| Hotline: 0983.970.780

Nên rút kinh nghiệm qua lần đầu lấy phiếu tín nhiệm

Thứ Năm 13/06/2013 , 09:32 (GMT+7)

Các nước nếu có việc bỏ phiếu ở Quốc hội thì chỉ là bỏ phiếu "bất tín nhiệm" chứ không có ba mức "tín nhiệm" như chúng ta đang thực hiện.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII là kỳ họp đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, vấn đề năng lực và trách nhiệm cá nhân cán bộ, người đứng đầu được đặt ra rõ ràng, chặt chẽ hơn và có cơ sở pháp lý. Quốc hội đã từng đặt ra việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn nhưng không thực hiện được vì thiếu những quy định cụ thể.

Sau ba khóa tham gia Quốc hội, Khóa XIII này tôi không còn là Đại biểu Quốc hội nữa nên cũng không có điều kiện tìm hiểu nhiều về chuyện bỏ phiếu tín nhiệm ở nước ngoài. Nhưng theo hiểu biết của tôi thì Quốc hội các nước không có chuyện thường xuyên làm chuyện này. Vì đa số các nước trong Quốc hội có nhiều đảng khác nhau, nên việc bỏ phiếu "bất tín nhiệm" chỉ xảy ra khi một đảng, có sự liên kết với đảng khác, để đấu tranh với đại biểu của một đảng nào đó.

Nếu đủ điều kiện thì mới thực hiện việc này và như vậy không phải là chuyện thực hiện định kỳ như dự kiến tiến hành ở nước ta. Các nước nếu có việc bỏ phiếu ở Quốc hội thì chỉ là bỏ phiếu "bất tín nhiệm" chứ không có ba mức "tín nhiệm" như chúng ta đang thực hiện.

Riêng cá nhân tôi cũng nhận thấy bên cạnh việc thể hiện tinh thần làm chủ của nhân dân thông qua những người đại biểu do mình bầu ra thì việc tiến hành "Lấy phiếu" hay "Bỏ phiếu tín nhiệm" định kỳ cũng có những mặt cần nghiên cứu kỹ hơn.

Đành rằng đây là hình thức giúp các cán bộ cần có trách nhiệm cao hơn trong khi hoàn thành nhiệm vụ và luôn luôn gìn giữ tư cách, đạo đức, nhưng nếu làm thường xuyên như vậy sẽ tạo ra một sự cản trở cho những quyết đoán mạnh mẽ của những người có trách nhiệm trước sự nghiệp Đổi Mới, nhất là với những quyết định tuy đúng đắn nhưng va chạm đến quyền lợi của nhiều nhóm người trong xã hội hoặc thiếu sự đồng tình của công luận.

Theo quy định hiện nay thì có ba mức đánh giá: "Tín nhiệm cao", "Tín nhiệm" và "Tín nhiệm thấp". Ngoài ra còn có một tỷ lệ nhất định của những đại biểu vắng mặt hay bỏ phiếu không hợp lệ. Việc phản ánh đúng hay không phải căn cứ vào nhận xét của nhân dân thông qua các đại biểu do cử tri bầu ra. Tuy nhiên trong điều kiện hiện nay các vị ĐBQH làm gì có điều kiện để thăm dò ý kiến của đông đảo nhân dân.

Vì vậy việc bỏ phiếu vẫn còn phụ thuộc vào cảm tính của từng vị ĐBQH, trong đó có những ĐB rất ít có điều kiện biết rõ hoạt động của từng người trong số danh sách 47 chức danh này. Người đảm nhiệm nhiều chức vụ, người hay xuất hiện trên các diễn đàn thường dễ bộc lộ các nhược điểm hơn những người ít xuất hiện trước công chúng.

 Điều đáng mừng là trong hoàn cảnh đất nước đang gặp không ít khó khăn về nhiều mặt như hiện nay nhưng tất cả 47 chức danh được ĐBQH bỏ phiếu đều không có ai có số phiếu thấp đến mức cần miễn nhiệm. Một số vị có phiếu thấp tôi nghĩ không phải vì tư cách, đạo đức hay cả về năng lực, mà có thể do đó là những lĩnh vực vừa khó khăn, lại vừa nhạy cảm với số đông dân chúng.

Với tình hình không đủ thông tin thực tiễn như hiện nay thì tôi cho rằng chắc chẳng lần nào có những nhà chức trách phải nhận số phiếu tín nhiệm (tổng số) thấp hơn 50% hoặc 2/3 tính trên tổng số đại biểu Quốc hội. Nếu không có sự cải tiến thì các lần bầu tiếp theo sẽ lại giống nhau và trở nên hình thức.

Các vị ĐBQH phải có tinh thần trách nhiệm rất cao trước lá phiếu của mình. Liệu đó có phải là tình cảm và ý chí của số đông các cử tri đã bầu mình vào QH hay chưa? Có cách nào để nắm bắt nhiều hơn những thông tin chính xác về hoạt động của từng thành viên Chính phủ và nhất là sự đánh giá của số đông cử tri nơi mình ứng cử hoặc nơi mình cư trú?

Tôi thấy những vị có nhiều phiếu "Tín nhiệm thấp" cần xem xét lại nghiêm túc hoạt động của mình, kể cả vì các lý do khách quan. Cần rút kinh nghiệm cơ chế hoạt động, bộ máy giúp việc hoặc các chính sách vĩ mô. Cũng có khi cần làm cho công luận và quần chúng hiểu rõ hơn các tồn tại khách quan và động viên việc nêu sáng kiến để khắc phục những khó khăn trong lĩnh vực mình phụ trách. Không có gì đáng để buồn phiền nếu tự cảm thấy lương tâm mình vẫn trong sáng và đã hết lòng lo lắng đối với nhiệm vụ được giao.

Cần thông cảm với những Bộ trưởng mới nhận nhiệm vụ có hai năm mà các khó khăn thì tồn tại từ lâu, không dễ dàng gì khắc phục được ngay. Ngược lại, các vị được tín nhiệm cao cũng tránh chủ quan để rồi coi nhẹ việc rèn luyện bản lĩnh và giữ gìn đạo đức. Có khi đó chỉ là do thuộc các lĩnh vực mà các ĐBQH tin cậy và ít biết thông tin về cá nhân mình mà thôi.

Theo tôi qua lần bỏ phiếu đầu tiên này còn có nhiều điều đáng suy nghĩ để rút kinh nghiệm. Với vai trò giám sát nhẽ ra các ĐBQH chỉ nên đánh giá hoạt động của các thành viên Chính phủ mà thôi. Việc đánh giá các chức danh ở Quốc hội có lẽ không cần thiết, vì cơ chế Quốc hội là cơ chế nghị trường, hoạt động theo nguyên tắc tập thể. Trách nhiệm của mọi ĐBQH trước nhân dân là ngang nhau, sự thể hiện trách nhiệm cá nhân của các vị lãnh đạo trong Quốc hội không rõ ràng như các thành viên Chính phủ.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Thêm 4 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL

Cần Thơ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có.

Bình luận mới nhất