ICESat-2 được trang bị hệ thống laser tiên tiến vượt trội, có thể thu được hình ảnh về độ dày của các khối băng trên bề mặt trái đất |
Vệ tinh ICESat-2, nặng 500kg, trị giá 1 tỷ USD, đã được phóng lên vũ trụ bằng tên lửa Delta II từ căn cứ không quân Vandenberg ở California. Vụ phóng vệ tinh ICESat-2 đánh dấu lần đầu tiên trong gần 1 thập niên qua, NASA lại đưa thiết bị trên vũ trụ để theo dõi lớp băng trên bề mặt trái đất.
Để có thể thu được hình ảnh về độ dày của các khối băng, ICESat-2 được trang bị hệ thống laser tiên tiến vượt trội so với ICESat đời đầu. Theo đó, tốc độ phóng tia của ICESat-2 có thể đạt tới 10.000 lần/giây, cao hơn nhiều so với tốc độ 40 lần/giây của ICESat. Mỗi lần chụp ICE-2 sẽ cho ra 130 bức ảnh trong khu vực có diện tích tương đương một sân bóng.
Tên lửa đẩy Delta II mang theo vệ tinh ICESat-2 rời bệ phóng ở căn cứ không quân Vandenberg, bang California, Mỹ |
Trong một tuyên bố, NASA khẳng định ICESat-2 sẽ thu thập đủ dữ liệu để đánh giá sự thay đổi về độ dày hằng năm của các tảng băng ở Greenland và Nam Cực ngay cả khi nó chỉ dày 4 mm. Đặc biệt, vệ tinh laser còn đo được độ dốc của băng. Tuy có cường độ mạnh, song ICESat-2 sẽ không làm tan chảy băng khi bay cách trái đất 500 km.
Dự kiến, sứ mệnh của ICESat-2 sẽ kéo dài 3 năm, song sẽ đủ nhiên liệu để hoạt động trong vòng 10 năm phòng khi các nhà quản lý quyết định kéo dài sứ mệnh của vệ tinh.
ICESat đầu tiên phát hiện lượng băng trên biển đang mỏng dần đi và lượng băng bao phủ đang biến mất tại các khu vực duyên hải ở đảo Greenland và Nam Cực.