| Hotline: 0983.970.780

Nên nhẹ nhàng, đừng để mẹ bị tổn thương, cháu nhé

Thứ Tư 12/08/2015 , 20:20 (GMT+7)

Anh em nhất thân nhất phận, đời đã dạy, muốn cãi số cũng không thể. Nhưng nên nhẹ nhàng, đừng để mẹ tổn thương và nhất là đừng để các dì thấy mình lấn quyền ỷ tiền ỷ thế.

Cô kính mến!

Nhà ngoại của cháu có cả thảy 5 chị em gái, con trai duy nhất là cậu út. Nhiều lúc cháu thèm có chị em gái như mẹ cháu mà không thể vì thế hệ của mẹ đã bắt đầu kế hoạch "mỗi nhà nên có hai con".

Sở dĩ cháu thích có tình chị em gái là vì các dì của cháu rất thương nhau.

Dì hai của cháu làm nông, góa sớm, dì ba dì tư dì năm đều là viên chức có đồng lương ổn định và nhiều cách sống ngoài lương rất khấm khá. Mẹ cháu là áp út nên vừa được ông bà ngoại cưng mà các dì cũng chiều.

Như cô biết đó, ở quê cháu, ai là nông dân thì đều vất vả. Dì hai của cháu được cả họ bù chì mà không lúc nào dì ngẩng đầu lên được, ấy là cháu nói chuyện sinh kế.

Dì thừa hưởng của ngoại cháu ruộng đất hương hỏa nhưng ba đứa con của dì cũng đều là nông dân nên chật vật lắm cô.

 Anh con đầu của dì thì tạm yên với việc làm rẫy qua ngày sau khi phá sản vì nuôi cá. Anh con thứ của dì phải bán ghe lên bờ vỡ mộng thương hồ, hiện sống bấp bênh với con đò nhỏ chở người qua sông. Riêng người con gái út của dì thì ôi thôi rồi, đứng núi này trông núi nọ, gây cho dì hết món nợ này tới món nợ khác.

Cháu rất thông cảm cho dì ruột của mình, nhất là dì hai. Nhưng cái gì cũng phải có giới hạn.

Dì ba cũng đã cho dì hai một khoản tiền để sửa sang nhà lá thành nhà ngói, dì tư cho tiền các cháu của dì hai ăn học, dì năm cho tiền hàng tháng để dì hai chi phí cho việc hiếu hỉ ở trong quê.

Riêng mẹ thì cho mọi lúc mọi nơi để trả nợ, giãn nợ, khoanh nợ, đủ thứ. Nhưng cháu nghiệm, càng cho thì con gái út của dì hai càng loạng choạng.

Ba với mẹ cháu bắt đầu mâu thuẫn vì mẹ quá nặng lòng với chuyện hương hỏa, dì hai và các con của dì.

Như cháu đây, đáng lý con của cháu sẽ được ba mẹ giúp đỡ chuyện ăn học nhưng vì giúp cho con cháu dì hai suốt mà mẹ cháu lơ là với các cháu ruột của mình.

Cháu có nên phản ứng cho dì hai và con gái của dì thôi ỷ lại mẹ cháu không cô? Cháu nói ra thì có làm cho mẹ cháu tổn thương không và có bị coi là lướt quyền mẹ không?

Cháu cũng sợ nhà ngoại đánh giá là ba cháu xui cháu làm loạn nhưng thực tình, ba cháu rất hiền, mẹ muốn cho ai bao nhiêu thì tùy mẹ, ba chỉ nhắc chừng thôi mà.

--------------------

Cháu thân mến!

Cháu có biết người Việt mình tồn tại qua mọi cuộc biển dâu là nhờ đâu không? Là nhờ sự đùm bọc của gia tộc với từng thành viên của nó.

Nói cách khác, gia tộc của người mình là một ốc đảo mà cũng là tường thành để con người tồn tại qua bao nhiêu cuộc chiến tranh. Lại nói cách khác nữa, vì quá nhiều loạn lạc nên tình gia tộc của người Việt lớn hơn tất cả.

Các cháu ở một thế hệ yên bình và gia tộc của cháu đã vắng người hơn gia tộc của mẹ cháu. Như cháu cũng chỉ có ba mẹ hai bên và đứa em của mình, con và cháu của mình.

Còn mẹ cháu, nhà ngoại đã là 5 dì và cậu, cộng với mẹ nữa, đã là gia tộc trung bình lớn, vững chãi nhờ chia sẻ với nhau từ tinh thần tới đồng cho, đồng xóa nợ.

Cháu có nghĩ rằng mẹ cháu quan niệm cho là phúc đức cho chị em cháu và con cái của các cháu không?

Cô nghĩ như vậy đó. Ngoài tình thương đương nhiên, mẹ cháu còn làm ra một tấm gương cho chị em cháu, rằng người trong nhà là phải đùm bọc, rồi mới có thể lá lành đùm lá rách với người dưng nước lã được.

Ba của cháu chỉ dám mâu thuẫn nhẹ với mẹ là vì sâu xa ba cũng hiểu nặng lòng với một người chị nông dân không có gì sai. Chị đấy lại là chị cả, góa bụa, dập bầm vì thời cuộc nữa.

Thương chị còn có nghĩa là một người ăn lương cảm thấy trách nhiệm với người dân đóng thuế cho mình mà họ, người nông dân ấy khó có thể sống bằng nông sản.

Nhưng cũng phải dè chừng cô con gái của dì hai lợi dụng tình thương của mẹ cháu. Có thể lắm chứ. Cái nghèo quá lâu làm cho con người ta thành ra tha hóa.

 Ai dám bảo nông dân thì toàn là chân chất? Ai dám bảo khi nợ vây nợ bủa thì con người ta không kêu réo lòng trắc ẩn hơn nữa của ân nhân?

Khi muốn thóat hiểm thì con người ta sẽ "sáng suốt" xoay trở và rồi sẽ quay trở để trục lợi cho xong cái đận này. Rồi tối tăm, rồi đuối sức, lại gây hết vụ nọ đến vụ khác và qui trình xoay trở lại lặp lại.

Không nên để ai đó dựa dẫm mãi, họ sẽ hư hốt. Cháu nếu sáng suốt hơn mẹ thì nên khuyên mẹ cho con của dì một cái cần câu chứ đừng cho dì hai một chùm cá để dì hai nuôi béo các con của dì.

Anh em nhất thân nhất phận, đời đã dạy, muốn cãi số cũng không thể. Nhưng nên nhẹ nhàng, đừng để mẹ tổn thương và nhất là đừng để các dì thấy mình lấn quyền ỷ tiền ỷ thế.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm