| Hotline: 0983.970.780

Ngậm ngùi thành Tân Sở

Thứ Sáu 09/07/2010 , 14:49 (GMT+7)

Thành Tân Sở nằm ở thôn Mai Đàn, bây giờ là một rừng cao su ngút ngàn. Ngang qua kinh thành xưa không ai khỏi ngậm ngùi, tiếc thương cho thân phận gian truân của vị vua yêu nước Hàm Nghi...

Trên 1 ha đất còn lại, mô hình của thành Tân Sở vừa được dựng lên chuẩn bị tổ chức Lễ hội Cần Vương

Thành Tân Sở những ngày này đang nhộn nhịp với Lễ hội Cần Vương lần đầu tiên được tổ chức. Đúng 125 năm trước, vị vua trẻ yêu nước Hàm Nghi đã rời kinh thành Huế ra Tân Sở ở vùng Cùa, nay thuộc xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, dựng kinh đô kháng chiến, ban Chiếu Cần Vương kêu gọi nhân dân giúp vua đánh thực dân Pháp. Sự kiện vua Hàm Nghi chọn Tân Sở làm kinh đô kháng chiến là một chương bi tráng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.

Thành Tân Sở nằm ở thôn Mai Đàn, bây giờ là một rừng cao su ngút ngàn. Ngang qua kinh thành xưa không ai khỏi ngậm ngùi, tiếc thương cho thân phận gian truân của vị vua yêu nước Hàm Nghi đi làm cách mạng khi mới 14 tuổi.  

Kinh đô của phong trào Cần Vương 

Từ km 12 trên Quốc lộ 9 đến thành Tân Sở phải đi qua một đoạn đường dài gần 10 km với đèo dốc ngoằn ngoèo, hiểm trở. Sau  hơn một thế kỷ vật đổi sao dời mà đường vào Tân Sở còn đi giữa trùng trùng của rừng núi.

Đúng 125 năm trước, những ngày này, tại triều đình nhà Nguyễn ở Huế mâu thuẫn giữa phe chủ chiến với thực dân Pháp đã lên đến đỉnh điểm. Dưới sự lấn át ngày càng trắng trợn của quân Pháp, đại thần Tôn Thất Thuyết quyết định dốc hết lực vào một cuộc phản công tại kinh thành Huế. Một giờ sáng ngày 5/7/1885, Tôn Thất Thuyết hạ lệnh tấn công, cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt nhưng cuối cùng những người yêu nước đã thất bại. Trước tình thế này, ngày 8/7/1885, Tôn Thất Thuyết đã đưa vua Hàm Nghi ra Quảng Trị đến sơn phòng Tân Sở ở vùng Cùa, Cam Lộ củng cố lực lượng tiếp tục cuộc kháng chiến lâu dài. Chân ướt chân ráo đến Tân Sở, ngày 13/7/1885, Chiếu Cần Vương được Vua Hàm Nghi ban ra khắp cả nước, kêu gọi nhân dân đứng dậy giúp vua đánh giặc, trả thù nhà. Năm đó vua Hàm Nghi mới 14 tuổi.

Thành Tân Sở được xây với mục đích làm kinh đô kháng chiến nên có diện tích gần 23 ha, lớn hơn thành cổ Quảng Trị và rộng gần bằng kinh thành Huế. Một người con yêu của quê hương Cam Lộ,  Giáo sư - Tiến sĩ sử học Đỗ Bang ở Đại học Huế, trong công trình nghiên cứu của mình về thành Tân Sở, cho rằng: Thành có chiều dài 548m, rộng 418m, được đắp bằng đất nện, mở bốn cửa tiền - hậu - tả - hữu theo hướng tương ứng nam - bắc - đông - tây, tiếp theo là tre gai được trồng thành bốn lớp luỹ dày, giữa các luỹ tre là thành đất, tiếp giáp với thành nội là trại lính, kho hậu cần, bãi tập voi, ngựa. Chính giữa trung tâm là khu vực thành nội được xây bằng gạch vồ với chiều dài 165m, rộng 100m, diện tích 16,5 ha, ngoài bốn cửa tiền - hậu - tả - hữu còn có thêm Ngọ Môn dành riêng cho vua quan ra vào hành cung.
Thành Tân Sở nhanh chóng trở thành kinh đô kháng chiến của phong trào Cần Vương. Ngọn cờ Cần Vương  trên đất Tân Sở đã lan toả đến tận từng bản làng xa xôi, hẻo lánh, lay động tâm can của nhân dân và sĩ phu cả nước, dấy lên một phong trào chống Pháp từ Nam ra Bắc cuối thế kỷ 20. Những ngày ấy vua Hàm Nghi cùng các đại thần từng được những người Kinh, Pa Cô, Vân Kiều ở Cam Lộ hết lòng che chở. Lý giải nguyên nhân chọn Tân Sở làm Kinh đô kháng chiến, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Tân Sở có vị trí và địa thế tự nhiên rất thuận lợi, đảm bảo được bí mật và có thể phát huy mọi khả năng phòng vệ cũng như rút lui an toàn cho vua quan khi có sự cố.

Thực ra, từ năm 1883 triều đình nhà Nguyễn đã cho xây dựng thành Tân Sở. Trước sự uy hiếp của Pháp, Huế không còn là nơi an toàn cho vua quan triều Nguyễn. Phái chủ chiến đã tiến hành xây dựng sơn phòng Tân Sở thành căn cứ có quy mô vững chắc. Việc xây dựng thành Tân Sở đến đầu năm 1885 thì hoàn thành. Nhiều cụ già ở thôn Mai Đàn kể lại ông cha của họ từng được sung vào đội quân xây thành Tân Sở. 

Chỉ còn trong kí ức 

Đứng trên khu đất ngày xưa là thành Tân Sở - kinh đô kháng chiến năm nào, nay đã bị chiến tranh và thời gian san bằng. Bên tai tưởng chừng còn văng vẳng đâu đây tiếng hò reo oai hùng của quần thần, binh lính Cần Vương. Lời hiệu triệu của Chiếu Cần Vương ngày nào của vua Hàm Nghi còn nguyên giá trị. Tân Sở - vùng đất địa linh nhân kiệt là hậu lộ cho một vương triều, là kinh đô kháng chiến của những tấm lòng vì sự tự chủ của dân tộc và tự do của nhân dân. Song không khỏi day dứt, ngậm ngùi khi thành xưa Tân Sở nay chỉ thấy một bình nguyên mênh mông phủ kín bạt ngàn cao su. Những luỹ tre ken dày mấy lớp xưa kia nay chỉ còn vài khóm lưa thưa nhưng vẫn mọc thẳng hàng, đủ để nhận ra dấu vết của vòng thành ngoại.   

Những báu vật được ông Nguyễn Vạn dùng để dâng đặc sản vườn lên vua Hàm Nghi nay được ông Nguyễn Phụng đang gìn giữ

Để phục vụ cho lễ kỷ niệm 125 năm ngày vua Hàm Nghi ban Chiếu Cần Vương (13/7/1885- 13/7/2010) một mô hình thành Tân Sở được dựng lên trên thành xưa. Cụ Nguyễn Công Đàm ở thôn Mai Lộc 1, năm nay 84 tuổi, ngậm ngùi: “Sau 35 đất nước giải phóng mà thành Tân Sở chỉ còn một khu đất bằng phẳng ken dày cây cao su và hoa màu thì vô cùng day dứt với tổ tiên”.

Ngày trước những người nông dân mưu sinh bằng việc tìm phế liệu trong khu vực thành Tân Sở xưa đã tìm thấy khá nhiều đạn của súng thần công, những viên đạn hình cầu đúc bằng gang hay sắt, đồng, kích cỡ đường kính lớn nhỏ khác nhau, vô số gạch vồ dùng xây thành, nhưng đến nay chỉ có rất ít những hiện vật ấy được lưu giữ tại bảo tàng. Nhiều sử liệu còn ghi lại sau khi Tân Sở bị Pháp chiếm và đốt phá, những khẩu súng thần công được Pháp đưa về Huế đúc lại. Công sứ Quảng Trị là Hamelin đã sai chuyển bốn khẩu thần công có khắc chữ Hán từ Tân Sở về đặt trước hành cung ở thành cổ Quảng Trị, trong đó hai cỗ súng dài đến 2,57m.  

Dấu tích và kinh thành xưa không còn nữa nhưng câu chuyện lòng dân Cam Lộ với vua Hàm Nghi thì chẳng bao giờ nhạt phai. Tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Phụng ở thôn Mai Lộc 2, cháu nội của ông Nguyễn Vạn, người được sử sách xưa nhắc đến nhiều nhất như lời ghi ơn tạc dạ tấm lòng trung trinh của gia đình nông dân này với vua Hàm Nghi trong những ngày kháng chiến ở Tân Sở. Ông Phụng năm nay hơn 70 tuổi cùng vợ con đang sinh sống chính ngay trên mảnh đất do ông Nguyễn Vạn để lại. Khi nhắc đến ông nội của mình, ông Nguyễn Phụng không dấu được xúc động.

Mở cái sập gỗ ra, ông mang những hiện vật như chiếc mâm làm bằng gỗ mít, những chiếc đĩa xưa được làm bằng đất nung, bình đựng rượu... đó là những thứ ngày xưa ông Nguyễn Vạn dùng để dâng đặc sản mít, chuối, dứa, rượu... của vùng Cùa, Cam Lộ lên vua Hàm Nghi. Ông Phụng nói các hiện vật còn lại này được gia đình ông xem như là báu vật có một không hai. Qua mấy chục năm chiến tranh nhưng đi đâu vợ con ông cũng mang theo bên người.

ThànhTân Sở nay chỉ còn dấu tích lờ mờ của hào thành. Năm 1995, thành Tân Sở đã được xếp hạng Di tích Quốc gia. Tuy nhiên việc trùng tu, tôn tạo chưa được xem trọng nên chính quyền địa phương đã cấp đất thành Tân Sở cho người dân trồng cao su. Trong diện tích gần 29 ha của thành Tân Sở hiện giờ chỉ còn lại 1 ha. Di tích thành Tân Sở chỉ còn lại trong ký ức của người dân và lịch sử. Hậu thế mai này tìm thành Tân Sở ở đâu ra nếu chúng ta không nhanh chóng tôn tạo lại di tích ý nghĩa này.  

Xem thêm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bị khiển trách

Ngày 19/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sìn Hồ thiệt hại nhiều cao su do mưa đá, gió lốc

Mưa đá gió lốc đã khiến hàng nghìn cây cao su bị gãy đổ, hàng trăm hécta phải dừng khai thác, cạo mủ. 

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm