 đến hết năm 2021, ngày nào văn phòng cũng nhận hàng chục, thậm chí hàng trăm cuộc điện thoại từ doanh nghiệp cả nước, xin tư vấn về hai lệnh mới của Trung Quốc. "Có những đêm tôi phải thức tới hai, ba giờ sáng để giải đáp thắc mắc", ông Nam nói.

Lệnh 248 về "Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu", và Lệnh 249 về "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu" từng khiến nhiều doanh nghiệp hoang mang, bởi số đông vẫn coi Trung Quốc là thị trường dễ tính. Theo ông Nam, quan điểm ấy giờ vẫn tồn tại.

Theo ông Nam, hồi giữa tháng 1/2022, khoảng hơn 10 ngày sau khi Lệnh 248, Lệnh 249 có hiệu lực, một doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều sang Trung Quốc gọi điện cho ông, tâm sự rằng lô hàng của công ty không được thông quan, do không đáp ứng những quy định mới về đăng ký doanh nghiệp, cũng như cách đóng gói bao bì.

"Họ đã được tuyên truyền về hai lệnh mới của Trung Quốc, nhưng vẫn cho rằng hàng hóa có thể thông quan theo kiểu cũ. Đấy là điều thực sự đáng tiếc, bởi doanh nghiệp này từng có lịch sử giao dịch với nước bạn, và đáng lẽ nằm trong danh sách ưu tiên đăng ký trước ngày 31/10/2021", ông Nam chia sẻ.

Những đơn vị gặp vướng mắc trong việc thích ứng với các quy định của Hiệp định SPS như doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều kể trên không phải hiếm. Tổng hợp từ các phản hồi, Văn phòng SPS VIệt Nam nhận thấy có nhiều lý do "không thể ngờ tới", chẳng hạn: doanh nghiệp được cấp tài khoản đăng ký với nước sở tại nhưng lại quên mật khẩu; hoặc trong lúc cơ quan quản lý nước bạn kiểm tra trực tuyến bằng camera, cơ sở sản xuất tại Việt Nam để chó lọt vào khuôn hình.

Bên cạnh đó, yêu cầu của các nước WTO ngày càng khắt khe. Ông Nam lấy ví dụ về việc Trung Quốc kiểm tra doanh nghiệp sản xuất dầu ăn, hoặc hạt có dầu. Theo đó, hiện có 13 tiêu chí, trong đó có cả cách bố trí nhà xưởng, nguồn nước, đồng thời doanh nghiệp cần có xác nhận của các cơ quan quản lý có thẩm quyền về từng hạng mục.

"Sân chơi quốc tế ngày càng yêu cầu ngặt nghèo hơn, đòi hỏi doanh nghiệp trong nước phải nâng cao nhận thức về mọi mặt, từ người lao động trực tiếp cho đến quản lý, phụ trách các khâu", ông Nam nhấn mạnh". 

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần lương thực Bình Minh, bà Phạm Thị Hà Anh cho rằng, để đưa nông sản Việt đi khắp nơi trên thế giới, vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất là nền tảng sản xuất.

"Người nông dân chỉ giỏi sản xuất thì không thể tiếp thị sản phẩm tốt bằng những nhà phân phối. Từng đơn vị trong chuỗi liên kết cần được chuyên biệt hóa, và làm việc nào mình giỏi nhất", bà Hà Anh chia sẻ.

Theo bà Hà Anh, nông sản Việt không thua kém gì các nước trên thế giới, và đủ sức cạnh tranh ở những thị trường khó tính nhất. Lấy dẫn chứng từ sản phẩm gạo của công ty Bình Minh hiện phân phối ở thị trường nước ngoài, bà nhấn mạnh rằng, chuẩn hóa vùng trồng bằng cách tự nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng các yêu cầu về SPS là hướng đi bền vững, lâu dài.

Liên quan tới mã số vùng trồng, Giám đốc Công ty Bình Minh nhận định, đây không hẳn là nút thắt cho xuất khẩu. Bà quan điểm, xác định chính xác năng lực cạnh tranh và thị trường mục tiêu mới là cách đưa nông sản đi xa.

Mô hình trồng xoài thâm canh trên đất dốc tại huyện Mai Sơn, Sơn La. Ảnh: Bảo Thắng. 

Mô hình trồng xoài thâm canh trên đất dốc tại huyện Mai Sơn, Sơn La. Ảnh: Bảo Thắng. 

Đi lên từ cơ sở

Bên cạnh việc nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, ông Nam kiến nghị cần giải pháp căn cơ, bền vững, mang định hướng lâu dài. Trên quan điểm ấy, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam đề xuất hai biện pháp, là nâng cao nhận thức cho người sản xuất từ cấp cơ sở, thông qua các tổ khuyến nông; và xây dựng cổng thông tin hỏi đáp trực tuyến về các Hiệp định SPS.

Ở phương án đầu tiên, Bộ NN-PTNT đang xây dựng Đề án "Nâng cao chất lượng công tác khuyến nông". Trong đó, tập trung vào phát triển 3 vấn đề: Tổ khuyến nông cộng đồng, chuyển đổi số và đa dạng hóa nguồn thu cho hệ thống khuyến nông. Với tổ khuyến nông cộng đồng, Trung tâm Khuyến nông quốc gia sẽ đào tạo trực tiếp cho những người tham gia các nghiệp vụ như hỗ trợ kỹ thuật, phân tích thị trường, chuyển đổi số, các dịch vụ nông nghiệp, bên cạnh các công việc truyền thống là chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới.

"Trong hệ thống các cơ quan của ngành nông nghiệp, cán bộ khuyến nông có nhiều cơ hội tiếp cận với những tiến bộ mới về khoa học công nghệ. Với hơn 35.000 cán bộ khuyến nông cơ sở, lực lượng này có thể trở thành nòng cốt trong việc nâng cao nhận thức, năng lực thực thi một cách hiệu quả các Hiệp định SPS", TS. Ngô Xuân Nam nhận định.

Về cổng thông tin hỏi đáp, đây là yêu cầu xuất phát từ thực tế, đặc biệt là trong giai đoạn Văn phòng SPS Việt Nam cần phổ biến nhanh chóng, kịp thời các quy định mới của Lệnh 248, Lệnh 249 hồi cuối năm 2021. Thay vì liên tục trực đường dây nóng, ông Nam cho rằng có thể tạo một hệ thống thông tin thông suốt từ Văn phòng cho tới các hiệp hội, doanh nghiệp.

Trên quan điểm "chỉ cần một giây là hàng triệu người nắm được thông tin", cũng là phù hợp với quan điểm đẩy mạnh chuyển đổi số của Chính phủ, Bộ NN-PTNT, ông Nam phác thảo cổng thông tin gồm: mỗi doanh nghiệp, thông qua các hiệp hội, ngành hàng, các cơ quan quản lý nhà nước, sẽ được cấp một tài khoản trong hệ thống. Các doanh nghiệp có thể được chia nhỏ theo nhóm ngành hàng, hoặc nhóm thị trường xuất khẩu chính, hoặc vùng miền theo vị trí địa lý.

Mỗi khi có thông báo mới từ các nước thành viên WTO, cán bộ Văn phòng SPS Việt Nam sẽ đẩy thông tin lên hệ thống. Doanh nghiệp liên quan sẽ dựa vào đó để sớm điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh sao cho phù hợp với yêu cầu thị trường.

Ngoài SPS, các nước thuộc WTO còn sử dụng TBT (Technical Barriers to Trade - Rào cản kỹ thuật trong thương mại). Đây là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mà một nước áp dụng đối với hàng hoá nhập khẩu, hoặc quy trình đánh giá sự phù hợp của hàng hoá nhập khẩu đối với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đó.

Về lý thuyết, rào cản kỹ thuật được sử dụng để bảo vệ sức khỏe và an toàn của con người, môi trường sinh thái... WTO cũng đã ban hành Hiệp định TBT nhằm tạo ra một quy chuẩn gồm 3 loại biện pháp kỹ thuật mang tính thống nhất trên phạm vi toàn cầu.

Đó là: Quy chuẩn kỹ thuật là những yêu cầu kỹ thuật bắt buộc áp dụng; Tiêu chuẩn kỹ thuật là các yêu cầu kỹ thuật được chấp thuận bởi một tổ chức đã được công nhận, nhưng không có giá trị áp dụng bắt buộc; Quy trình đánh giá sự phù hợp để xác định việc đáp ứng các yêu cầu liên quan trong quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn.

Theo tiến trình tự do hóa thương mại, các công cụ bảo hộ truyền thống dần được gỡ bỏ nên rào cản TBT và SPS ngày càng được sử dụng nhiều hơn. Tại Việt Nam, Văn phòng TBT thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học & Công nghệ).

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Phía sau mặt cỏ xanh của Sân vận động Thiên Trường

Thiên Trường, sân nhà CLB Bóng đá Thép Xanh Nam Định gần đây được đánh giá có chất lượng mặt cỏ top đầu V-League, vậy điều gì đã làm nên màu xanh tươi mới này?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm