| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 07/01/2015 , 08:15 (GMT+7)

08:15 - 07/01/2015

Nếu được lưu hành?

Việc Hiệp hội DN Trung Quốc tại Việt Nam và NH Công thương Trung Quốc kiến nghị mở rộng phạm vi sử dụng đồng NDT tại Việt Nam theo nhiều chuyên gia kinh tế là không thể chấp nhận.

Thông tin do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, được nhiều báo trích dẫn, đã gây xôn xao dư luận.

Theo đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) cho rằng nhu cầu giao dịch, thanh toán bằng nhân dân tệ (NDT) tại Việt Nam là khá lớn, và tăng lên rõ rệt theo đà phát triển không ngừng của thương mại Việt - Trung.

Nhưng hiện phương thức lưu thông bằng đồng NDT chưa được pháp luật Việt Nam quy định. Cụ thể, theo 2 cơ quan trên, thì cuối năm 2013, tại thị trường biên mậu Việt - Trung, ước tính kim ngạch thanh toán bằng NDT đã đạt khoảng 15 tỷ USD.

Tuy nhiên, đa số giao dịch thanh toán biên mậu bằng NDT nói trên được thực hiện ở Việt Nam, là thông qua con đường không chính ngạch.

Nếu thị trường thanh toán NDT từ biên giới được mở rộng, đưa vào nội địa Việt Nam và được các ngân hàng thực hiện theo con đường chính ngạch, thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể quản lý, giám sát nguồn vốn này một cách có hiệu quả, đồng thời có thể tăng cường đóng góp trong việc thu thuế, cũng như công tác phòng chống rửa tiền.

Từ những lý do trên, Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và ICBC kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể mở rộng phạm vi sử dụng đồng NDT tại Việt Nam hơn ở một mức độ hợp lý, đồng ý cho ICBC thực hiện hợp tác về nghiệp vụ NDT với các ngân hàng thương mại Việt Nam.

Kiến nghị trên của phía Trung Quốc rất đáng lo ngại.

Vì thứ nhất, là nó vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Trên đất nước Việt Nam, chỉ lưu hành duy nhất một đồng tiền là Việt Nam đồng (VND). Tất cả những đồng tiền khác đều phải đổi ra VND, nếu muốn lưu hành ở Việt Nam.

Việc Nhà nước ta thực hiện việc “chống đô la hóa” trong dòng tiền đang lưu hành ở Việt Nam, cũng nhằm bảo vệ địa vị độc tôn của VND trong lưu hành nội địa, cũng tức là bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Nay nếu chấp nhận đề nghị trên, thì đồng NDT sẽ là đồng tiền thứ hai được lưu hành song song với VND, chủ quyền của Việt Nam sẽ bị vi phạm.

Thứ hai, là hiện tại Việt Nam đang nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc. Nếu để đồng NDT lưu hành song song với VND, thì các ngân hàng bắt buộc phải có dự trữ NDT. Mà để có được nguồn dự trữ đó, thì phải vay của Trung Quốc. Nghĩa là ngoài nhập siêu, chúng ta còn mang nợ.

Và thứ ba, là hiện tại, đồng NDT không thể quy đổi ra vàng, ra USD hay EURO, nghĩa là nó chưa phải là đồng tiền đóng vai trò thanh toán quốc tế. Nếu nợ Trung Quốc bằng USD hay EURO, chúng ta dễ có nguồn trả từ việc xuất hàng sang Mỹ, sang Nhật hay sang EU. Còn nợ Trung Quốc bằng NDT, nếu không xuất được hàng hóa sang chính họ, chỉ còn cách vay nợ mới để trả nợ cũ.

Đề xuất trên của Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và ICBC chỉ là một trong chuỗi hành vi của “giấc mơ Trung Quốc”, nhằm quốc tế hóa đồng NDT, muốn đưa đồng tiền của nước mình trở thành đồng tiền có thể chuyển đổi, có vị trí và có phần trong dự trữ ngoại tệ của các nước khác, mà thôi.

Thế nên, đề xuất trên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, là không thể chấp nhận.