| Hotline: 0983.970.780

Nến cong cho lửa thẳng

Thứ Năm 28/07/2011 , 15:40 (GMT+7)

Ở thôn 4 xã Yên Thịnh, huyện Yên Định (Thanh Hóa) có một gia đình thương binh nặng khiến ai cũng cảm phục trước nghị lực sống phi thường và một tình yêu mãnh liệt. Đó là gia đình thương binh Lê Đình Phẩm và Nguyễn Thị Khánh Vân.

>> Thế là mẹ đã ra đi khi con chưa tìm được mộ anh!
>> Duyên tình xin hẹn kiếp sau
>> Họ đã yêu và sống

Một phần cơ thể ở lại chiến trường

Năm 1965, đang công tác ở đội công trình thuộc Ty Thủy lợi Thanh Hóa, ông Phẩm (lúc đó 24 tuổi) nghe tiếng gọi "cả nước vì miền Nam" đã viết đơn xin gia nhập quân ngũ. Là con trai duy nhất của gia đình nên địa phương và cơ quan cho miễn đi lính nhưng ông Phẩm vẫn một mực mong được cầm súng ra trận. Và, trận đánh ác liệt vào cuối năm 1967 ở Quảng Trị đã làm ông bị thương rất nặng. Đôi chân cứng cỏi, chạy băng qua bao đèo cao bao suối sâu nơi rừng thiêng nước độc ấy đã không còn gắn trên thân thể ông nữa. Sau khi phục hồi, ông có quyết định ra quân và được đưa đi điều dưỡng ở Ba Vì - Hà Tây (cũ).

Còn bà Vân lúc đó 20 tuổi, giỏi việc cấy lúa giúp mẹ trên đồng quê xã Khánh Ninh, huyện Yên Khánh (Ninh Bình). Năm 1965, bà Vân gia nhập lực lượng TNXP rồi chuyển về làm công tác tuyên huấn cho Đoàn 559. Ở đây, bà không chỉ chắc tay súng mà còn là một giọng ca "át tiếng bom”. Trong một lần hành quân, chân của bà Vân vướng vào một quả mìn khiến bà mê man bất tỉnh. Nhân có đoàn Viện Quân y Bệnh viện 108 vào công tác tại mặt trận, tướng Đồng Sỹ Nguyên, tư lệnh Đoàn 559, đã đề nghị các bác sỹ tiến hành phẫu thuật cho bà Vân.

Trong đêm tối, đoàn đã đốt đèn dưới hầm và tiến hành phẫu thuật, cắt bỏ chân trái của bà Vân vì nó đã bị phân hủy gần hết. Sau này, đơn vị chuyển bà Vân ra Bệnh viện 108 để được chăm sóc và điều trị, nhưng rồi không chỉ bị cắt bỏ một chân mà đôi mắt của bà Vân lúc này cũng không nhìn được nữa. Đến tháng 2/1972, bà Vân được đưa về Khu điều dưỡng thương binh tại Ba Vì. Tại đây, hai thương binh nặng Lê Đình Phẩm và Nguyễn Thị Khánh Vân đã gặp nhau.

Nên duyên chồng vợ

Đã gần 40 năm, chuyện tình của hai người mới được kể một cách cặn kẽ. Trong ngôi nhà 2 tầng được xây dựng kiên cố với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, cuộc sống của vợ chồng ông bà Phẩm - Vân thật hạnh phúc. Đến nay, 4 người con trai của ông bà đều đã tốt nghiệp đại học. Hai cậu con trai đầu sau khi học xong vào làm việc ở các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng. Cậu con trai thứ 3 đang làm cán bộ tư pháp ở xã. Cậu út hiện đang làm việc tại một Cty ở Hà Nam. Hai ông bà giờ đã có 3 người con dâu hiền và ba đứa cháu nội.

Nhớ những năm tháng với bao khó khăn chồng chất, ngồi bên người chồng yêu thương, bà Vân bồi hồi nhớ lại: Tháng 2/1972, khi đang ở trại điều dưỡng Ba Vì, trung tá Nguyễn Thiết Cương, Phó Chính ủy Binh đoàn 33 của Đoàn 559 đã bảo tôi: “Cháu là thương binh nhưng sẽ không phế. Nếu có ai yêu thương thì cháu cứ lấy. Nhà nước sẽ nuôi cháu đến trọn cuộc đời". Câu nói ấy đã tiếp thêm nghị lực sống cho tôi.

Trong các buổi giao lưu văn nghệ do trại tổ chức, bà Vân tham gia rất đầy đủ và hát những bài mà bà Vân đã từng hát cho anh em binh lính nghe. Tại trại điều dưỡng lúc bấy giờ, mỗi người đều có một hoàn cảnh éo le, họ đã để lại một phần cơ thể, xương máu của mình nơi chiến trường. Khi nghe lại những ca khúc hào hùng do bà Vân thể hiện càng dấy lên nghị lực sống cho tất cả anh chị em thương binh ở trại. Và trong số những người chăm chú nghe bà Vân hát, ông Phẩm luôn ngồi ở phía dưới lặng lẽ dõi theo. Sau nhiều lần như thế, tiếng hát của bà Vân dần hút hồn trái tim người thương binh Lê Đình Phẩm. Và rồi, tình yêu đã nảy nở trong họ.

