| Hotline: 0983.970.780

Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long

Chủ Nhật 28/02/2010 , 16:42 (GMT+7)

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 8 lấy chủ đề 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã diễn ra trên khắp cả nước. Đây được coi là Ngày thơ Việt Nam với nhiều hoạt động phong phú nhất từ trước tới nay.

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 8 lấy chủ đề 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã diễn ra trên khắp cả nước. Đây được coi là Ngày thơ Việt Nam với nhiều hoạt động phong phú nhất từ trước tới nay.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: “Ngoài những tác giả trong nước, đây là lần đầu tiên một sân thơ quốc tế được tổ chức tại Hà Nội trong khuôn khổ hoạt động của Ngày thơ Việt Nam. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng chứng tỏ quyết tâm của giới văn nghệ sĩ trong việc đẩy mạnh giao lưu và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, các văn nghệ sĩ nước ngoài sẽ cho chúng ta thấy, một Hà Nội – Thăng Long đầy màu sắc và mang tính toàn cầu”. 

Thơ bằng những ô chữ nổi ghép thành khiến người xem đọc vất vả

Buổi trưa 27/2, dẫu thời tiết không mấy “ưu đãi” cho khách yêu thơ nhưng vẫn khá đông người đến thưởng thức thơ và gật gù vì BTC năm nay chuẩn bị khá công phu và rõ ý tưởng. Hai mươi tác phẩm trưng bày đã được các văn nghệ sĩ nước ngoài và Việt Nam thể hiện khiến nhiều người yêu thơ cảm động và dành tình cảm khá đặc biệt. Trong đó, công chúng dành ấn tượng đặc biệt cho những bài thơ viết về Việt Nam, về Hà Nội của các tác giả nước ngoài như Những ghi chép dưới mái hiên Hà Nội của nữ thi sĩ J. Fossenbell (Mỹ); Nhẹ nhàng chào buổi sáng Hà Nội của Mary Croy (Mỹ)...

Nguyễn Thanh Bình (Khoa Văn, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn) cho biết: “Khi đọc những vần thơ của Mary Croy, tôi như được biết đến một Hà Nội khác, nơi mà mọi chuyển động, mọi góc cạnh của Hà Nội đều chạm vào được những giác quan tinh tế của con người. Không còn sự xô bồ, náo nhiệt mà duờng như đó chính là sự thương nhớ, sự mong mỏi… của ngàn năm đất Thăng Long.”

Khá nhiều cụ ông, cụ bà rong ruổi khu Văn Miếu để rưng rưng xúc động với những vần thơ đương đại, một cụ ông đọc to bài thơ Những ghi chép dưới mái hiên Hà Nội:

Mỗi buổi sáng với ban mai xanh màu cây lá

Chúng ta học ở đây thêm một điều gì đó

Từ cầu Long Biên tôi đã đi xuống

Bờ sông Hồng đỏ trải trước mặt tôi

Sự vững tâm rời bỏ tôi

Xuyên suốt lịch sử chúng ta đã chiến đấu cho một lòng tham xa xăm

Và nhu cầu bạo lực ngấm ngầm

Và cứ thế

Và cứ thế chúng ta đi bỏ lại sau lưng quá khứ.

(Những ghi chép dưới mái hiên Hà Nội – J. Fossenbell)

Đọc xong bài thơ, ông lại quay sang tấm tắc gật gù với cụ bà đi cùng, có lẽ họ tìm thấy sự đồng cảm trong cách viết, cách nghĩ và cả cây cầu Long Biên lịch sử, cũng như chứng nhân bờ sông Hồng chất chứa niềm riêng của đất Thăng Long.

Ngoài ra, không thể không nhắc đến những thi sĩ Việt Nam: Thơ viết ở biển (Hữu Thỉnh); Hà Nội đêm trở gió (Chu Lai)… được nhiều “thực khách” yêu thơ mê mẩn ngâm đi ngâm lại. Hồn thơ Hà Nội sống cùng người dân Thủ đô trước thời khắc lịch sử 1000 năm, nói như nhà thơ Anh Ngọc rằng: “Hà Nội luôn là cảm hứng thi ca, lịch lãm và biến hoá. Có thể một chiếc lá rơi cũng có thể làm nên Hà Nội. Một tiếng rao cũng khiến người người thổn thức”.

Ngày thơ lần thứ 8 cũng đánh dấu sự chu đáo của BTC khi những tác phẩm thơ được trình bày trên nhiều thể loại, ấn tượng nhất chính là những câu thơ được in trên gốm sứ. Những vần thơ được tuyển chọn khá công phu và đều mang ý nghĩa chủ đề, nghệ nhân gốm Vũ Đức Thắng là người được chọn thể hiện những tác phẩm này. Những câu thơ được viết lên gốm thể hiện ý chí tôi rèn, sáng tạo, nung nấu của cảm xúc để người đọc lên cảm nhận được sự day dắt, cũng như tính sáng tạo của nghệ thuật.

Tuy nhiên, vì sản phẩm tương đối nhỏ nên những câu chữ cũng không thể phóng đại vì vấn đề bố cục nên… thường thì người xem phải nheo mắt để đọc, hoặc muốn ngắm trọn các tác phẩm thì cũng phải nghiêng người hoặc khọm lưng. Một “nốt trầm buồn” nhất của Ngày thơ 2010 chính là nhiều nhà thơ cho rằng mình hơi hụt hẫng khi tác phẩm bị biến dạng hoặc viết sai chính tả như 2 câu thơ của Lưu Trọng Lư: Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội/ Áo đỏ người đưa trước giậu phơi, nguyên tác bị biến thành Ao đỏ người đưa… hoặc như Hà Nội đêm buốt tê/ Mái buồn nghe xấu rụng (Chính Hữu), câu thơ thứ 2 sai lỗi chính tả khi nguyên tác là: Mái buồn nghe sấu rụng.

Nhiều nhà thơ trẻ tham dự với mong muốn học hỏi trong sự nghiệp sáng tác, họ nhận được nhiều sự khích lệ từ công chúng. Nhà thơ trẻ Thụy Thảo chia sẻ rằng: “Công việc sáng tác luôn trường kì, dai dẳng. Như đất Thăng Long, 1000 năm, kết tinh - hội tụ để khắp bốn bể - năm châu cũng phải hướng về. Đó đều là giá trị của thời gian”. 

Ngày thơ Việt Nam đã được tổ chức công phu và hoành tráng từ Bắc vào Nam trong suốt 3 ngày từ 26 - 28/2.

+ Ngọn lửa Ngày thơ VN 2010 được thắp lửa liên tiếp hai ngày thơ tại tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ trước khi được rước về Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) đúng rằm Nguyên tiêu.

+ Chiều 25/2, Hội Văn học - Nghệ thuật Thái Nguyên đã tổ chức Chương trình giao lưu thơ với chủ đề Việt Bắc Boong hây (Việt Bắc chúng ta). Đêm 25/2, diễn ra đêm thơ Vầng trăng Việt Bắc tại Thái Nguyên do Tỉnh hội VHNT của 6 tỉnh Việt Bắc và Hội Nhà văn Hà Nội phối hợp tổ chức.

+ Sáng 25/2, BTC Ngày Thơ Việt Nam tại Thừa Thiên - Huế đã tổ chức chương trình “Viếng mộ thi nhân” tại các nghĩa trang trên địa bàn thành phố Huế, nơi các chí sĩ, nhà thơ, nhà văn, họa sỹ... đang yên nghỉ. Ngày 27/2, CLB thơ Hương Giang, CLB thơ trẻ Huế, CLB thơ Sông Bồ, CLB thơ Hương Thủy tổ chức trình diễn, giao lưu thơ. Các hoạt động trình diễn thơ, ngâm thơ, hát nhạc phổ thơ, thư pháp... mang lại nét riêng cổ kính với những đêm thơ trên sông Hương. Tối 28/2, tại Nghinh Lương Đình ven sông Hương diễn ra đêm thơ chủ đề “Cố đô Huế hướng về Thăng Long - Hà Nội 1.000 năm”. Ngoài các tiết mục biểu diễn thơ và nhạc, người yêu thơ còn được giao lưu trực tiếp với các nhà thơ Huế nổi tiếng.

+ Ngày thơ Việt Nam tại Phú Yêndiễn ra ở núi Nhạn, dưới ánh trăng rằm với bước phát triển nâng lên thành Festival thơ của Phú Yên. Với nội dung Hướng về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đồng thời là bước tập dượt cho các hoạt động kỷ niệm Phú Yên 400 năm và Năm du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung bộ - Phú Yên 2011.

+ Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 8 tại Hải Phòng đã tưng bừng diễn ra ngay khu vực ngoài trời trước Đền thờ Trần Hưng Đạo (thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên), bên bờ sông Thải - nhánh đổ ra sông Bạch Đằng lịch sử với chủ đề "Âm vang Bạch Đằng".

+ Ngày thơ Việt Nam tại Quảng Ngãi năm nay cũng mang chủ đề khá ý nghĩa – Biển đảo quê hương.

+ Bến Tre tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ VIII tại đình Phú Tự - ấp Phú Hào, xã Phú Hưng (TP.Bến Tre) với chủ đề “Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”.

P.Khanh

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

U23 Việt Nam hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan

Các cầu thủ và ban huấn luyện U23 Việt Nam bày tỏ sự hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan tại lượt trận cuối bảng D vòng chung kết U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.