| Hotline: 0983.970.780

Ngán ngẩm mía cuối vụ!

Thứ Năm 10/03/2011 , 12:50 (GMT+7)

Năm nay, dù giá mía ở khu vực Nam bộ đạt “khủng” đến 1,1 triệu đồng/tấn 10 CCS tại ruộng. Vậy mà, nông dân lại thấy “chán” cây mía. Vì sao?

Năm nay, dù giá mía ở khu vực Nam bộ đạt “khủng” đến 1,1 triệu đồng/tấn 10 CCS tại ruộng, dự kiến đến giữa tháng này sẽ nâng lên 1,15 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, nông dân lại thấy “chán” cây mía. Vì sao?

Theo Sở NN-PTNT Tây Ninh, vụ mía đường 2010–2011 gặp thời tiết khô hạn sớm, dẫn đến độ ẩm trong đất không đủ khiến cây mía càng khô nhanh. Nhiều diện tích mía trồng mới, xuống giống tháng 6/2010 đến nay đã vào giai đoạn khô. Tình trạng mía chín tập trung và khô nhanh bất thường so với các năm trước, đã dẫn đến áp lực thu hoạch của bà con nông dân tăng cao trong những tháng ngày cuối vụ. Nhu cầu quá lớn, trong khi công suất của các nhà máy (NM) không thể tăng hơn, không thể đáp ứng hết, nên có tình trạng nhiều hộ nông dân tự ý thu hoạch (không theo lịch chặt của NM-PV) đưa mía về NM coi như “chuyện đã rồi”, hoặc tự đốt gây áp lực thu hoạch nhằm buộc NM tiếp nhận. Thế nên, diện tích bị cháy năm nay lên tới 3,5 ngàn ha, tăng 15% so diện tích mía cháy vụ trước.

Ông Nguyễn Thanh Thơm, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tân Châu - Tây Ninh cho biết, càng vào cuối vụ thì người nông dân càng chịu chi phí thu hoạch cao hơn rất nhiều lần so với giá thoả thuận của NM với các “đầu công” (cai thầu chặt mía). Đầu vụ, giá thoả thuận khâu chặt mía là 100 ngàn đồng/tấn, nhưng hiện tại do yêu cầu thu hoạch gấp gáp của nông dân nên có nơi “đầu công” nâng giá lên đến 180 ngàn đồng/tấn, tăng gần gấp đôi. Thậm chí, ở nơi ruộng mía xấu, công (lao động) không muốn chặt, buộc nông dân phải “hỗ trợ” chi phí thêm. Có nhóm công chỉ chặt đúng 1 xe theo lịch thu hoạch thì ngưng. Lo ngại hôm sau xe đến không có mía nên chủ mía phải “bồi dưỡng” thêm, công mới chịu chặt tiếp. Mặt khác, đối với những đám mía tuy đã có lịch thu hoạch, nhưng mỗi ngày chỉ được NM “cho” 1 xe vận chuyển, hậu quả là trong cùng một đám mà có nơi mía đã tái sinh cao đến đầu gối, còn nơi thì mía vẫn đứng đồng, chưa chặt. Như vậy, khi cây mía bị khô không chỉ gây thiệt hại trong vụ này, mà còn kéo dài thiệt hại đến vụ sau. 

“Vấn đề bức xúc nhất là có nhóm công luôn đòi chủ mía cho đốt để dễ chặt, nếu không đáp ứng “yêu sách” thì cố tình kéo dài gây ảnh hưởng đến thời gian thu hoạch. Theo tính toán chúng tôi, mỗi ha mía chủ động đốt, chủ mía bị thất thu không dưới 15 triệu đồng do khi đưa về nhà máy, năng suất và chữ đường giảm đáng kể, còn chủ mía nếu không cho đốt thì công không chịu chặt, để mía đứng đồng kéo dài lại càng gây thiệt hại” - ông Thơm ngán ngẩm.

GĐ Sở NN-PTNT Tây Ninh Vương Quốc Thới: “Để có vùng nguyên liệu mía ổn định, các NMĐ cần phải quan tâm hơn nữa trong việc chia sẻ lợi ích với người trồng mía, khi giá đường tăng thì cần điều chỉnh ngay giá thu mua mía. Ngoài ra cần có chính sách đầu tư phù hợp hơn để hỗ trợ vốn cho người trồng mía”.

Bà Bùi Thị Hải Đường, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Dương Minh Châu cũng ngán ngẩm nói, không những nâng giá công thu hoạch lên gần gấp đôi, có nhóm công còn đòi chủ mía phải “làm gà” thết đãi và phải đưa trước tiền công. Chưa bao giờ công lao động thu hoạch mía lại “kỳ cục” như thời điểm cuối vụ này. Nhưng vì cây mía ngày càng khô làm cho năng suất và chất lượng càng giảm nên nông dân buộc phải “cắn răng” chấp nhận những đòi hỏi phi lý của đầu công thu hoạch. Tính ra, giá mía và năng suất tuy có cao, nhưng thu nhập thực sự của nông dân trồng mía lại không tương xứng.

Ông Nguyễn Bá Chủ, TGĐ Cty SBT còn nói thêm nghịch lý khác, đó là nông dân đang muốn chặt sớm, các nhà máy cũng nâng tối đa công suất để tiếp nhận. Thế nhưng, số lượng mía thực tế đổ về nhà máy lại không đáp ứng đủ yêu cầu nguyên liệu. Vì sao? Ông Chủ giải thích: “Theo tôi, trước hết do lực lượng lao động nông nghiệp thiếu. Sau Tết, có một số lao động chặt mía chuyển sang công việc khác, trong đó chuyển sang thu hoạch khoai mì vì giá công cao hơn và công việc lại nhẹ hơn. Lượng lao động thiếu khiến cho một số diện tích có lịch chặt tăng cường không có người. Thứ hai, phương tiện vận chuyển mía từ đồng ruộng về nhà máy giảm hơn so với trước, do có một số chuyển sang vận chuyển hàng hoá khác, trong đó khá nhiều xe chở mía chuyển sang chở mì. Thiếu phương tiện vận chuyển thì dù mía có được chặt cũng không thể đưa về được nhà máy”.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.