Một hôm, trước lời đề nghị mộc mạc, chân thành của ông Phẩm về chuyện trăm năm, bà Vân xúc động hỏi lại: "Anh có thực lòng yêu em không? Liệu bố mẹ hai bên gia đình có chấp nhận một cô dâu bị mù cả hai mắt, bị mất đi một chân không? Liệu rồi đây, em có lo được cho anh, cho gia đình không?".

Ông Phẩm nắm chặt tay bà Vân: “Khó khăn, nguy hiểm nơi chiến trường, đạn bom dày xéo, máu lửa hòa quyện với đất, anh vẫn cam chịu để vượt qua. Em đã từng hát rằng: Người chiến sỹ quen với gian lao, người chiến sỹ tiếc gì máu xương... Vậy nên chỉ cần em yêu anh, anh còn có đôi tay khỏe, đôi mắt sáng, anh sẽ lo lắng cho em. Em sẽ sinh con và chăm sóc chúng trưởng thành. Bên chúng ta còn có Đảng, có nhân dân, anh em đồng đội, chúng ta sẽ vượt qua".

Như lời hẹn ước, đám cưới rất bình dị, ấm áp của cô dâu Khánh Vân và chú rể Đình Phẩm được ban lãnh đạo trại điều dưỡng Ba Vì tổ chức một cách trang nghiêm vào ngày 16/6/1972. Ai cũng đến dự đám cưới và chúc phúc cho hai người.

Bà Vân kể đến đây, ông Phẩm nghẹn ngào: “Chúng tôi vào trại là xác định sẽ sống ở đó vĩnh viễn, chứ không bao giờ nghĩ là mình sẽ có ngày được xây dựng hạnh phúc gia đình. Sau ngày kết hôn, chúng tôi được chuyển về trại điều dưỡng thương binh Ninh Xá, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Rồi cũng như bao vợ chồng khác, hạnh phúc nhân đôi đến với chúng tôi khi cuối năm 1973 Vân sinh hạ được cậu con trai khỏe mạnh. Cuộc sống của đôi vợ chồng thương binh nặng cứ thế sống trong niềm vui, hạnh phúc cùng tiếng bi bô của con trẻ. Ai cũng vui, cũng mừng cho chúng tôi. Tôi càng yêu thương Vân hơn”.

Ở tuổi 70, cuộc sống của hai cựu chiến binh Lê Đình Phẩm và Khánh Vân luôn rộn rã tiếng cười vui của đàn cháu nhỏ. Khi cảm xúc dâng trào, bà Vân hát cho chồng con và các cháu nghe: Cho tôi ca bài ca về người chiến sỹ nơi tuyến đầu/ Nơi biên cương rừng sâu, anh âm thầm chịu đựng gió sương/ Dẫu có những gian lao, dẫu có những nhọc nhằn, mang trong trái tim em trọn niềm tin. Và ông Phẩm góp vui: Hát nữa đi hỡi em cho vang vọng mãi đất trời…/ Rằng qua cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau....

Ông Phẩm dứt lời, bà Vân kể tiếp: "Phụ cấp tiền ăn hàng tháng lúc đó của vợ chồng tôi được 18 đồng/người. Tôi bảo với chồng là mình chỉ dùng một suất thôi, suất còn lại dành để lo lắng lúc con trưởng thành. Sau này, phụ cấp được tăng lên 110 đồng thì tôi lại mang bầu đứa thứ hai và sinh con vào năm 1977. Đến năm 1979, chúng tôi xin phép lãnh đạo trại điều dưỡng được về quê sinh sống. Thế rồi gia đình tôi về quê Ninh Bình ở cùng bà ngoại”.

Ông Phẩm nói vui: "Vất vả trăm bề nhưng dường như cuộc sống cứ sinh sôi nảy nở với chúng tôi khi vào một đêm của năm 1980, tôi trực tiếp làm người đỡ đẻ cho vợ sinh cậu con trai thứ ba. Tôi rất vui vì thực lòng mà nói cả hai vợ chồng đều là thương binh nặng nhưng các con tôi sinh ra đều khỏe mạnh".

Giọt nước mắt bỗng lăn dài trên đôi má của bà Vân. Bà khóc vì hạnh phúc. Bà nhớ lại: “Đến năm 1984, gia đình tôi chuyển về quê chồng sinh sống và đứa con trai út đã cất tiếng khóc chào đời nơi quê cha đất tổ". Theo lời kể của ông bà thì đây là khoảng thời gian vất vả nhất vì bối cảnh lúc bấy giờ cả đất nước và quê hương đều khó khăn. Nơi quê nghèo, gia đình ông bà được địa phương cấp cho một mảnh đất. Dựng căn nhà lá đơn sơ giữa cánh đồng hoang sơ ấy, cuộc sống của gia đình 6 nhân khẩu cứ thế tồn tại. Không thể làm ruộng hay bươn chải được nghề gì hơn, vợ chồng ông Phẩm nắng mưa chăm sóc đàn gà, con vịt và bán bánh đa để kiếm tiền nuôi con ăn học.

Anh Lê Đình Tú, con trai thứ ba của ông bà, xúc động nói: “Nhìn bố mẹ chăm sóc nhau từ bữa ăn, giấc ngủ đến chuyện tắm giặt rồi sinh hoạt cá nhân đều trong một tư thế khó khăn mà lòng mỗi anh em tôi quặn thắt. Chúng tôi tự hứa sẽ học thật giỏi, sống thật tốt với đời, làm việc tốt cho xã hội để động viên bố mẹ và hơn tất cả là biết ơn bố mẹ”.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm