| Hotline: 0983.970.780

Nên sử dụng lúa, gạo trong TĂCN

Thứ Hai 15/10/2012 , 10:12 (GMT+7)

Tại thời điểm như hiện nay, khi giá lúa chỉ có 5.400 đ/kg mà giá ngô là 6.800 đồng/kg thì việc dùng lúa thay thế một phần ngô sẽ mang lại hiệu quả kinh tế tốt.

Tại thời điểm như hiện nay, khi giá lúa chỉ có 5.400 đ/kg mà giá ngô là 6.800 đồng/kg thì việc dùng lúa thay thế một phần ngô sẽ mang lại hiệu quả kinh tế tốt.

DINH DƯỠNG CỦA LÚA GẠO 

Thành phần dinh dưỡng chính của lúa và các sản phẩm từ lúa (cám gạo, gạo, tấm, gạo lức) là chất bột đường (60-75%), hàm lượng protein thô thấp (7-12%) và thiếu hụt một số axít amin thiết yếu so với nhu cầu vật nuôi (lysine, methionine, threonine và tryptophan). Hàm lượng chất béo không cao (2-4%), chứa nhiều axít béo không no thiết yếu như axít linoleic, oleic và dễ bị phân huỷ trong quá trình bảo quản, nhất là sau chế biến.

Các nguyên liệu trên thường nghèo khoáng chất như canxi, phốt pho, natri, vitamin D, A, B2 nhưng giàu vitamin E, B1. Như vậy về thành phần dinh dưỡng cơ bản như hàm lượng protein và giá trị năng lượng của tấm gạo tương đương với ngô. Cám gạo có hàm lượng protein, chất béo cao hơn nhưng giá trị năng lượng thấp hơn do có tỷ lệ xơ cao hơn gấp 3 lần ngô. Lúa có hàm lượng protein và giá trị năng lượng bằng khoảng 80% so với ngô nhưng có hàm lượng xơ cao hơn gấp 4 lần và đặc biệt cần lưu lý hàm lượng silic cao trong vỏ trấu.

Xét về thành phần các axít amin chính của lúa và các phụ phẩm lúa gạo thì thấy rằng đối với lúa, trừ hàm lượng lysine, tryptophan bằng khoảng 80% ngô còn các thành phần axít amin khác đều cao hơn ngô. Tấm và cám gạo đều có thành phần axít amin cao hơn ngô từ 30-50%.

CÓ THỂ DÙNG LÚA GẠO THAY THẾ NGÔ

Đã có nhiều nghiên cứu ở Việt Nam và trên thế giới về sử dụng cám gạo và tấm gạo trong chăn nuôi (riêng với lúa thì gần như chưa có). Cám gạo có thể sử dụng thay thế 40-50% ngô trong khẩu phần của lợn và 20-30% ngô trong khẩu phần của gà.


Sử dụng lúa, gạo làm TĂCN - hướng đi mới đang được nghiên cứu

Tỷ lệ sử dụng cám gạo trong thức ăn hỗn hợp cho lợn có thể dao động trong phạm vi 10-60%, tùy từng loại lợn. Với lợn nhỏ thì dùng tỷ lệ thấp, lợn lớn dùng tỷ lệ cao và với lợn nái có chửa thì có thể dùng tỷ lệ cao nhất. Để nâng cao hiệu quả sử dụng cám gạo, người ta bổ sung thêm kẽm và các men tiêu hóa như tiêu hóa xơ, tiêu hóa phốt pho.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới chứng minh rằng ngô, gạo và tấm gạo có giá trị dinh dưỡng gần tương đương nhau, hầu như không có các yếu tố kháng dinh dưỡng và không cần phải hạn chế tỷ lệ sử dụng trong khẩu phần và có thể thay thế ngang bằng nhau khi xây dựng công thức thức ăn cho gia súc, gia cầm. Nhiều thí nghiệm trên các loại lợn, gà cho ăn khẩu phần sử dụng tới mức 30, 40 và 50% tấm so khẩu phần 50% ngô mà không phát hiện có sự khác biệt nào về tăng trọng, hiệu quả sử dụng thức ăn và chất lượng thịt.

Sử dụng tấm gạo lại có ưu thế hơn ở khía cạnh tăng tính ngon miệng cho con vật, kích thích con vật ăn nhiều hơn và khi ép viên thì độ chắc của viên tốt hơn. Sử dụng tấm gạo còn có một ưu điểm vượt trội so với ngô cho động vật non và gia cầm vì tấm ít nhiễm mốc trong khi ngô dễ nhiễm mốc và tỷ lệ độc tố trong ngô luôn luôn cao hơn tấm nhiều lần. Ở một số nước như Việt Nam, thị hiếu người tiêu dùng thích da và chân gà, vịt màu vàng, lòng đỏ trứng đậm hơn thì có thể bổ sung chất tạo màu thực phẩm vào thức ăn sẽ khắc phục được hạn chế thiếu caroten của tấm.

Gần như chưa có nghiên cứu sử dụng lúa (thóc) trong khẩu phần ăn cho lợn và gia cầm. Tuy nhiên trong thực tế ở Việt nam, lúa vẫn được sử dụng. Chỉ trừ các con vật bé như lợn con, gà con, vịt con do có hệ thống tiêu hóa chưa phát triển đầy đủ nên lúa không được sử dụng.

Lúa được dùng với tỷ lệ từ 10-30% trong khẩu phần ăn của lợn choai, lợn vỗ béo, lợn nái, lợn đực, gà thịt và gà đẻ. Đối với vịt choai, vịt vỗ béo và vịt đẻ thì lúa được sử dụng với tỷ lệ cao hơn 20-40%. Cần lưu ý một điểm là lúa cần được nghiền mịn khi sử dụng trong các loại khẩu phần khi ép viên. Với gà đẻ, gà vỗ béo, vịt đẻ và vịt vỗ béo thì có thể sử dụng lúa nguyên hạt.

BÀI TOÁN KINH TẾ

Hiện nay Việt Nam đang phải nhập khẩu trên dưới 1 triệu tấn ngô/năm để dùng chế biến thức ăn chăn nuôi, trong lúc lúa gạo lại dư thừa để xuất khẩu. Để giải quyết bài toán mất cân đối này vấn đề không phải ở dinh dưỡng mà là giá cả thị trường của 2 nguyên liệu này - ví dụ thời điểm này giá ngô là 6.800 đồng/kg trong khi giá tấm gạo là 7.100 đồng thì việc dùng tấm sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế.

Đối với cám gạo, chỉ thay thế một phần ngô (20-30%) trong các khẩu phần cho gia cầm, cho động vật non nhưng có thể thay thế đến 40-50% ngô trong khẩu phần của lợn choai, lợn vỗ béo, lợn nái mang thai. Để sử dụng lúa (thóc) trong khẩu phần ăn của gia súc gia cầm một cách có hiệu quả thì việc nhà nước đầu tư tiền cho nghiên cứu đề tài này là hết sức cần thiết và rất thực tế trong điều kiện Việt nam.

Xem thêm
Xử phạt nhiều công ty, đại lý cung ứng phân bón giả, kém chất lượng

Cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai phát hiện, xử phạt nhiều công ty, đại lý cung ứng, phân phối phân bón giả chất lượng, kém chất lượng... cho bà con nông dân.

Lộc Trời ra mắt 2 sản phẩm sinh học mới

CẦN THƠ Ngành Vật tư Nông nghiệp Lộc Trời đã chính thức công bố, ra mắt hai bộ giải pháp canh tác sinh học với các sản phẩm dành riêng cho cây lúa NEMACES và ANMITE 40SC.

Tập đoàn Hùng Nhơn có thêm thành viên thứ 16

Sau thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, Hùng Nhơn Group chính thức có thêm thành viên thứ 16.