Nhìn lại 35 năm đổi mới vừa qua, sự độc lập, sáng tạo trong tư duy lãnh đạo, sự đồng bộ và kiên quyết trong điều hành và sự bứt phá trong hành động của toàn xã hội làm cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn Việt Nam thay đổi dung mạo, vị thế và từng bước hòa trong dòng chảy chung của công cuộc đổi mới và hội nhập, với nhiều lĩnh vực “tiên phong”, mở đường và dẫn đường, góp phần bảo đảm sức mạnh của nền kinh tế và tiềm lực quốc gia.
Vai trò của nông nghiệp, nông dân và nông thôn đối với sự phát triển của đất nước đã vô cùng lớn, không chỉ bao trùm, bền chặt mà còn rất căn cơ, hiệu quả, góp phần căn bản và to lớn cho sự ổn định và phát triển của quốc gia. Trên nền móng đó, đất nước đổi mới, nhiều vùng nông thôn vươn mình, trù phú, diện mạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đổi thay sâu sắc cùng với đất nước và con người Việt Nam.
Nhưng thực tiễn vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn, thậm chí cả sự luẩn quẩn nan giải. Nền nông nghiệp còn nhiều yếu kém nội tại, kinh tế nông thôn phát triển không đồng đều, thiếu ổn định… mà sự thiệt thòi đang rơi vào người sản xuất khu vực nông nghiệp - nông thôn.
Kết cấu hạ tầng lẽo đẽo đi sau yêu cầu phát triển; thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân, dù đã cải thiện nhưng còn thấp và chưa tương xứng, tỷ lệ hộ nghèo cao; sự chênh lệch vùng, miền của nông thôn, nông dân vẫn là câu hỏi lớn… Ô nhiễm môi trường nông thôn chưa được kiểm soát chặt chẽ, gây thiệt hại lớn. Tác động của biến đổi khí hậu, từ chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, làm cho sản xuất, xuất nhập khẩu nông sản chủ lực luôn đứng trước những rủi ro mà người gánh chịu trước hết và nặng nề vẫn là nông dân.
Tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa chưa có lộ trình phù hợp đang xâm hại không gian văn hóa nông thôn, khiến cho sự “xung đột” văn hóa diễn ra hết sức phức tạp trong tiến trình xây dựng nông thôn mới và nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đang bị đe dọa. Với tư cách là chủ nhân nông thôn nhưng chỉ có 13% số lao động ở đây có bằng cấp chứng chỉ, tức là trình độ lao động được đào tạo rất thấp. Lao động nông nghiệp chiếm khoảng 50% lao động xã hội nhưng năng suất trung bình của lao động nông nghiệp chỉ chiếm có 37%.
Để đổi mới và phát triển, nông nghiệp - nông dân - nông thôn Việt Nam trong lúc đang tiềm ẩn những rủi ro, nguy cơ, đòi hỏi tỉnh táo nhận diện và có giải pháp chiến lược, mang tầm vĩ mô để giải quyết, cả trước mắt và lâu dài.
Chúng ta cần thay đổi tư duy về vai trò, vị thế của người nông dân trong xã hội, để nông dân có đời sống tốt hơn, nông nghiệp và nông thôn phát triển hơn, không đánh đổi nông dân, nông nghiệp bằng mọi giá để có nhà máy, khu công nghiệp, sân golf và các khu biệt thự nghỉ dưỡng… Đây là điều căn bản.
Xây dựng nền nông nghiệp tinh hoa, nông nghiệp xanh, theo hướng công nghiệp hóa phù hợp với biển và tương dung với biển là nhu cầu bức thiết. Không như thế không thể nói tới một nền nông nghiệp cạnh tranh, mang tính bền vững, khi biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tình trạng mặn hóa, sa mạc hóa ven biển… đang đe dọa nền nông nghiệp; càng không thể nói nói tới vấn đề công nghiệp hóa nông nghiệp một cách khả thi và hiệu quả. Nói khái lược, phát triển một nền nông nghiệp tinh hoa lúc này và trong cả thế kỷ XXI không thể không là một nền nông nghiệp công nghiệp hóa, phát triển tương dung và hài hòa với tình trạng biến đổi khí hậu, nước lũ dâng, với nước biển dâng, với mặn xâm nhập và sa mạc hóa.
Đồng thời, phải ứng phó và giải quyết một cách chiến lược an ninh môi trường sinh thái trong phát triển nông nghiệp. Chỉ có như vậy mới bảo đảm an ninh lương thực, rộng ra là bảo đảm an ninh kinh tế, nền móng của an ninh chính trị, an ninh quốc phòng; mới nói tới sự phát triển bền vững. Trước mắt, dự báo trong 20 năm tới, nông nghiệp vẫn là lĩnh vực phát triển căn bản với nước ta .
Chúng ta không ngừng mở ra cơ hội lớn phát triển toàn diện cho cư dân nông thôn, hình thành một lớp người nông dân mới - lớp nhà nông 4.0 - được đào tạo, tự thay đổi tư duy về tổ chức sản xuất, áp dụng các mô hình sản xuất hiện đại trên nền tảng học vấn và tiếp thu tiến bộ công nghệ vào sản xuất, làm chủ công nghiệp hóa nông nghiệp, chủ nhân xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại và tiến bộ.
Phải xây dựng mô hình phát triển bao trùm (không chỉ sản xuất nông nghiệp gắn bó với lao động với đất đai mà cả sản xuất công nghiệp và dịch vụ về việc làm, về thu nhập, về đầu tư…) diễn ra trên địa bàn nông thôn nhằm xóa bỏ sự khác biệt giữa các cực, giữa các địa bàn, giữa các ngành nghề, để nông thôn tiếp tục là nền tảng xứng đáng phát triển đất nước. Khi cư dân nông thôn phát triển, trở thành lao động phi nông nghiệp chính thức hóa lao động, có tay nghề, có lương bổng, có tương lai, để bảo đảm đời sống cho họ và cho gia đình, thì trụ cột được củng cố vững mạnh, đất nước ngày càng ổn định và phát triển ngang tầm mong muốn.
Tiếp tục xóa bỏ tình trạng chia cắt, xây dựng và phát triển thị trường nông thôn trở thành thị trường mạnh, với 70% số dân cả nước, với 10 triệu hộ tiểu nông, nhằm hạn chế tình trạng bỏ nông thôn ra đi, thu hẹp khoảng cách giữa đô thị và nông thôn… gắn chặt với công cuộc xây dựng nông thôn mới trên nền tảng truyền thống, phù hợp với tình hình của đất nước và bối cảnh quốc tế trong dòng chảy đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Phát triển nông thôn, nông nghiệp dựa vào doanh nghiệp vừa và nhỏ, chúng ta có cơ hội phát triển tất cả các mặt. Đây là công việc cực kỳ quan trọng.
Những quyết sách chiến lược của Đại hội XIII của Đảng mở ra chân trời và cơ hội lớn phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn Việt Nam, để nó thực sự tiếp tục là nền móng, là trụ cột xứng đáng phát triển đất nước hùng cường trong tầm nhìn tới năm 2045, trước mắt tới năm 2030.