| Hotline: 0983.970.780

Ngậm trái đắng vì 'ôm' cam chính vụ chờ giá

Thứ Ba 18/02/2020 , 13:15 (GMT+7)

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), hiện tượng cam bị rụng đồng loạt tại Hà Giang, Tuyên Quang những ngày qua là do thời tiết, gây bệnh nấm mốc trên quả.

Người dân có thói quen treo cam trên cây, kéo dài thời vụ chờ được giá. Ảnh: Quốc Mạnh. 

Người dân có thói quen treo cam trên cây, kéo dài thời vụ chờ được giá. Ảnh: Quốc Mạnh. 

Đây đều là những vườn cam chính vụ, nhưng người dân để lại sau tết bán do giá cao hơn.

Thời tiết bất thường

Chiều 17/2, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Trưởng phòng Cây công nghiệp, Cây ăn quả (Cục Trồng trọt) cho biết, một loạt các Viện nghiên cứu của Bộ NN-PTNT đã về 2 tỉnh này tìm hiểu nguyên nhân hiện tượng cam rụng đồng loạt.

Cục Trồng trọt cho biết, nhiều năm qua, người dân ở 2 tỉnh này đều giữ phương thức treo cam trên cây, chờ ra tết để bán. Trong giai đoạn này, những năm qua đều xuất hiện tình trạng cam bị rụng. Tuy nhiên, chưa năm nào, thời tiết bất thường khiến cam rụng đồng loạt như năm nay.

Địa phương bị thiệt hại nặng nhất là huyện Bắc Quang (Hà Giang), ước 13 nghìn tấn, huyện Quang Bình (Hà Giang) là 1.200 – 1.300 tấn. Trong khi đó, tại tỉnh Tuyên Quang, huyện Hàm Yên ghi nhận thiệt hại khoảng 2.000 tấn.

Qua khảo sát, tỷ lệ cam bị rụng tại các vườn và HTX khoảng 30 – 40%. Cá biệt, có những vườn đã rụng tới 70%.

Theo ông Mạnh, hầu hết những vườn thiệt hại là diện tích cam chính vụ. Thời điểm thu hoạch rộ là tháng 12, tới tháng 1 của năm sau.

Tuy nhiên, thời điểm này, giá cam giảm mạnh, người dân chỉ thu hoạch phần nhỏ hoặc để cả trên cây, chờ sau Tết Âm lịch được giá rồi bán.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, đối chứng trên diện tích cam chín muộn (V2) thì không có hiện tượng rụng quả như trên. Các nhà khoa học cũng như Cục Trồng trọt cho rằng, nguyên nhân chính là do những diện tích cam này gặp thời tiết  bất thường vào dịp Tết.

Nhiều vườn cam, tỷ lệ rụng quả tới 70%, thiệt hại nặng nề. Ảnh: Quốc Mạnh. 

Nhiều vườn cam, tỷ lệ rụng quả tới 70%, thiệt hại nặng nề. Ảnh: Quốc Mạnh. 

Theo đó, do cam trên cây quá chín, cộng với mưa to, mưa đá. Những ngày qua, trời trở nắng, độ ẩm cao nên cây cam trút đồng loạt cả lá, không riêng gì quả.

Ngoài ra, kiểm tra thực tế, do gặp mưa nắng thất thường, độ ẩm cao (95 – 100%), nhiều diện tích cam xuất hiện bệnh nấm mốc trên quả. Đây cũng là tác nhân khiến cam thối nhanh hơn và rụng quả đồng loạt.

Sau khi kiểm tra, cơ quan chuyên môn đã khuyến cáo các địa phương hướng dẫn người dân thực hiện một số biện pháo trước mắt. Khẩn trương thu dọn sạch toàn bộ lượng cam bị rụng khỏi vườn. Sau đó, đào hố chôn, xử lý bằng vôi bột để tránh ô nhiễm môi trường, phát sinh nguồn bệnh do nấm mốc. Sau khi thu dọn xong, cần tiếp tục rắc vôi bột toàn bộ mặt vườn.  

Đối với diện tích cam còn lại, người dân cần khẩn trương thu hoạch, kết hợp tạo tán, tỉa cành, bón phân cân đối để dưỡng cây niên vụ 2020 – 2021. Đặc biệt, người dân tuyệt đối không được dùng thuốc BVTV, thuốc chống rụng quả.

Cân đối cam chính vụ

Hiện nay, tỉnh Hà Giang đang có 6.693 ha cam cho thu hoạch trên tổng diện tích 8.302 ha. Tỉnh Tuyên Quang có 6.070/8.690 ha cho thu hoạch. Trong đó, diện tích chủ yếu là cam sành chính vụ.

Bộ NN-PTNT sẽ xem xét phương án hỗ trợ khi các địa phương có văn bản đề nghị. Ảnh: Quốc Mạnh. 

Bộ NN-PTNT sẽ xem xét phương án hỗ trợ khi các địa phương có văn bản đề nghị. Ảnh: Quốc Mạnh

Vì vậy, về lâu dài, Cục Trồng trọt khuyến nghị 2 địa phương này cần xem xét, cân đối lại tỷ lệ cam chính vụ và chín muộn. Cụ thể, giảm tỷ lệ cam sành, tăng diện tích các giống cam chín muộn và cả chín sớm.

Các tỉnh cũng cần phải hướng dẫn người dân thu hoạch cam đúng thời vụ, hạn chế treo cam, kéo dài vụ thu hoạch. Việc này không phù hợp với đặc tính sinh lý của cây cam sành, nguy cơ rủi ro cao trong khi điều kiện thời tiết, tự nhiên ngày càng diễn biến bất thường.

Đồng thời, không mở rộng diện tích trồng cam khi chưa có những tín hiệu tích cực từ thị trường. Tập trung phát triển thâm canh, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến nước ép cam ngay tại địa phương.

Cục Trồng trọt đề nghị Hà Giang, Tuyên Quang nghiên cứu, cân đối lại diện tích cam chính vụ của địa phương mình. Ảnh. Quốc Mạnh. 

Cục Trồng trọt đề nghị Hà Giang, Tuyên Quang nghiên cứu, cân đối lại diện tích cam chính vụ của địa phương mình. Ảnh. Quốc Mạnh. 

Hiện nay, Cục Trồng trọt đang phối hợp với các Viện, nghiên cứu và sớm hoàn thiện quy trình canh tác cam trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Theo ông Mạnh, việc địa phương lập tức vào cuộc, hỗ trợ 4 triệu đồng/ha cam thiệt hại trên 70% là rất nhanh chóng, kịp thời. Về phía cấp Trung ương, ông Mạnh khẳng định, nếu các địa phương có văn bản xin hỗ trợ người dân, Bộ NN-PTNT sẽ xem xét dựa trên Nghị định 02/2017 của Chính Phủ.

Theo Nghị định 02/2017 của Chính phủ, quy định về hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, đối với cây cam (cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm) bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 4 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 2 triệu đồng/ha.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất