| Hotline: 0983.970.780

Thứ Sáu 01/12/2017 , 07:40 (GMT+7)

07:40 - 01/12/2017

Nếu “không thể ngồi yên” thì hãy làm ngay đi, thưa bà Phó Chủ tịch?

Bà hãy mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo Thành phố ngay lập tức có hình thức kỉ luật nghiêm trách nhiệm người đứng đầu mà cụ thể ở đây, phường nào để xảy ra bạo hành trẻ em, Chủ tịch phường đó phải chịu kỉ luật. Quận nào để xảy ra bạo hành trẻ em, Trưởng phòng Giáo dục quận đó phải chịu kỉ luật.

Bạo hành trẻ em tại các nhà trẻ tư nhân ở ta không hiếm. Dù rất đau lòng, song vẫn phải khẳng định nó đã, đang và sẽ tiếp tục tồn tại. Tất nhiên, chủ yếu (hay hầu hết) là với con em công nhân nghèo ở các khu đô thị và thành phố đông dân.

Vì sao vậy? Có nhiều lý do mà theo người viết bài này, có mấy nguyên nhân cơ bản sau.

Về khách quan, không thể phủ nhận công cuộc công nghiệp hóa đang khiến một lượng lớn lao động từ nông thôn đổ về các thành phố lớn, khu công nghiệp.

Đi kèm với họ là gia đình gồm cả cụ già và các em nhỏ. Do lương thấp, họ không có điều kiện gửi con mình vào những trung tâm có uy tín. Và như một tất yếu, có cầu sẽ có cung. Hàng loạt các cơ sở nuôi dạy trẻ mọc lên trong đó tốt có, xấu có.

Song, về chủ quan, là sự phát triển méo mó của nhiều đô thị và khu công nghiệp mà ở đây, trường học cho trẻ em là một trong những khiếm khuyết lớn nhất.

Không ít nơi, người ta chỉ chăm chắm nhòm đến “cái máy đẻ ra tiền” mà bỏ rơi việc chăm lo đến đời sống người lao động, đặc biệt là với các cháu nhỏ, tương lai của đất nước.

Đau xót thay, trong khi theo Luật Trẻ em 2016, tại Việt Nam đang có tới 17 cơ quan, tổ chức, nhóm tổ chức có chức năng bảo vệ và chăm sóc, hỗ trợ trẻ em ở các cấp độ khác nhau như bộ Lao động - thương binh và xã hội, Tư pháp, Công an, Y tế, Giáo dục đào tạo, Văn hóa - thể thao và du lịch, Thông tin truyền thông, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp,UBND các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam...

Vậy mà những sự việc đau lòng trẻ em bị bạo lực vẫn đã và sẽ tiếp tục xảy ra. Và càng ngạc nhiên hơn, mỗi khi sự việc xảy ra thì chẳng ai chịu trách nhiệm dù có hàng loạt các cơ quan với chức năng thanh kiểm tra, nhưng cho đến nay, hầu như các vụ việc đều do báo chí phát hiện.

Họ đang ở đâu, họ đang làm gì, ai chịu trách nhiệm…? Những câu hỏi ấy hình như vô vọng.

Vụ bạo hành kinh hoàng tại lớp mầm non tư thục Mầm Xanh (quận 12) vừa qua như “tạt gáo nước lạnh” vào TPHCM, một địa phương đầu tiên trong cả nước được Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) chọn thực hiện đề án “Thành phố thân thiện với trẻ em” đang chờ Trung ương phê duyệt đề án này.

Trên báo Dân trí, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu bày tỏ sự phẫn nộ: “Hành động quá dã man, kinh khủng. Không biết người giữ trẻ có phải là con người hay không? Tôi không hình dung nổi hành động đó xảy ra ở người phụ nữ. Dùng dao dọa, cầm đồ đập rất dã man. Chúng ta không thể ngồi yên trước hành vi tội ác đó”.

Vâng, quá dã man và rất kinh khủng. Nhưng tại sao lại đến bây giờ mới “không thể ngồi yên”, liệu có là quá muộn không thưa bà Phó chủ tịch?

Những người dân chúng tôi thì biết là gì ngoài sự bày tỏ bức xúc và niềm căm giận nhưng điều đó liệu có làm giảm bớt được những hành động dã man này? Có thể có, song nói thẳng là cũng chẳng được bao nhiêu.

Thế thì với vị thế của bà, bà có thể làm được điều đó.

Muốn vậy, theo tôi – người viết, bà nên làm hai việc. Thứ nhất về lâu dài, tham mưu với Thành phố tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng tốt nhất cho lĩnh vực này đồng thời tăng thu nhập để thu hút lao động chất lượng cao, các cô giáo phải được đào tạo bài bản.

Thứ hai, bà hãy mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo Thành phố ngay lập tức có hình thức kỉ luật nghiêm trách nhiệm người đứng đầu mà cụ thể ở đây, phường nào để xảy ra bạo hành trẻ em, Chủ tịch phường đó phải chịu kỉ luật. Quận nào để xảy ra bạo hành trẻ em, Trưởng phòng Giáo dục quận đó phải chịu kỉ luật.

Lý do, họ đã sơ hở trong việc xét cấp giấy phép hoặc thiếu kiểm tra, giám sát và có thể cả hai.

Có thể với vị thế của mình, bà Phó Chủ tịch còn có nhiều hành động hay hơn, quyết liệt hơn. Song, nếu “không thể ngồi yên” thì hãy làm gì đó ngay đi, thưa Phó Chủ tịch?

Xin hãy biến sự phẫn nộ thành hành động đi, thưa bà Phó Chủ tịch. phải không các bạn?

 

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm