| Hotline: 0983.970.780

Nên thả lỏng mọi chuyện như chồng cháu đang làm!

Thứ Sáu 11/01/2019 , 06:50 (GMT+7)

Và cô ạ, khi nó lên cấp 3, nó hay đi sinh hoạt với cô giáo ấy và nó đã thầm yêu một anh người mù đàn hay hát hay ở một điểm sinh hoạt của người khiếm thị. Nó vui lắm, khen ở đó bao nhiêu là người tài...

Cô kính mến!

Vợ chồng cháu có hai đứa con, như mọi nhà, trai và gái. Cuộc sống khó khăn rồi cuộc sống đã ổn. Ai cũng thế thôi, chúng cháu biết chứ. Hồi mới cưới sống với bố mẹ chồng, em gái khi ấy chưa lấy chồng, chật chội, va chạm. Được cái bố mẹ chồng cháu là người có học, ông bà cố của bọn trẻ nhà cháu còn là trí thức nổi tiếng thời Pháp, nghèo mà sang.

Cháu được về làm dâu một gia tộc như thế, cháu có phàn nàn chi chuyện nghèo và chật. Rồi cũng qua cô ạ, bố mẹ được các em ở nước ngoài hỗ trợ, bố mẹ vào chung cư cao cấp. Chúng cháu được thừa tự chung cư cũ nhưng có dấu ấn và kỷ niệm thời ông bà nội của chồng cháu.

Đứa con gái đầu của cháu, cô ạ, cháu từ tâm khi còn nhỏ. Đi đường thấy người khó, người khổ, người nghèo là nó đặt những câu hỏi rất nhân văn. Ví như sao xe rác cũ quá, xe lên dốc cầu, rác muốn đổ lên đầu người đẩy xe kìa mẹ. Ví như sao người ta có nhà trọ cho thuê mà nhà không có ngõ vào, phải bắc thang trèo qua tường, có cháy thì làm sao? Ví như sao người ta phải đứng trong rét ôm nhau chờ người đến gọi đi làm, họ run vì rét hay vì đói thế mẹ?

Tuổi thơ của nó ở khu tập thể cũ và nó nhìn thấy những người nghèo ở ngoại ô tràn vào kiếm sống, nó ngạc nhiên nhưng không tỏ vẻ ghê ghê coi thường. Khi nó vào cấp 2, cháu cho con đến học thêm cô gia sư tiếng Anh tại nhà giỏi có tiếng, cô ấy bị liệt hai chi dưới ngồi xe lăn từ nhỏ nhưng hay được các tổ chức nước ngoài đến gặp, mời đi nói chuyện tấm gương, mời đi họp phụ nữ nữ quyền. Gửi cô giáo như thế không lo con không giỏi và không ngoan.

Và cô ạ, khi nó lên cấp 3, nó hay đi sinh hoạt với cô giáo ấy và nó đã thầm yêu một anh người mù đàn hay hát hay ở một điểm sinh hoạt của người khiếm thị. Nó vui lắm, khen ở đó bao nhiêu là người tài, hai tay họ như hai con mắt, làm gì cũng giỏi. Nó bắt đầu học hát, từ hát không hay giờ hát rất được. Nhưng năm nay là năm cuối cấp, quan trọng, cháu sợ nó xao nhãng, sợ nhất là nó chọn người yêu tàn tật ấy.

Làm sao ngăn được khi con mình không làm gì xấu. Nói ra với con cũng thấy ngượng rồi. Bố nó chi buồn, nói, số cả, kệ đi. Em trai nó bảo, khối gì người lành còn đi lấy người cụt cả hai tay hoặc hai chân. Như cô giáo tiếng Anh ấy, cô cũng có chồng và có con, bao nhiêu người ca ngợi. Cô bảo cháu an tâm sao đây?

---------------------

Cháu thân mến!

Không phải ngẫu nhiên mà con gái của cháu có tấm lòng nhân hậu. Ông bà nội của chồng cháu, tức cụ cố của nó là người nghèo mà sang, nghĩa là có chữ nhiều lắm mới dám nghèo và giữ cốt cách, thậm chí giữ danh dự nên mới nghèo.

Ông bà nội của nó, cứ cái lề ấy mà giữ nên các con học hành, có con du học, sống ở nước ngoài, hậu vận của họ cũng nhà chung cư xịn như ai. Và các cháu, con và dâu đã không phàn nàn gì nhà chung cư cũ, chỉ mong con giỏi và ngoan.

Và đấy nó đã rất ngoan và đặc biệt khi nhỏ xíu đã biết thương phu rác, biết thương người lao động cơ hàn. Khó lắm, giờ kiếm một đứa trẻ như vậy đỏ con mắt. Và bộ gien ấy, nết sống ấy, cô giáo tiếng Anh là tấm gương sáng ngời mà nó được tiếp xúc những bảy năm dài ấy đã hình thành lẽ sống khác người. Hầu như nó chỉ quan tâm đến những người bất hạnh. Và thế giới ấy không ít người tài, như cô giáo tiếng Anh của nó.

Nên thả lỏng mọi chuyện như chồng cháu đang làm. Cô cũng đã thấy bao nhiêu người khiếm thị trọng danh dự đến nỗi họ kiếm sống không thua người sáng mắt: tẩm quất, đàn hát và dạy ghi-ta, đan lát khéo tay và làm cả hoa giấy hoa vải để bán…Những người ấy khi giỏi thì không phải bàn, họ mẫn cảm ở tất cả các giác quan và nghị lực của họ đủ lan tỏa cho một cộng đồng người lành lặn, mắt sáng.

Không nên nói ra nói vào khiến con phật ý. Nó sẽ bỏ nhà đi đến những nơi từ thiện để thực thi lẽ sống của mình. Làm sao điều khiển được hạnh phúc con mình khi cuộc sống ấy nó đã được định hướng từ ông bà và chính mình?

Rồi có thể cháu sẽ tự hào khi thấy con là một mắt xích cho cộng đồng những người kém may mắn ấy. Có nhiều cách thành công mà thanh thản, không bon chen chộp giật, thực sự hòa tan, giúp người, giúp đời, thỏa mãn ước mơ cống hiến. Cô chúc mừng cháu có người con đặc biệt đến vậy.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.