| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 25/03/2013 , 10:06 (GMT+7)

10:06 - 25/03/2013

Nên để rơi tự do?

Tiến sĩ Alan Phan cho rằng, dù can thiệp bằng bất kỳ giải pháp nào để cứu thị trường bất động sản thì Chính phủ và nền kinh tế Việt Nam sẽ phải trả giá đắt.

Tiến sĩ Alan Phan cho rằng, dù can thiệp bằng bất kỳ giải pháp nào để cứu thị trường bất động sản (BĐS) thì Chính phủ và nền kinh tế Việt Nam sẽ phải trả giá đắt (theo báo điện tử VnExpress).

Tuyên bố của tiến sĩ Alan Phan có thể khiến nhiều doanh nghiệp BĐS giận dữ, đặc biệt là các doanh nghiệp yếu kém vì họ có nguy cơ “chết” bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, đây lại là một tin vui đối với phần đông người dân Việt Nam vì thị trường nhà đất vốn chỉ là nơi “hái ra tiền” của một nhóm nhỏ các ông lớn nhưng lại là nơi “chôn” tiền của số đông người dân.

Hơn thế nữa, nhiều ý kiến còn cho rằng đây là cái giá phải trả của các doanh nghiệp BĐS vì việc đầu tư ồ ạt, thiếu chiến lược bài bản, thiếu vốn bền vững, thậm chí là thiếu cả kiến thức trong giai đoạn thị trường bùng nổ những năm 2008 – 2010.


Ảnh minh họa

Giai đoạn đó, BĐS được coi như “thiên đường” đầu tư. Giới đầu tư đua nhau đổ tiền vào thị trường này. Nhiều doanh nghiệp vốn không kinh doanh đất đai cũng bất ngờ “chuyển nghề”. Các trung tâm môi giới BĐS mọc lên như nấm sau mưa và kiếm tiền tỷ một cách dễ dàng. Hàng nghìn người bỗng trở thành “cò đất” dù chẳng có bằng cấp hay kiến thức nào trong lĩnh vực này.

Lợi nhuận thực sự của các doanh nghiệp, cá nhân này là bao nhiêu thì khó ai có số liệu chính xác, tuy nhiên, cứ nhìn việc các doanh nghiệp nhà đất “cắn răng” vay lãi ngân hàng tới 20 – 25%/năm thì có thể thấy họ đã vớ “bẫm” trong giai đoạn kể trên. Để tối đa hóa lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp BĐS đã bắt tay nhau để nâng giá nhà đất, đẩy thị trường vào những cơn sốt ảo khiến khách hàng quay như chong chóng.

Sự tham lam của các doanh nghiệp này đã bị chính người trong cuộc “vạch mặt” khi cách đây khoảng một năm, ông chủ Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức tuyên bố sẽ bán căn hộ với giá chỉ bằng 50% giá bán của các sản phẩm ở cùng vị trí nhưng vẫn có lãi.

Không chỉ tham lam, các “ông lớn” BĐS còn vô cùng ích kỷ khi họ chưa từng nghĩ đến việc chia sẻ khó khăn với người dân bằng cách hạ giá nhà, nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng sản phẩm trong thời điểm thịnh vượng, làm ăn phát đạt. Thế nhưng, vừa lâm vào cảnh khó khăn, họ lại lớn tiếng yêu cầu các cơ quan chức năng, Chính phủ và người dân phải chia sẻ khó khăn với mình bằng cách “bơm” tiền để giải cứu thị trường này.

Cũng cần nói rõ rằng đây không phải là đề xuất duy nhất của các doanh nghiệp BĐS nhưng đây là biện pháp mà họ chỉ phải bỏ công sức, tiền bạc ở mức độ ít nhất nhưng lại thu lợi nhiều nhất so với các biện pháp khác như tái cơ cấu các loại hình nhà đất, hỗ trợ lãi suất mua nhà, kích cầu…

Điều đáng nói là đề xuất vô lý này của các doanh nghiệp BĐS lại được Ngân hàng Nhà nước tỏ ra sốt sắng ủng hộ bằng tuyên bố sẵn sàng cung ứng ngay 40 ngàn tỷ đồng hồi cuối năm 2012 và nâng tổng số tiền này lên tới 150 ngàn tỷ đồng trong năm 2013.

Tuy nhiên, lợi hại của biện pháp này đến đâu thì lại chưa có báo cáo nào để làm căn cứ xác định cụ thể. Vấn đề lấy số tiền này từ đâu cũng là điều khiến nhiều chuyên gia tài chính đặt dấu hỏi khi mà ngân sách nhà nước đang rơi vào tình cảnh “thiếu trước hụt sau” và phải giảm đầu tư công, cân nhắc việc tăng lương tối thiểu hay nâng giá viện phí để bù đắp quỹ bảo hiểm.

Thực tế cho thấy, trong trường hợp một doanh nghiệp nhà đất phá sản thì chỉ có bộ máy lãnh đạo của doanh nghiệp đó phải rút lui, trong khi công trình dự án vẫn còn nguyên đó và sẽ được chuyển cho một ông chủ khác có trình độ quản lý tốt hơn, có nguồn vốn vững mạnh hơn. Nhờ vậy, công trình sẽ được thi công và hoàn thành nhanh chóng hơn thay vì nằm “đắp chiếu” từ năm này sang năm khác như tình trạng hiện nay.

Vì vậy, việc để thị trường BĐS rơi tự do và để các doanh nghiệp BĐS yếu kém “chết” hẳn có lẽ là một lựa chọn sáng suốt trong thời điểm này bởi các chuyên gia kinh tế trên thế giới đều thừa nhận không có sự điều tiết nào hoàn hảo hơn sự điều tiết của thị trường cạnh tranh lành mạnh và tự do.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm