| Hotline: 0983.970.780

Nâng tầm nông thôn mới

Thứ Tư 27/05/2020 , 13:35 (GMT+7)

Sau 10 năm xây dựng NTM, tỉnh Bình Dương là một trong 8 tỉnh, TP trong cả nước hoàn thành 100% xã NTM. Ngoài ra, 1 huyện và 2 TX cũng đạt tiêu chí NTM.

Toàn bộ đường giao thông cấp xã ở Bình Dương đã được nhựa hoá, bê tông hóa. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Toàn bộ đường giao thông cấp xã ở Bình Dương đã được nhựa hoá, bê tông hóa. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Cuối năm 2019, 46/46 xã của tỉnh Bình Dương đã hoàn thành xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020. Bên cạnh đó, huyện Dầu Tiếng và 2 thị xã Tân Uyên, Bến Cát cũng được công nhận hoàn thành xây dựng NTM.

Diện mạo nông thôn tỉnh Bình Dương đã thay đổi rõ nét, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nâng cao, hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, chênh lệch thu nhập giữa nông thôn so với thị thành được rút ngắn khoảng cách.

Đổi thay toàn diện

Có được thành quả này là do Bình Dương có cách làm sáng tạo, hiệu quả, phát huy được sức dân trong xây dựng NTM.

Cụ thể, việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại các vùng nông thôn được lồng ghép với chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ phục vụ công nghiệp hóa, đô thị hóa.

Nhờ đó, các công trình giao thông, trường học, y tế được đầu tư đồng bộ, giảm chi phí không cần thiết. Đồng thời, chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được chú trọng, gắn với công nghiệp chế biến nông sản. Nhiều nhà đầu tư đã quyết định rót vốn đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao.

Mô hình tổ hợp tác trồng chuối công nghệ cao ở xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Mô hình tổ hợp tác trồng chuối công nghệ cao ở xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Sau khi hoàn thành giai đoạn 1 xây dựng NTM, từ 2010-2015, thì giai đoạn tiếp theo, từ 2016-2019, tỉnh tiếp tục đầu tư nâng chất các tiêu chí NTM như giao thông, văn hóa, giáo dục, y tế, điện, nước sạch nông thôn, môi trường…

Đến nay, toàn bộ đường giao thông cấp xã, từ trung tâm xã đến huyện, thị được nhựa hóa, đường trục ấp, liên ấp được nhựa hóa, bê tông hóa. Không còn đường ngõ xóm lầy lội vào mùa mưa, các tuyến đường trục nội đồng cũng cứng hoá, bảo đảm vận chuyển hàng hóa dễ dàng.

Ông Trần Văn Giàu, một lão nông ở xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng, phấn khởi nói: “Bà con chúng tôi thực sự sung sướng khi sống trong khí xây dựng NTM như thế này. Đi đâu cũng thấy bàn về nuôi con gì, trồng cây gì, áp dụng khoa học kỹ thuật ra sao.

Chưa kể, đường sá được đổ nhựa, bê tông hoàn toàn. Xe cộ chạy bon bon dưới mưa cũng chẳng văng tý bùn đất nào. Chợ, nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, công trình nào cũng đẹp, khang trang. Thích lắm chú ạ”.

Ông Giàu là một trong những ông dân sản xuất giỏi của xã, có mô hình trồng rau VietGAP hơn 1ha, trồng gần chục loại rau trong nhà màng. Toàn bộ sản phẩm đầu ra ổn định, là các siêu thị tại Bình Dương, TP.HCM và một số thương lái.

“Rau của tôi chỉ sử dụng chế phẩm sinh học để trừ sâu chứ không dùng thuốc. Cách chế sản phẩm sinh học trừ sâu này tôi học được từ một người bạn đồng hương ở Bình Phước”, ông Giàu nói.

Theo ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, tỉnh có chủ trương ngay từ ban đầu là xây dựng NTM không chạy theo hình thức, mà chú trọng chất lượng nhằm mục đích nâng cao đời sống cư dân nông thôn. Nhờ đó, chương trình NTM đi đúng hướng, vững chắc. Không có địa phương nào nợ đọng trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ NTM.

Đưa NTM lên tầm cao mới

Mới đây, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao và kiểu mẫu, khu dân cư kiểu mẫu, làm cơ sở đánh giá việc nâng cao các tiêu chí sau khi đạt chuẩn NTM.

Các chỉ tiêu nâng cao, kiểu mẫu đều hướng tới việc chăm lo đời sống của người dân ở nông thôn tốt hơn, giảm khoảng cách thụ hưởng các dịch vụ giữa nông thôn và thành thị, tạo điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Mô hình rau sạch trong nhà màng của ông Trần Văn Giàu, ở xã NTM Định Hiệp. Ảnh: Bùi Liêm.

Mô hình rau sạch trong nhà màng của ông Trần Văn Giàu, ở xã NTM Định Hiệp. Ảnh: Bùi Liêm.

Trước khi thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, sản xuất nông nghiệp ở xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng vẫn theo cách truyền thống: manh mún, nhỏ lẻ, không có mô hình nông nghiệp công nghệ cao.

Sau 10 năm xây dựng NTM, bộ mặt xã đã thay đổi nhanh chóng. Năm 2014, Định Hiệp hoàn thành xây dựng NTM, và nay đã là xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Những thành quả đạt được là đời sống mọi mặt của người dân nâng cao, chính vì thế, việc nhận được sự đồng thuận của 100% người dân cũng là điều đương nhiên. Tất nhiên, không thể không nhắc đến sự vào cuộc và quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị.

Từ khi xây dựng NTM, trên địa bàn xã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, nông dân sản xuất giỏi, thu nhập tăng cao, không còn hộ nghèo.

Tại địa phương, nhiều mô hình sản xuất hay, bền vững như mô hình trồng măng trúc của ông Nguyễn Văn Định, ở ấp Giáng Hương, mô hình tổ hợp tác may gia công của bà Ánh Đào ở ấp Định Thọ, liên kết nhận hàng và may gia công cho các công ty may mặc, giải quyết việc làm ổn định tại nhà cho 75 lao động.

Hiện nay, toàn bộ các tuyến đường trục ấp trong xã đã được trải nhựa, bê tông hoặc xi măng hóa đến đường ngõ, hẻm vào từng nhà. Đường xã, liên xã được nhựa hóa 100%; có 5 tuyến đường dài hơn 18km được trang bị đèn chiếu sáng công cộng.

Từ năm 2010 đến nay, các tuyến đường khu dân cư trong xã được người dân tự trồng hoa với chiều dài gần 10km, tự gắn đèn chiếu sáng và tự trang bị 1.780 thùng đựng rác. Tổng số tiền người dân đóng góp làm đường giao thông gần 12 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Định Hiệp cho biết, từ khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, nhiều nông hộ trong xã thay đổi tư duy bằng cách liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Hiện toàn xã đã hình thành các nhóm sản phẩm phát triển tập trung thành từng vùng với quy mô lớn.

“Trong xây dựng NTM, đánh giá được sự hài lòng của người dân là việc làm quan trọng. Khi triển khai thực hiện, xã đã nhận thức, mục tiêu cuối cùng của NTM là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, tăng trưởng nông nghiệp bền vững, tạo diện mạo mới cho nông thôn”, ông Nghĩa khẳng định.

Tại xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, chương trình NTM cũng đã khiến xã này thay da đổi thịt tương tự Định Hiệp. Nhiều nông dân đã thay đổi tư duy trong sản xuất, xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất và ứng dụng công nghệ cao. Như mô hình liên kết trồng chuối công nghệ cao, mang lại thu nhập ổn định 500 triệu đồng/ha/vụ. 

“Trong giai đoạn 2020-2025, Bình Dương tiếp tục tập trung huy động các nguồn lực nhằm đầu tư hoàn thiện hạ tầng nông thôn, tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đảm bảo cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu. Chú trọng thực hiện tốt công tác quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ. Phấn đấu đến năm 2025 Bình Dương sẽ có 50% xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, thu nhập bình quân đầu người tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020”, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất