| Hotline: 0983.970.780

Ngàn cách khơi thông sức dân: “Khích tướng”, thu phục nhân tâm

Thứ Năm 05/03/2015 , 06:15 (GMT+7)

Hà Nội hiểu rõ về sức dân và đã huy động nó vào công cuộc xây dựng NTM một cách rất nhuần nhuyễn.

Ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, nhớ lại mấy năm trước ở hội trường huyện Phúc Thọ có một cuộc họp nóng bàn về chuyện tại sao địa phương này thực hiện Chương trình NTM rất ì ạch nhất là dồn điền đổi thửa (DĐĐT).

Lãnh đạo địa phương khi ấy chỉ lấy lý do khó khăn thế này, khó khăn thế nọ để xin hỗ trợ.

Ông Cương lúc đó mới giơ tay khẳng khái xin đúng hai phút rằng: “Các đồng chí kiến nghị những thứ đã có rồi chứng tỏ lãnh đạo phòng, ban chưa thực sự vào cuộc. Cùng một bầu trời này, cùng những con người này, cùng chính sách này, chung cả.

Các đồng chí đi quá lên tí là huyện Đan Phượng mà xem người ta DĐĐT xong hết cả rồi, sang huyện Chương Mỹ đây thôi, chả có xa xôi gì cả người ta làm ào ào. Toàn thành phố đã thực hiện được 52% rồi đấy!”.

Sau ông Cương, một lãnh đạo cấp trên còn “bồi thêm” một hồi lâu nữa khiến cho lãnh đạo địa phương tự ái nổi lên ầm ầm: “Nói thế này thì chẳng khác gì chúng tôi lười à? Chúng tôi chẳng làm cái gì à? Chúng tôi ngồi chơi không à?”.

Thấy không khí có phần căng thẳng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái (nay đã nghỉ hưu) phải xoa dịu: “Các đồng chí phải cầu thị, phải đi thăm các điểm xem người ta làm thế nào. Tại sao họ làm được mà mình không làm được? Có khó khăn, vướng mắc gì chúng tôi sẽ giúp".

Sau chiêu “khích tướng” đó, đúng là lãnh đạo huyện thực sự vào cuộc thật. Phúc Thọ cử đoàn cắp cặp đi tham quan các địa phương thực hiện tốt về NTM rồi về cùng nhau chụm đầu mà bàn tính. Huyện vốn thuần nông, xuất phát điểm kinh tế, hạ tầng, thu nhập của người dân rất thấp.

Thêm vào đó diện tích đất trên đầu người của huyện không cao, đất đai lại chia cắt thành vùng đồng và vùng bãi cũng cản trở cho việc tiến lên SX lớn.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là làm sao để tạo được sự đồng thuận trong dân, làm sao để khơi thông được sức mạnh trong dân bởi một bộ phận không nhỏ nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích và vai trò chủ thể của người nông dân trong xây dựng NTM. Một số khác lại có tâm lý ngại thay đổi, tính toán thiệt hơn, hoài nghi, chưa tin tưởng.

Một kế hoạch tuyên truyền NTM chưa từng có được vạch ra vô cùng sáng tạo. Tất cả những vấn đề mấu chốt cũng như gai góc nhất của NTM được sân khấu hóa để sao cho dân thật thấm nhuần để hiểu thế nào là “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”, là “NTM: Văn hóa mới, con người mới”. Phúc Thọ có 180 thôn thì 161 nơi tổ chức được sân khấu trình diễn rồi dự thi với nhau. Giải thưởng tuy nhỏ thôi nhưng tính động viên rất lớn.

Công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục ở cả diện rộng lẫn chiều sâu bằng việc tổ chức các hội nghị tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ làm công tác xây dựng NTM; phát động và ký giao ước thi đua đến từng ngành, từng cơ sở; tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm và truyền thanh trực tiếp về công tác xây dựng NTM, DĐĐT; thành lập tổ tuyên truyền lưu động tổ chức tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, nhân dân các xã.

Sau hai cuộc thi cấp huyện như vậy người dân từ thờ ơ với NTM đã thấy trách nhiệm, nghĩa vụ và cả thành quả đổi thay cuộc sống của mình ở trong đó. Một khi sức dân được khơi thông, việc xây dựng NTM được bật lên một cách nhanh chóng.

Từ tốp lẹt đẹt nhất nhì của Hà Nội, Phúc Thọ đã vươn lên đứng vào hàng tốp đầu. Kinh tế của huyện đã có những tiến nhanh, tốc độ tăng trưởng bình quân 4 năm đạt gần 10%.

Thu nhập bình quân đầu người năm 2014 đạt 25,2 triệu đồng, giá trị SXNN đạt 250 triệu đồng/ha. Tỷ lệ đường trục xã, liên xã được bê nhựa hóa, bê tông hóa đạt chuẩn 95%, đường trục thôn, liên thôn 96,2%, đường ngõ xóm 91,5%, đường trục chính nội đồng được cứng hoá, xe cơ giới đi lại thuận tiện đạt 100%.

Về xây dựng NTM năm 2013 Phúc Thọ có 4 xã đạt chuẩn, năm 2014 có 6 xã đạt chuẩn, năm 2015 tự tin đăng ký thêm 7 xã. Riêng ở khâu DĐĐT, trước đây như một lô cốt ì trệ thì nay trở thành một điểm đột phá khẩu để mở đường.

Cũng phải nói thẳng rằng DĐĐT là chuyện không mới, khi còn tỉnh Hà Tây cũ cũng đã có nghị quyết về chuyện này nhưng rồi mãi cũng chỉ là nghị quyết trên giấy, không thể thực hiện được.

Người dân ngại DĐĐT vì sợ mất ruộng gần nhà, ruộng màu mỡ. Cán bộ ngại DĐĐT vì bởi đây là vấn đề phức tạp, dễ nảy sinh mâu thuẫn, kiện cáo nên tốt nhất là… né. Chỉ khi nào thuyết phục được từ lãnh đạo đến người dân rằng DĐĐT không phải là rũ rối ruộng đất, rằng đó là phục vụ cho mục tiêu nâng cao đời sống nhân dân thì mới thành công.

Tuyên truyền tốt, chỉ đạo làm nghiêm nên giờ toàn huyện đã triển khai DĐĐT được 3708 ha (đạt 100,6% kế hoạch); giao ruộng cho 30.710 hộ, giảm từ 5,8 thửa/hộ xuống còn bình quân 1,59 thửa/hộ. Năm 2014 chỉ còn duy nhất xã Liên Hiệp chưa thực hiện được huyện dốc sức làm quyết liệt đến nay đã hoàn thành được 190 ha.

Sau DĐĐT việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào SX dễ dàng hơn. 10% diện tích của Phúc Thọ đã được cấy bằng mạ khay, máy cấy. Các mô hình nông nghiệp mới được hình thành và nhân rộng trong đó có cả nông nghiệp công nghệ cao.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm