| Hotline: 0983.970.780

Ngã ba Đồng Lộc - Điểm hẹn lịch sử

Thứ Hai 09/07/2018 , 13:35 (GMT+7)

50 năm Chiến thắng Đồng Lộc, 50 năm các liệt nữ hoá thân vào đất mẹ, đi dưới trời xanh quê hương lộng gió, mà lòng ta trào dâng biết bao niềm xúc động, tự hào. 

Nhìn bình minh lên trên đài cao kỷ niệm, mà như thấy cả tương lai rạng ngời... Can Lộc nay là phần chính của Thiên Lộc xưa, trải dài một vùng đầu Mênh cuối Sót vốn đầy đủ cảnh quan núi, đồng bằng và biển cả.

15-42-03_thi_trn_cn_loc
Thị trấn Nghèn (trung tâm huyện Can Lộc)

Từ trên đỉnh núi Nghèn, phóng tầm mắt ra xa bạn sẽ thấy bốn phía sông núi hữu tình, làm nên một vùng quê gấm vóc, "địa linh, nhân kiệt". Từ mấy nghìn năm trước, người Việt đã quần tụ nơi đây. Đất lành chim đậu, trăm họ chung lưng đấu cật khai phá, dựng xây cùng làm nên ruộng đồng, làng mạc cho một Can Lộc của Hà Tĩnh hôm nay.

Dãy Trà Sơn phía Tây với những núi Bụt, núi Mòi, Truông Bát... nhấp nhô trải dài xa xanh bạt ngàn cây trái. Núi Cài mọc lên giữa vùng Thượng Can, dáng đẹp như con chim phượng hoàng đang dang đôi cánh bay lên. 

Dòng Minh Giang bắt nguồn từ sông La, lượn lờ soi bóng những bờ tre, thấp thoáng những con thuyền xuôi ngược, nghìn năm sông nước bên lở bên bồi. Những cánh đồng chấp chới cánh cò, bao đời chua mặn, nắng hạn bão giông, nay bốn mùa ngập tràn một màu khoai, lúa.

Những làng quê mái ngói đỏ tươi, tường trắng, tường vàng tinh khôi màu sơn mới xoá mờ kí ức về một thời nhà tranh vách đất, đói rét, lầm than...

Qua bao thăng trầm của lịch sử, các thế hệ người quê tôi đã trung dũng, kiên cường lấy máu hồng viết nên những trang sử vàng oanh liệt.

Đi dưới trời xanh Can Lộc hôm nay, ta như nghe tiếng thơ Đặng Tất, Đặng Dung một thưở dưới trăng mài gươm đánh giặc. Nghe tiếng voi gầm hùng dũng vượt ngầm đá sông Nghèn, linh ứng lời La Sơn Phu Tử, Quang Trung Nguyễn Huệ áo vải, cờ đào thần tốc tiến về Thăng Long, thế chẻ tre đại phá 20 vạn quân Thanh xâm lược trong mùa xuân 1789!

Vọng khe núi Trà Sơn, lời thề nghĩa quân, vâng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, dốc lòng theo cụ Phan khởi nghĩa chống Pháp. Rạng khí tiết những chí sĩ Ngô Đức Kế, Võ Liêm Sơn, sau song sắt nhà lao hay bị đày ra Côn Sơn đập đá vẫn một trái tim hồng khát khao đi tìm đường giải phóng cho nước, cho dân.

Bến đò Thượng Trụ, đêm tháng 3/1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Trung Thiên, xứ uỷ viên Trung Kỳ, Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh được thành lập, đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân tỉnh nhà. Dưới ngọn cờ búa liềm sáng soi, nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra như sóng trào, thác cuộn, quần chúng lao khổ vùng lên, đập tan xiềng xích lập chính quyền xô viết trong 130 làng xã ở cả ba vùng Trung, Thượng và Hạ Can.

Ngã ba Nghèn sáng ngời dũng khí 43 chiến sĩ đã ngã xuống trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh trước sự đàn áp dã man của kẻ thù trong cuộc biểu tình hưởng ứng ngày công xã Quảng Châu 1/5. Hàng trăm đảng viên, quần chúng cách mạng bị sát hại trong cuộc khủng bố trắng của thực dân Pháp.

15-42-03_ng_b_dong_loc_diem_hen_lich_su
Ngã ba Đồng Lộc điểm hẹn của lịch sử - Ảnh: Đức Hùng

Mặc dù, phong trào sau đó bị dìm trong biển máu, song ngọn lửa cách mạng thì vẫn âm ỉ cháy để mười lăm năm sau, nhân dân Can Lộc lại nhất tề đứng dậy cùng đồng bào cả nước đánh đổ ách thực dân, phong kiến. Can Lộc là địa phương giành chính quyền về tay nhân dân sớm nhất trong cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Hà Tĩnh.

Dưới bầu trời xanh trong, kỳ vĩ tượng đài chiến thắng Đồng Lộc, biểu tượng cho chiến công oanh liệt, tinh thần quả cảm, của lòng yêu nước nồng nàn và khát vọng thống nhất non sông. Trong các năm 1965 đến 1968, gần năm vạn quả bom của không quân Mỹ đã trút xuống Ngã ba này hòng ngăn chặn con đường chi viện của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Hàng ngàn bộ đội, công an, thanh niên xung phong, công nhân giao thông và nhân dân đã sống, chiến đấu anh dũng ngoan cường, phá bom, sửa đường cho xe ra mặt trận. Tiểu đội nữ thanh niên xung phong anh hùng của Võ Thị Tần đã trở thành mười bông hoa trinh liệt, sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm. Trung đoàn pháo cao xạ thủ đô 210 chiến đấu ngoan cường, phối hợp các lực lượng phòng không địa phương bắn rơi 14 máy bay Mỹ, 120 chiến sĩ trung đoàn đã anh dũng hy sinh ngay trên mâm pháo, hiến trọn tuổi thanh xuân cho Tổ quốc mình.

Tên tuổi các Anh hùng La Thị Tám, Nguyễn Tiến Tuẫn, Vương Đình Nhỏ, Nguyễn Tri Ân...và bao liệt sĩ thanh niên xung phong, công nhân giao thông, lái xe... như các vì sao lấp lánh, toả rạng chí anh hùng trên mảnh đất Đồng Lộc huyền thoại.

Vẫn còn đó đài tưởng niệm 1.226 người dân Can Lộc đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu bị bom Mỹ sát hại. Máu xương nghìn người đã đổ xuống, tô thắm mảnh đất linh thiêng này, góp phần cùng cả dân tộc làm nên chiến thắng vinh quang... Còn đó nhịp cầu Nhe sừng sững trên sông, nơi máu xương 54 chiến sĩ đoàn Yên Tử hoà vào đất mẹ Vĩnh Lộc sau trận bom định mệnh. Nhưng bom đạn quân thù làm sao ngăn nổi bước quân đi...

Sâu nặng nghĩa nước non, lòng dân làng Thượng Lội, xã Tiến Lộc trong chiến dịch vận tải mang mật danh K 130. Trong một đêm, bà con trong làng đã tình nguyện tháo dỡ hàng mấy chục ngôi nhà, lát đường cho xe ra mặt trận.

Còn đó lửa hờn căm tội ác giặc Mỹ xâm lược ném bom huỷ diệt làng Nam Sơn, thị trấn Nghèn. Một trận bom napalm cùng lúc đã giết hại 57 dân lành. Nhưng dân làng vẫn không hề nao núng, kiên cường bám trụ, giữ vững con đường vận tải huyết mạch, cho máu chảy về tim.

Linh thiêng đền thờ 23 liệt sĩ thanh niên xung phong trên cung đường 70 tại xã Phú Lộc, không thể nào quên những đêm vui náo nức mở đường dưới pháo sáng và bom đạn ác liệt của quân thù.

15-42-03_noi_yen_nghi_cu_10_nu_tnxp_hy_sinh_ti_ng_b_dong_loc
Nơi yên nghỉ của 10 nữ TNXP hy sinh tại ngã ba Đồng Lộc

Tất cả hào khí quê hương, chảy tự nghìn xưa theo mạch nguồn truyền thống, trong thử thách gian lao, như cùng hội tụ về Đồng Lộc anh hùng. Từ Ngã ba lịch sử này, trong trận quyết chiến chiến lược giữa ta và địch, với tinh thần xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, trùng trùng những đoàn quân ra trận, làm nên Đại thắng mùa xuân 1975, quét sạch kẻ thù xâm lược giành thống nhất non sông...

Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc, 50 năm các liệt nữ hoá thân vào đất mẹ, đi dưới trời xanh quê hương lộng gió, mà lòng ta trào dâng biết bao niềm xúc động, tự hào. Nhìn bình minh lên trên đài cao kỷ niệm, mà như thấy cả tương lai rạng ngời...

Một Can Lộc, rũ bùn đứng dậy từ đổ nát, hoang tàn của chiến tranh đang từng ngày thay da đổi thịt. Cuộc sống mới đã sang trang. Thị trấn Nghèn đang hướng đến đô thị loại năm. Những làng xóm khoác lên mình bộ cánh nông thôn mới, khang trang những ngôi nhà to đẹp, những con đường trải nhựa, bê tông sạch sẽ, đêm về sáng bừng ánh điện, ngỡ như thấy "phố ở trong làng".

Những cánh đồng tốt tươi trải rộng lúa vàng, no ấm. Những vườn cây, trang trại chạy dài theo dãy Trà Sơn, bạt ngàn cây trái. Và một xã Đồng Lộc đau thương ngày nào đang trở mình để vươn lên Thị trấn đẹp đẽ, khang trang ngay trên chính tọa độ lửa Ngã ba huyền thoại năm nào đang viết tiếp bài ca anh hùng thời kỳ đổi mới.

Đi dưới trời xanh Can Lộc giữa những ngày lịch sử, bao ánh mắt rạng ngời trong sắc cờ đỏ thắm, tưởng như nghìn bông hoa đang nở mà lòng ta càng thêm thiết tha yêu mến quê mình hơn.

Bom đạn không thể làm rung chuyển trái tim chúng con”

Hầu hết khách thập phương về với Đồng Lộc đều lặng người trước bức thư chị Võ Thị Tần gửi cho mẹ 5 ngày trước lúc chị hy sinh. Đó là những lời tâm sự cuối cùng của đứa con gái thương yêu từ chiến trường gửi về. Bức thư ngắn chứa đựng giá trị nhân văn, có sức lan tỏa. Đọc lên không ai không xúc động, cảm phục và tự hào.

Bức thư có đoạn: “Ở đây vui lắm mẹ ạ! Ban đêm chúng nó thắp đèn để chúng con làm đường, ban ngày chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện, bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển cả núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển được những trái tim của chúng con”.

Chị Võ Thị Tần sinh năm 1944, tại xã Thiên Lộc (Can Lộc). Năm 1963-1964, chị là phó bí thư chi đoàn địa phương. Năm 1965, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chị gia nhập lực lượng TNXP. Ngày 3/2/1967, chị Tần được kết nạp vào Đảng, tổ chức phân công chị làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội 4-C552 chốt tại trọng điểm Ngã ba Đồng Lộc. Lúc 16h, ngày 24/7/1968, chị Võ Thị Tần cùng 9 đồng đội đã chiến đấu và hy sinh anh dũng tại mảnh đất linh thiêng Ngã ba Đồng Lộc, viết lên một câu chuyện huyền thoại về 10 cô gái TNXP anh hùng của một dân tộc Việt Nam anh hùng.

Xem thêm
Nhịp sống giới trẻ phản ánh trong bộ phim ‘Bóng của thị thành’

Nhịp sống giới trẻ thời công nghệ số có những màu sắc bất ngờ, thể hiện qua bộ phim ‘Bóng của thị thành’ phát sóng trên HTV7, Đài truyền hình TP.HCM.

Rượt đuổi mãn nhãn, Man United đả bại Liverpool tại Cúp FA

Trận Tứ kết Cúp FA giữa Man United vs Liverpool đã diễn ra với kịch bản không ngờ khi hai đội rượt đuổi nghẹt thở trong suốt 120 phút của trận đấu. 

120 vận động viên tham gia giải dù lượn trên cao nguyên đại ngàn

Giải dù lượn tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) sẽ quy tụ 120 vận động viên, trong đó có 41 vận động viên người nước ngoài tham gia tranh tài.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.