| Hotline: 0983.970.780

Ngậm bồ hòn làm ngọt

Thứ Hai 15/07/2013 , 10:04 (GMT+7)

Kẻ xen vào hạnh phúc của tôi, là “tình địch” lại chính là ân nhân cứu mạng tôi trong quá khứ. Ơn này còn lớn hơn.

Ảnh minh họa
Quê tôi ở Thái Bình. Chúng tôi có hai con gái còn nhỏ và mẹ già đã ngoài 70 tuổi. Cuộc sống chật vật nên ngoài mấy sào ruộng, vợ tôi phải mở thêm quán bán nước. Túc tắc mỗi ngày cũng kiếm được dăm, bẩy chục nghìn.

Tôi tranh thủ lên Hà Nội chạy xe ôm. Mỗi tháng cố gửi về cho vợ 1 triệu, thêm vào nuôi con nhỏ và mẹ già. Nhiều lúc nhớ vợ con, muốn phóng về thăm nhưng lại tiếc việc nên mỗi tháng tôi chỉ dám về một lần độ 2 ngày.

Vợ tôi tuy là gái quê, đã hai con, nhưng trông vẫn còn “giòn”, được nhiều đàn ông để ý. Có anh chàng là trai tân, giáo viên cấp hai hẳn hoi, lại kém cô ấy mấy tuổi mà cứ mê tít. Mận- vợ tôi- được cái chịu thương chịu khó. Một nách nuôi hai con và mẹ chồng mà vẫn không “xuống mã”.

Tôi thương và tin vợ, tự thấy may mắn lấy được cô vì bản thân chẳng có thế mạnh gì, vừa nghèo, lại chỉ hết cấp hai, không vào nổi cấp 3. Có thể nói cuộc sống gia đình tôi hiện nay tồn tại được chủ yếu nhờ tài xoay sở của Mận.

Mẹ tôi hay đau yếu, hàng tháng tốn khá nhiều tiền thuốc thang. Rồi hai đứa con phải học thêm. Đủ mọi khoản tiền trông cậy ở một mình cô ấy. Khoản tiền tôi gửi về hàng tháng chỉ thêm thắt, chẳng bõ bèn gì.

Khi vợ tôi có thai đứa thứ ba, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì hi vọng con trai, sẽ là niềm vui của cả họ vì tôi là con trai trưởng của chi trưởng trong họ. Nhưng biết lấy gì nuôi nó khi có hai đứa đã quá chật vật?

Nhưng vợ tôi tỏ ra không lo ngại gì. Họ hàng đều động viên: “Trời sinh voi, trời sinh cỏ”. Đến khi nó ra đời thì đáp ứng đúng niềm mong đợi của tất cả mọi người.

Nghe tin vợ ở cữ, tôi vơ vét hết tiền được gần hai triệu, lao về thăm. Tôi nhờ đứa em gái ruột ở làng bên sang trông nom chị dâu và cháu để ngay ngày hôm sau lên Hà Nội.

Ngoài chở xe ôm, tôi nhận bất cứ việc gì cần đến sức khỏe, chỉ cốt kiếm được tiền đem về cho vợ. Từ khi vợ đẻ, tuần nào tôi cũng cố gắng phóng về. Thấy tôi vất vả, Mận nói ở nhà đã có mọi người quan tâm, không phải về nhiều.

Đứa con trai của tôi lớn dần. Một lần về quê, tôi nghe được dư luận xì xèo về chuyện nó không phải là con tôi. Lúc đầu, tôi không tin, cho là do ai đó ghen ghét gì Mận mà cố tình đơm đặt. Nhưng tôi để ý ngắm nhìn kỹ đứa bé thì thấy đúng là nó không có một nét gì giống tôi.

Rồi thì mọi người trong gia đình và họ hàng cũng thấy như vậy. Do còn bán tín bán nghi, nên tôi cố tình phớt lờ chuyện này, cứ coi như dư luận độc địa đồn thổi để lao vào làm ăn, kiếm tiền. Nhưng rồi đến khi nó lớn thêm, tôi bỗng thấy nó giống một ai đó quen quen mà nghĩ mãi không ra. Về sau, tôi đã nhớ ra người đó. Tôi triền miên nhớ về quá khứ...

Ngày ấy, cách đây đã hơn 30 năm. Lúc tôi lên 5 tuổi, vô ý bị ngã xuống ao. Chiếc ao sâu, tôi bị uống no nước. Giữa lúc đang chới với thì có một anh nhẩy xuống cứu tôi. Mọi người xúm lại, thực hiện hô hấp nhân tạo và tôi đã thoát chết.

Người cứu tôi tên Hùng, hơn tôi 10 tuổi, ở làng bên, mới 15 tuổi nhưng bơi rất giỏi. Sau đó, mẹ tôi thỉnh thoảng đưa tôi đến thăm nhà anh Hùng để tạ ơn. Những dịp lễ, tết, mẹ tôi đều có quà biếu, coi anh Hùng là ân nhân, không bao giờ có thể quên.

Về sau, anh Hùng học lên đại học. Rồi cả nhà anh dọn đi đâu ở, tôi không rõ. Nghe nói chuyển lên thành phố. Từ đó, không bao giờ tôi gặp lại anh nữa.

Giờ đây, trớ trêu thay, càng nhìn kỹ đứa trẻ, tôi càng thấy nó giống anh Hùng như bản photocopy. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra, bởi từ nhà tôi lên thành phố chỉ chừng 30 cây số. Vợ tôi vẫn thỉnh thoảng lên đó để lấy hàng về bán. Nhà nằm trên trục tỉnh lộ nên đi về rất thuận lợi.

Cô ấy quan hệ với Hùng thì chẳng có gì là khó hiểu, bởi tuy đã hai con nhưng còn rất “ngon lành”. Hùng thì chắc là ăn ra làm nên. Tôi để ý thấy gần đây, Mận sắm sửa được một số đồ dùng đáng giá. Hỏi thì cô nói do tằn tiện mà mua được.

Một lần về quê, tiện đường, tôi đèo một người hàng xóm. Chị ta nói với tôi: “Do quý và thương chú tôi mới nói. Mong chú đừng nói với cô ấy là tôi nói chuyện này với chú. Chính mắt tôi thấy có lần cô ấy lên xe ô tô cùng một người đàn ông nào đó. Tôi không nhìn rõ anh ta nên không biết là ai. Đứa con thứ ba của chú ai cũng nói là nó không phải của chú. Bà con người ta tinh lắm. Không điều gì có thể qua mắt được họ”.

Tôi chỉ nghe mà không nói gì. Về nhà, tôi hỏi thẳng Mận chuyện dư luận nói về đứa con thì cô ấy chối, nói do kinh tế nhà mình khá giả lên, hơn người mà sinh ghen ghét, dựng chuyện.

Thưa các anh chị. Cứ nhìn đứa trẻ thì tôi khẳng định đích xác là con của Hùng. Nhưng tôi ở vào tình thế rất khó xử. Toàn bộ kinh tế hiện tại của gia đình chủ yếu do Mận kiếm ra. Tôi làm ăn trên Hà Nội chỉ đủ nuôi thân. Khoản giúp thêm cho Mận không đáng kể, chưa đủ nuôi một đứa con.

Cô lại là người rất chu đáo trong việc chăm sóc mẹ tôi. Chính bà cũng phải công nhận. Không có cô, mẹ tôi khó qua khỏi mấy trận ốm thập tử nhất sinh. Rõ ràng là tôi phải biết ơn cô ấy.

Mặt khác, kẻ xen vào hạnh phúc của tôi, là “tình địch” lại chính là ân nhân cứu mạng tôi trong quá khứ. Ơn này còn lớn hơn. Mẹ tôi do già yếu lại bị điếc, không đi đến đâu nên đã không biết gì đến dư luận. Có người khuyên tôi đi thử ADN. Lại có người khuyên đã rõ rành rành như vậy thử làm chi cho tốn kém.

Qua bao đêm dằn vặt, tôi thấy chẳng có thể làm sao khác là “ngậm bò hòn làm ngọt”. Tôi cần làm gì?

(Phạm Văn Cường – Tiền Hải, Thái Bình)

Trao đổi của chuyên gia tâm lý Nguyễn Đình San:

 

Ở vào hoàn cảnh và tình thế cuả anh đúng là đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” vậy thôi. Nhưng anh cần nói với vợ là đã biết rõ tất cả sự thật. Nhưng vì đứa bé, vì hạnh phúc gia đình mà anh cho qua, mong vợ suy nghĩ, không tiếp tục mối quan hệ bất chính, bất hợp pháp.

Hãy cảnh báo đến cô ấy là không chuyện gì có thể giấu được mãi. Chớ nên để pháp luật phải can thiệp. Lúc ấy sẽ không lường được hậu quả.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?