| Hotline: 0983.970.780

Ngẫm nghĩ chuyện Tết hay không Tết âm lịch nữa

Thứ Sáu 31/01/2020 , 09:16 (GMT+7)

Biết chị không rảnh, chị cũng bận bịu nhưng chị có thể dành thời gian để “tám chuyện” với cái nhóm của tôi qua đề tài này không? Mà tôi cũng chắc, rất nhiều người băn khoăn như tôi.

Thưa chị!

Tôi là gã đàn ông rảnh rang trong mấy ngày cận Tết. Phải nói thật là muốn động tay động chân cũng không có nhiều việc như phụ nữ. Từ khi về hưu tới giờ tôi có nhóm bạn 5 người, bia bọt, cà phê, đánh cờ, hoa kiểng, tán dóc… Nhưng từ hôm có Nghị định thổi phạt nồng độ cồn, chuyện rượu bia giảm hẳn, các bà vợ mừng như vớ được vàng. Sâu xa tôi thấy thổi cũng đúng, vì tệ nạn rồi, nhếch nhác quá rồi, phải chấn chỉnh.

Gần đây có ý kiến của một ông giáo sư mà tôi từng hâm mộ nói về chuyện Tết hay không Tết âm lịch nữa. Thiên hạ cãi nhau rầm trời chị ơi. Nhóm của tôi cũng năm người mười ý. Người của mình có cái tật là mới nghe đã rùng rùng ý kiến mà không có lý lẽ phản biện.

Tôi thấy như vầy nè chị. Tôi thấy nhiều năm trở lại đây, từ khi hội nhập, người trẻ của mình hào hứng với Noel, Tết dương lịch, rồi Lễ Tình nhân, Cá tháng Tư… trong khi đó mình vẫn duy trì các ngày Tết cố truyền, 8 tháng 3, Quốc tế lao động, Mồng 5 tháng 5 (hàn thực), rồi Quốc khánh, ngày Thương binh liệt sĩ, ngày rằm Trung thu, ngày Phụ nữ 20/10, ngày Nhà giáo… Rồi đã lại cuối năm, bao nhiêu ngày nữa. Giống như xã hội quay cuồng với quay vòng, lễ lễ lễ mà Tết cũng là lễ mà.

Vậy thì giản lược cách nào thưa chị? Lễ lạc nhiều có giúp mình bay lên hay cứ kéo người mình xuống? Riêng chuyện Tết thì ý chị ra sao, chị ủng hộ ông giáo sư, hay chị phản bác?

--------------------

Bạn thân mến!

Thật ra giáo sư Võ Tòng Xuân phát biểu vấn đề này đã lâu. Ông là người du học và thành danh ở Mỹ, ông đi nhiều, cộng tác với nhiều nhà khoa học nước ngoài, khi phát biểu, ông đã nghĩ với góc độ khoa học và mong muốn Việt Nam bằng người. Vì sao người Nhật cũng trong hệ Tết Nguyên đán gốc Trung Hoa như mình mà họ làm nhạt Tết đi được? Để chi? Để hội nhập cùng với văn minh Tây phương, Tết dương lịch là Tết của nhân loại, cùng kết thúc năm cũ, cùng nghỉ ngơi và hân hoan năm mới. Bởi vậy nên họ có nước Nhật hôm nay.

Để có đồng thuận, phải có người là ngọn cờ cổ súy. Nhật có vua nên họ dễ tạo đồng thuận. Nước mình, nhiều địa phương rất mong Tết dài để du lịch kích cầu, lễ hội, vân vân và vân vân.

Tâm lý vẫn sợ nhạt Tết là mất truyền thống, từ chính quyền đến dân đều nghĩ vậy. Âu là, cũng vì nước nhỏ, nghèo, lạc hậu (thực sự là vậy), làm gì cũng e ngại và sợ mất lòng nhau. Cứ thế, có ai lên tiếng thì rộ lên bàn, phản bác là chính, sau đó thì đâu lại vào đấy.

Nhìn sang Trung Quốc thấy dân họ đổ về quê như thác lũ, hãi hùng. Nhìn dân miền Tây mình về quê trên từng chiếc xe máy, cuồn cuộn cũng không kém thác lũ, cũng hãi hùng. Với đà này chúng ta tin, còn lâu mới có chuyện làm nhạt Tết.

Muốn nhạt, phải nghỉ ít, ai ở gần thì tìm quê, ai ở xa, nghỉ ngơi tại chỗ, năm liền năm rồi sẽ quen. Đổi ngày di chuyển vào dịp Quốc khánh và Tết dương lịch, nghỉ dài hơn, được không? Theo tôi, đó là biện pháp co giãn có tính khoa học, sẽ hữu ích.

Lễ hội giờ cũng chỉ những trò cũ, lạc hậu, phải sàng lọc, ở những nơi đem đến điều thú vị như hát Quan họ, đua bò Bảy Núi, đua ghe ngo… không gắn với Tết. Mỗi người dân phải văn minh và tự sàng lọc. Nên dùng những ngày nghỉ đưa gia đình đi du lịch để mở mang tầm mắt. Và rồi chúng ta sẽ thấy, trái đất nhiều thứ thú vị chứ không chỉ có Tết như ở xứ mình, xúm xít ăn nhậu, đánh bài và khề khà mấy ngày liền rồi giải tán.

Bạn đã dấn lên một bước so với nhiều người, là quan tâm đến một vấn đề thú vị và tự giảm bia bọt. Tôi tin thế hệ con cháu của bạn sẽ khác dần và rồi, chúng ta nhích lên như Singapore, như Nhật Bản… và nhiều quốc gia nhẹ nhàng với truyền thống mà vẫn oách với thiên hạ hiện đại, văn minh.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất