| Hotline: 0983.970.780

Nâng tầm đào tạo nghề cấp khu vực & quốc tế

Thứ Tư 27/02/2013 , 10:09 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT vừa có yêu cầu một số trường cao đẳng nghề xây dựng kế hoạch tài chính chi tiết năm 2013 cho việc triển khai đào tạo các nghề trọng điểm.

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Văn Lân, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ NN-PTNT cho biết, Bộ vừa có yêu cầu một số trường cao đẳng nghề xây dựng kế hoạch tài chính chi tiết năm 2013 cho việc triển khai đào tạo các nghề trọng điểm. Tất cả để đạt mục tiêu năm 2015 cả nước có 26 trường với 49 nghề trọng điểm cấp khu vực và quốc tế.

Đầu tư - từ đâu?

Ông Lân chia sẻ, đây sẽ thực sự là “cái nôi” vững chắc của người lao động có thể đáp ứng yêu cầu của DN, xã hội trong tương lai. Tuy nhiên, điểm khó nhất đối với các trường lúc này là tính thống nhất về nội dung đầu tư để các trường có thể lập dự án phù hợp. Vì vậy, theo hướng dẫn đầu tư dự án của Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH), các trường căn cứ vào chương trình khung, tiêu chuẩn kỹ năng nghề và danh mục thiết bị dạy nghề tối thiểu của các nghề đã được ban hành để lập Dự án đầu tư nghề trọng điểm.

Riêng các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN, ngoài các căn cứ nêu trên, đề nghị các trường căn cứ vào các chương trình, dự án nước ngoài (nếu có) để xác định nội dung đầu tư cho phù hợp. Sau khi chính thức có chương trình của các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế và khu vực ASEAN sẽ chuyển giao cho các trường để điều chỉnh dự án đầu tư cho phù hợp.

Về phần xây dựng chương trình, giáo trình, các trường không tính trong Dự án đầu tư của trường mà được bố trí riêng trong Chương trình mục tiêu để xây dựng và thống nhất áp dụng chung trong các trường. Ở phần đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề, các trường xác định chi phí đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề để đạt chuẩn theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH.


Thầy giỏi ắt có trò giỏi

Riêng các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN, các trường xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề và đề xuất với Bộ LĐ-TB&XH (qua Tổng cục Dạy nghề) để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chung. Và, với những trường được “nhắm” này sẽ được Nhà nước ưu đãi một khoản kinh phí lớn để đầu tư.

Khó “chạy” danh hiệu

Liệu có chạy được danh hiệu “trường chất lượng cao” để được nhận kinh phí đầu tư và làm thế nào chọn được đúng và trúng nghề? Theo ông Lân, tất cả đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí đã được liên bộ ngành thống nhất và không thể “chạy” được chính từ những yêu cầu ngặt nghèo.

Ví dụ đối với giáo viên, giảng viên dạy các nghề được lựa chọn để đầu tư ở cấp quốc gia, thì 100% đạt chuẩn nghề nghiệp của nhà giáo dạy nghề. Trong đó, 30% đạt loại loại khá trở lên; 60% giáo viên, giảng viên đáp ứng yêu cầu dạy tích hợp (dạy được cả lý thuyết và thực hành) và 25% GV có trình độ thạc sỹ chuyên ngành trở lên. 30% GV có trình độ ngoại ngữ từ 550 điểm TOIEC (hoặc tương đương) trở lên. Đảm bảo tỷ lệ giảng viên, giáo viên/học sinh ≤ 1/24.

Ở cấp khu vực: 100% đạt chuẩn nghề nghiệp của nhà giáo dạy nghề. Trong đó, 30% đat loại tốt, 30% loại khá; 70% giáo viên, giảng viên đáp ứng yêu cầu dạy tích hợp; 30% GV có trình độ thạc sỹ chuyên ngành trở lên và 30% GV được bồi dưỡng và cấp chứng chỉ ít nhất một chương trình (KNN, NVSP) của nước tiên tiên trong khu vực ASEAN hoặc trên thế giới. 40 - 50% GV có trình độ ngoại ngữ từ 550 điểm TOIEC (hoặc tương đương) trở lên, trong đó 15% hoàn thành CT tiếng Anh chuyên ngành. Tỷ lệ giảng viên, giáo viên/học sinh ≤ 1/20.

Còn ở cấp quốc tế: 100% GV đạt chuẩn nghề nghiệp của nhà giáo dạy nghề từ loại khá trở lên, trong đó 50% đạt loại tốt. 90% giáo viên, giảng viên đáp ứng yêu cầu dạy tích hợp; 100% GV sử dụng thành thạo các phần mềm ứng dụng phục vụ giảng dạy…

+ Tổng cục Dạy nghề cho biết đã nhập, chuyển giao và biên dịch xong 8 bộ chương trình đào tạo 8 nghề từ phía đối tác Malaysia, trong đó có 4 nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN là: Chế biến và bảo quản thủy sản; gia công và thiết kế sản phẩm mộc; Kỹ thuật xây dựng; Quản trị lễ tân; 4 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế: Điều khiển tàu biển; Kỹ thuật chế biến món ăn; Khai thác máy tàu thủy; Quản trị khách sạn. Ngoài ra sẽ tiếp tục tìm hiểu các bộ chương trình của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Mỹ...

+ Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ GD-ĐT trong tháng 3/2013 phải xây dựng xong Khung trình độ nghề quốc gia để trình Thủ tướng Chính phủ. Tất cả để đáp ứng mục tiêu năm 2015 xây dựng 26 trường, năm 2020 xây dựng 40 trường cao đẳng nghề với 107 nghề cấp quốc gia, 26 nghề cấp quốc tế và 49 nghề cấp khu vực.

Một yêu cầu không thể thiếu đó là cơ cấu vùng miền, bao nhiêu trường tuyến trung ương, bao trường tuyến địa phương. Thêm vào đó là hướng phát triển kinh tế của địa phương đó trong thời gian tới. Riêng Bộ NN-PTNT, có tới 18 trường nghề được đánh giá cao nhưng lại chỉ chọn được 3 trường phù hợp. Bộ đang yêu cầu các trường lập kế hoạch, đề án để phát triển theo hướng mới này.

Năm 2013, Bộ đã có văn bản gửi liên bộ bổ sung nhiều danh mục nghề phù hợp để có kế hoạch đào tạo giáo viên theo đúng lộ trình. Trước khi nhân rộng thì sẽ lựa chọn một số trường để đào tạo thí điểm một vài nghề đạt cấp độ khu vực. Ví dụ như nghề Chế biến thủy sản của trường CĐ Nghề Hải Phòng; nghề Kỹ thuật máy nông nghiệp của trường CĐ Nghề cơ khí Nông nghiệp; nghề Khai thác, đánh bắt hải sản của trường CĐ Nghề Bà Rịa - Vũng Tàu.

Kỳ vọng gì nếu như đầu tư thành công? Dưới góc độ tham mưu, ông Lân cho rằng, sẽ đáp ứng được cho xã hội một nguồn nhân lực có trình độ tay nghề cao, tiến tới chấm dứt tình trạng “thừa thày - thiếu thợ” như hiện nay. Ngoài ra, nếu đạt chuẩn ở cấp độ nào, cơ hội của người lao động sẽ rất rộng.

Để tránh những rủi ro, nhất là người học sẽ không thiết tha với nghề nên cần có văn bản thống nhất giữa các bộ, ngành liên quan. Các trường phải tự mình giữ vững những ngành nghề mà nhà nước đã tin tưởng đầu tư. Song, quan trọng hơn cả, lãnh đạo trường đó phải là người tâm huyết để “truyền lửa” cho chính nhân viên là những thầy giáo, cô giáo giỏi. Tất cả bởi “thầy giỏi ắt có trò giỏi” - ông Lân chia sẻ.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.