| Hotline: 0983.970.780

Ngã rẽ làng tranh Đông Hồ

Thứ Tư 17/11/2010 , 11:06 (GMT+7)

Khi thị hiếu thưởng thức nghệ thuật của xã hội đổi thay, làng tranh Đông Hồ rơi vào khủng hoảng.

Làng tranh Đồng Hồ thuộc xã Song Hồ (Thuận Thành – Bắc Ninh) xưa vốn là niềm tự hào của người dân Kinh Bắc. Những bức tranh đánh ghen, hội làng, đám cưới chuột, lợn âm dương… đã một thời thống trị trên tường các gia đình từ bình dân đến quyền quý. Nhưng khi thị hiếu thưởng thức nghệ thuật của xã hội đổi thay, làng tranh Đông Hồ rơi vào khủng hoảng.

>> ''Làng nghề hậu khủng hoảng''

Màu dân tộc… lòe loẹt trên giấy phẩm

Thật hiếm có một vùng quê nào lại có làn đường đôi và dải phân cách như xã Song Hồ. Gọi là xã nhưng nhìn vào bộ mặt Song Hồ ta thấy nơi này còn giàu hơn cả một thị trấn nơi phố núi. Những tòa nhà hai, ba tầng san sát đua nhau vươn lên trời. Phía dưới là chi chít biển hiệu bán hàng mã, nhận làm hàng mã- Tú Phương hàng mã, Nhật Minh chuyên hàng mã… treo dày đặc hai bên đường. Nếu không phải là người dân địa phương, không ai nghĩ đây chính là làng tranh Đông Hồ khi xưa.

Hỏi người dân thôn Đông Khê (trước là làng Đông Hồ) xem ở làng có ai còn giữ nghề cũ không, tôi được người dân chỉ vào nhà cụ Nguyễn Đăng Chế và cụ Nguyễn Hữu Sam ở mãi cuối làng. Người dân nơi đây cho biết, giờ chỉ còn duy nhất hai cụ ấy là theo nghề, còn đâu người dân Đông Hồ chuyển hết sang làm hàng mã mấy năm nay rồi.

Đang miệt mài truyền đạt kinh nghiệm cho con cháu, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế tâm sự: Thời vàng son của nghề làm tranh dân gian Đông Hồ là giai đoạn những năm 1945 trở về trước với 17 dòng tranh các loại. Từ năm 1945 - 1985, tranh Đông Hồ mất dần vị thế khi có sự du nhập của rất nhiều thú chơi nghệ thuật khác.

Chuyển sang những năm đổi mới, tranh Đông Hồ bắt đầu được khôi phục trở lại và làm ăn khá tốt với các đơn hàng xuất khẩu sang các nước Tây Âu. Nhưng cũng phải đến năm 1995, tranh Đông Hồ mới chính thức được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) công nhận là làng nghề truyền thống cần được bảo tồn, giữ gìn và phát huy.

Theo cụ Chế, làng tranh Đồng Hồ tồn tại được đến nay, ngoài việc Nhà nước quan tâm hỗ trợ thì bản thân các hộ làm tranh như ông cũng phải tự thay đổi cho phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Thay vì chỉ làm ra những bức tranh đơn giản như xưa, gia đình cụ Chế phát triển sang dòng tranh dân gian Đông Hồ cao cấp có khung kính hẳn hoi, giá bán lên tới cả triệu đồng/bức. Bên cạnh đó, gia đình cụ còn làm lịch tranh Đông Hồ, tranh Đông Hồ khắc gỗ để dễ tiêu thụ. Bản thân cụ Chế còn cho lập công ty, lập trang web, tham dự các hội chợ làng nghề truyền thống, tổ chức hoạt động du lịch để quảng bá đưa làng tranh dân gian Đông Hồ.

Nhưng điều khiến nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế buồn là cho đến tận hôm nay khi tranh dân gian Đông Hồ gặp khó khăn, thay vì đoàn kết lại đưa làng nghề thoát khỏi khủng hoảng thì người dân bỏ hết sang làm hàng mã. “Nhiều khi nghĩ đến câu thơ “Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” của cố thi sỹ Hoàng Cầm mà nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cứ cay đắng hình dung ra cái cảnh người dân quê mình thay vì cầm bút lông lại cầm chổi quét sơn phết phẩm màu lòe loẹt lên giấy để làm hàng mã.

Khuyến khích hay ngăn cấm?

Chúng tôi tìm vào nhà ông Nguyễn Đăng Thiện – Trưởng thôn Đông Khê khi vợ chồng ông đang phết phẩm màu lên giấy, phơi ra sân để đóng giấy hàng mã. Ông Thiện cho biết, trước đây thôn Đông Khê 100% người dân đều sinh sống bằng nghề làm tranh dân gian Đông Hồ. Nhưng khoảng ba năm trở lại đây, tranh Đồng Hồ khó tiêu thụ, bản thân ông Thiện và người dân thôn Đông Khê bất đắc dĩ phải chuyển sang làm hàng mã kiếm kế sinh nhai.

“Anh bảo, ở đây mỗi nhà có hơn sào ruộng, không có nghề phụ thì biết lấy gì mà sống. Làng tôi có 400 hộ thì có tới 99% hộ làm hàng mã. Quy mô nhỏ như gia đình tôi tháng hai vợ chồng cũng kiếm được hai triệu, nhiều đại lý lớn tháng họ kiếm vài chục triệu là chuyện bình thường”- ông trưởng thôn phân bua.

Ông Thiện cho biết thêm, nghề làm hàng mã đơn giản, có thể tận dụng lúc nông nhàn nên người già và trẻ em có thể tranh thủ làm thêm tăng thu nhập cho gia đình. Trung bình mỗi người làm việc chăm chỉ một ngày cũng kiếm được từ 40.000 – 50.000 đồng. Làm hàng cao cấp như voi, ngựa, ô tô, máy bay… thì ngày công có thể lên tới 100.000 đồng, nếu chỉ làm mặt hàng đơn thuần như giầy dép, mũ áo cũng được 20.000 – 30.000 đồng/ngày.

Theo Phó Chủ tịch xã Song Hồ Nguyễn Văn Tuân, hiện xã có hơn 1.200 hộ thì chiếm tới 80% số hộ đã chuyển từ làm tranh dân gian sang làm hàng mã. Là nghề phụ nhưng hàng mã lại là thu nhập chính. Ông Tuân cho hay, số gia đình có thu nhập từ 100 triệu đồng đến vài tỷ đồng mỗi năm từ nghề làm hàng mã không còn là chuyện hiếm ở Song Hồ. Hiện xã có tới 40 gia đình mua được ôtô, trong đó nhiều xế hộp giá lên tới cả tỷ đồng. Ông Tuân khẳng định, xã Song Hồ giờ không còn hộ nghèo, 60% là có nhà cao tầng.

Phải khẳng định, chính nghề hàng mã đưa kinh tế Song Hồ phát triển như ngày hôm nay, nhưng cái gì nó cũng có mặt trái của nó. Do hàng mã làm bằng giấy có nhiều màu sắc nên lượng phẩm màu dùng mỗi ngày ở Song Hồ rất lớn. Sau khi phết phẩm màu lên giấy những cặn bã phế phẩm thừa người dân đều tuồn thẳng xuống kênh mương cống rãnh khiến nơi đây bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nguy hiểm hơn, những hóa chất độc hại chảy trực tiếp ra ruộng đồng khiến hoa màu nhiễm hóa chất, đe dọa mùa màng, sức khỏe người dân. Điều đó được chứng minh bằng việc hệ thống cống thoát nước ở Song Hồ toàn màu xanh, đỏ, tím, vàng…

Ông Phó Chủ tịch xã Nguyễn Văn Tuân than thở chính quyền đang bí như gà mắc tóc vì không biết nên khuyến khích hay không khuyến khích nghề làm hàng mã ở Song Hồ. Nếu khuyến khích phát triển chắc chắn là không ổn vì đây là mặt hàng nhạy cảm. Còn ngăn cấm cũng chẳng được vì đó là nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây. “Thôi thì cứ để nó tự phát, địa phương chỉ quản lý về mặt môi trường và vệ sinh an toàn cháy nổ mà thôi”- ông Tuấn ngậm ngùi.

Xem thêm
Thả 4,7 triệu con tôm giống ra biển Gành Hào

Bạc Liêu Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Lễ hội Nghinh Ông huyện Đông Hải lần thứ XXI năm 2024.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm