| Hotline: 0983.970.780

Nắng nóng khiến hơn 4.600ha cây trồng bị thiệt hại

Thứ Tư 05/07/2023 , 14:15 (GMT+7)

Hà Giang Đã có hơn 4.600ha cây trồng tại các địa phương ở tỉnh Hà Giang bị thiệt hại do nắng nóng kéo dài, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất mùa vụ.

Nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất cây trồng trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Ảnh: Đào Thanh.

Nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất cây trồng trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Ảnh: Đào Thanh.

Mất mùa do nắng nóng

Theo Sở NN-PTNT Hà Giang, từ đầu tháng 4 và cả tháng 5, nắng nóng liên tục kéo dài, nhiệt độ ngoài trời trung bình từ 38 đến 40 độ C; tổng lượng mưa 5 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 30 đến 60%.

Nắng nóng kéo dài kèm theo hạn hán đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển các cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Nhất là các diện tích cây ngô nương (trồng tháng 4 và tháng 5) tại các huyện vùng cao phía Bắc và phía Tây của tỉnh.

Nắng nóng, khô hạn, nhiệt độ cao, ẩm độ thấp đã làm cây ngô sinh trưởng phát triển kém, thấp còi, một số diện tích đang trong giai đoạn trổ cờ phun râu gặp nắng nóng, nhiệt độ cao, độ ẩm thấp (46%) đã làm chết hạt phấn (cây ngô không thụ phấn được) dẫn đến không có hạt...

Gia đình bà Đặng Mùi Nái ở thôn Minh Tiến, xã Xuân Minh, huyện Quang Bình vụ năm nay trồng 7kg ngô giống trên những mảnh nương của gia đình. Nhưng do thời tiết nắng nóng nhiều ngày lại không có mưa khiến nhiều diện tích thất thu.

Nắng nóng, ngô không sinh trưởng, phát triển được nên năng suất thấp, nhiều cây không thể ra bắp. Những cây có thể ra bắp thì không có hạt hoặc rất thưa hạt. Gia đình bà Nái phải thu hoạch sớm để chờ mưa xuống gieo cấy vụ mới. Thu hoạch ngô non, lại ít hạt không thể đem ra phơi khô để bảo quản lâu, bà Nái tận dụng nghiền cả bắp để nấu cám cho lợn ăn.

Bà Nái cho biết, ngoài tiền giống thì diện tích ngô trong vụ vừa rồi gia đình bà phải đầu tư mua phân bón mất khoảng 2,4 triệu đồng. Cùng diện tích này, vụ năm ngoái gia đình bà Nái thu về được hơn 20 bao ngô đủ cho cả người và đàn gia súc ăn đến vụ mới. Nhưng vụ năm nay chỉ thu được khoảng 8 bao ngô hạt, gia đình bà sẽ rất khó khăn về lương thực.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT Hà Giang, tính đến đầu tháng 6, tổng diện tích cây trồng toàn tỉnh bị thiệt hại là gần hơn 4.600ha trên địa bàn 6 huyện, trong đó huyện Xín Mần hơn 2.000ha, huyện Hoàng Su Phì hơn 300ha, huyện Đồng Văn gần 1.300ha, huyện Yên Minh hơn 700ha, huyện Quản Bạ hơn 200ha, huyện Mèo Vạc 142ha.

Trong số diện tích cây trồng bị thiệt hại nêu trên, thì cây ngô có diện tích bị ảnh hưởng nặng nề nhất (hơn 3.700ha), trong đó thiệt hại từ 10 đến 30% là 378ha; thiệt hại từ 30 đến 70% là gần 2.000ha; thiệt hại trên 70% là hơn 1.300ha. Tiếp đến là cây đậu tương, diện tích thiệt hại 464ha, cây lúa diện tích thiệt hại là hơn 290ha...

Tại xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, diện tích ngô bị ảnh hưởng do nắng nóng là 329ha. Đến thời điểm này những năm trước ngô đã vào chắc hạt và chuẩn bị cho thu hoạch, nhưng năm nay cây ngô ở các thôn, bản chỉ lên được khoảng 20 đến 30cm rồi chết.

Chỉ có 3 thôn vùng núi đá gồm Sán Séo Tỉn, Xín Thầu và Chù Lủng Trên là cây ngô còn phát triển được, nhưng tỷ lệ ra bắp và có hạt cũng thấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất.

Bà Ninh Thị Vị, Phó Chủ tịch UBND xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc cho biết, năm nay nắng nóng và hạn hán kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất. Ngoài cây ngô bị thất thu thì hạn hán khiến việc cấy cấy lúa mùa trên các thửa ruộng bậc thang cũng bị chậm tiến độ.

Dù ngô chưa già nhưng nhiều hộ dân ở huyện Bắc Quang đã phải thu hoạch để gieo trồng vụ mới. Ảnh: Toán Nguyễn.

Dù ngô chưa già nhưng nhiều hộ dân ở huyện Bắc Quang đã phải thu hoạch để gieo trồng vụ mới. Ảnh: Toán Nguyễn.

Chủ động ứng phó với thiên tai

Ông Vũ Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Giang nhận định, trước tình hình thiên tai và nắng nóng kéo dài, ngành NN-PTNT tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết và thông tin kịp thời cho người dân để chủ động trong công tác phòng chống nắng nóng, hạn hán cho cây trồng và vật nuôi; ban hành kế hoạch kiểm tra tiến độ sản xuất nông lâm nghiệp tại cơ sở, các văn bản hướng dẫn phòng chống thiên tai, chống hạn cho cây trồng và vật nuôi.

Hiện nay các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã huy động tối đa máy móc, phương tiện, tập trung nhân lực để thu hoạch nhanh gọn lúa vụ xuân. Thu hoạch đến đâu khẩn trương làm đất ngay đến đó để gieo trồng, thực hiện cầy vùi sâu gốc rạ, giữ nước trên ruộng, bón thêm vôi trước khi cầy vùi gốc rạ để hạn chế nguồn sâu bệnh; chăm sóc bảo vệ những diện tích cây rau màu chưa cho thu hoạch; tập trung nhân lực thu hoạch nhanh, gọn các cây rau màu đến kỳ thu hoạch để đảm bảo năng suất, chất lượng, hiệu quả.

Tại huyện Hoàng Su Phì, trong 6 tháng đầu năm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trên địa bàn huyện xảy ra hiện tượng nắng nóng kéo dài, cục bộ kèm theo giông sét tại một số xã đã làm thiệt hại về cây trồng và vật nuôi.

Cụ thể, tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại do nắng hạn là hơn 371ha; tổng số vật nuôi bị chết do sét đánh là 15 con, gồm 8 con trâu, bò, 2 con dê và 5 con lợn.

Ông Lý Chòi Nhàn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoàng Su Phì cho biết, tình hình thiên tai diễn ra trên địa bàn từ đầu năm nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây trồng, vật nuôi, tổng giá trị thiệt hại ước khoảng 600 triệu đồng.

Hiện nay, cùng với việc tuyên truyền, vận động người dân khẩn trương thu hoạch lúa và cây màu vụ xuân, huyện Hoàng Su Phì cũng hướng dẫn nhân dân khắc phục diện tích cây trồng bị thiệt hại do nắng nóng gây ra.

Hơn 3.700ha ngô trên địa bàn tỉnh Hà Giang bị khô héo do ảnh hưởng của nắng nóng. Ảnh: Đào Thanh.

Hơn 3.700ha ngô trên địa bàn tỉnh Hà Giang bị khô héo do ảnh hưởng của nắng nóng. Ảnh: Đào Thanh.

Đối với diện tích cây trồng sinh trưởng, phát triển kém không có khả năng cho thu hoạch, các đơn vị chuyên môn hướng dẫn người dân thu gom làm thức ăn chăn nuôi và thực hiện chuyển đổi sang trồng cây rau màu khác có khả năng chịu hạn tốt hơn, lưu ý khi chuyển đổi hướng dẫn người dân sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng ngắn ngày và triển khai trồng trong thời gian sớm nhất.

Theo Dự báo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tượng El Nino có thể xuất hiện vào nửa cuối năm 2023 và duy trì đến năm 2024 với xác suất khoảng 70 - 80%, trong giai đoạn tháng 6, tháng 7 số ngày nắng nóng xuất hiện nhiều hơn, gay gắt hơn và sẽ còn xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao. Lượng mưa thấp hơn khoảng 25 đến 50% so với trung bình nhiều năm và cùng thời kỳ nên tình trạng hạn hán, nắng nóng và thiếu hụt nước trên địa bàn tỉnh Hà Giang sẽ diễn ra gay gắt làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân và sinh trưởng, phát triển của cây trồng, vật nuôi.

Do vậy, ngành NN-PTNT tỉnh Hà Giang đề nghị UBND các huyện, thành phố cần sớm rà soát các phương án ứng phó với tác động của hiện tượng El Nino và thiếu hụt nguồn nước; bám sát cơ sở và tiếp tục tổ chức rà soát chính xác diện tích cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại do hạn hán, nắng nóng gây ra, báo cáo kịp thời về Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang để có giải pháp ứng phó kịp thời.

Xem thêm
Giám đốc Sở Ngoại vụ Thừa Thiên - Huế làm Bí thư Thị ủy Hương Trà

Ông Trần Công Phú, Giám đốc Sở Ngoại vụ được chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Thị ủy Hương Trà.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.