| Hotline: 0983.970.780

Ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

Thứ Hai 24/12/2018 , 08:01 (GMT+7)

Tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Cục Thú y, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Ngăn dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam là nhiệm vụ cấp bách.

08-47-37-nh-1165530427
Người nuôi lợn hết sức cảnh giác và ngăn ngừa dịch bệnh cuối năm

Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông cho biết, theo thông tin cập nhật từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE) tính từ năm 2017 đến ngày 7/12/2018, đã có 19 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi, với hơn 979 nghìn con lợn buộc phải tiêu hủy. Tính riêng tại Trung Quốc từ ngày 3/8/2018 đến ngày 14/12/2018 đã có tổng cộng trên 89 ổ dịch xuất hiện tại 22 tỉnh với hơn 630 nghìn con lợn buộc phải tiêu hủy.

Còn tại Việt Nam, Cục Thú y đã tổ chức xét nghiệm hơn 600 mẫu bệnh phẩm lợn, nhưng chưa phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Tuy nhiên, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi từ nước ngoài xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh thành biên giới phía Bắc và tại các địa phương có chăn nuôi lợn với số lượng lớn, địa phương có nhiều du khách du lịch quốc tế, các vùng có dịch bệnh là rất cao.

Ông Tuấn Xuân Độ, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thú y vùng Quảng Ninh thông tin: Tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái, lượng khách du lịch từ các tỉnh, thành phố của Trung Quốc sang Quảng Ninh rất nhiều, không loại trừ trường hợp du khách mang theo những sản phẩm chế biến từ thịt lợn sang Việt Nam. Vì vậy, công tác kiểm soát các sản phẩm từ thịt sang biên giới và phòng chống dịch bệnh cũng gặp nhiều khó khăn.

Trao đổi với PV, ông Lý Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho hay, Lạng Sơn đang tăng cường kiểm soát vận chuyển hàng hóa qua đường mòn lối mở và cửa khẩu, tổ chức điểm chốt chặn 24/24h qua các lối mở. Qua các cửa khẩu chính, tỉnh tăng cường kiểm soát cả người lẫn hàng hóa, phòng tình trạng giấu sản phẩm động vật trong hàng hóa khác; tổ chức đoàn kiểm tra tại địa bàn trọng điểm tuyến biên giới, nhất là đường mòn lối mở... Đồng thời ban hành kế hoạch phòng chống dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn.

Trước tình hình đó, Cục Thú y đã chủ động theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh để kịp thời có các biện pháp phòng chống. Hằng ngày có báo cáo Bộ NN-PTNT và cập nhật trên trang web của Cục về tình hình dịch bệnh. Kịp thời tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp phòng và ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT.

12-21-30_nh_2
Phun thuốc tiêu độc khử trùng quanh khu vực chăn nuôi

Theo Cục trưởng Phạm Văn Đông: Cục Thú y đã ban hành, tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tăng cường năng lực cho cán bộ ngành Thú y để sẵn sàng ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh. Tập huấn cho hơn 500 lượt cán bộ thú y về phòng chống bệnh dịch. Kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông đưa tin về công tác phòng chống bệnh. Tham mưu kịp thời, rất cụ thể để Chính phủ, Bộ NN-PTNT chỉ đạo tổ chức ngăn chặn và diễn tập thành công các tình huống không xuất hiện hoặc giả định có xuất hiện bệnh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Công tác thông tin tuyên truyền ngăn dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam từ Trung ương đến địa phương phải hết sức quyết liệt. Đặc biệt, buổi diễn tập tình huống giả định dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Đồng Nai sắp tới phải được thực hiện thật bài bản và đạt hiệu quả cao nhất.

"Việc diễn tập sẽ giúp nâng cao ý thức và kỹ năng, quy trình thực hiện các biện pháp ứng phó khẩn cấp để phòng, chống hiệu quả dịch tả lợn châu Phi trong thực tế. Qua đó, cũng tuyên truyền đến người dân về mức độ nguy hiểm của dịch và cách phòng chống đạt kết quả cao nhất", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Ông Ken Inui, Trung tâm Khẩn cấp kiểm soát bệnh động vật lây truyền qua biên giới (thuộc FAO): "Bệnh tập trung nhiều ở heo trên 12 tuần tuổi, tất cả các lứa tuổi khác cũng có nguy cơ nhiễm bệnh. Hiện, chưa có vacxin và thuốc điều trị loại virus này. Khi lợn đã mắc bệnh, xác suất chết gần như 100%. Do vậy, trong trường hợp phát hiện lợn mắc bệnh, không nên điều trị mà cần tiêu hủy ngay, xử lý triệt để ổ dịch trong vòng bán kính 3,5km. Để phòng ngừa dịch bệnh, người chăn nuôi không dùng thức ăn thừa cho đàn lợn, không sử dụng kim tiêm để tiêm cho cả đàn lợn bởi đây là đường lây lan rất lớn. Cần thực hiện biện pháp cách ly, tiêu độc khử trùng, đặc biệt phải thực hiện chăn nuôi theo tiêu chuẩn an toàn sinh học".

 

Xem thêm
Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất