| Hotline: 0983.970.780

Ngẩn ngơ tìm lại thiên đường mùa hạ

Thứ Bảy 09/05/2020 , 09:10 (GMT+7)

Tôi đã luôn mơ về những ngày mùa hạ với nắng tràn lênh loáng đầy sân, rót và trải đều sân thóc mẹ phơi.

 

Tôi đã luôn mơ về những ngày mùa hạ với nắng tràn lênh loáng đầy sân, rót và trải đều sân thóc mẹ phơi. Thi thoảng có một vài chú sẻ đồng từ trên cây cau sà xuống vừa mổ thóc vừa ngó nghiêng đề phòng con người xua đuổi.

Ngôi nhà xưa của ba mẹ có cái hiên dài và rộng lắm. Ba tôi đặt một chiếc chõng tre bên góc hiên cho mấy chị em nằm ườn hóng gió, chơi chuyền thẻ hay đọc sách rất thích.

Mùa hạ ở quê nhà quả nhiên là một thiên đường lộng lẫy, huy hoàng mà bất kể lúc nào nhắc về tôi cũng mê mẩn và háo hức.

Một ngày mùa hạ, sáng sớm tinh mơ, sau tiếng gà gáy vang xóm là dàn đồng ca mùa hạ quen thuộc - tiếng râm ran của lũ ve sầu trên khắp mọi ngõ ngách  cây xanh.

Tôi có cảm tưởng rằng bọn chúng (lũ ve) nghĩ rằng nếu không đồng loạt kêu thì không một ai biết đến bọn chúng. Lũ ve cứ kêu ngày một nhiều và dầy hơn. Người lớn ngán ngẩm lắc đầu, phiền hà vì giấc ngủ trưa đứt quãng.

Nhưng tiếng của lũ ve lại thu hút trẻ con chúng tôi một cách kì lạ. Đứa nào đứa nấy coi tiếng ve như một âm thanh kì diệu, là một bản nhạc du dương của một nghệ sĩ tài ba biểu diễn mà khi nghe bất kể ai cũng không đặng rời đi.

Buổi trưa, đợi cho người lớn đi ngủ hết, chúng tôi chuẩn bị “đồ nghề” đi săn ve. Bộ đồ nghề gồm có một chiếc vợt cán thật dài, thêm một vỏ chai nước lọc rỗng để đựng ve. Lùng sục hết cây nhãn tới cây xoài rồi ra cây mít, cây ổi, đám trẻ con đi xuyên trưa, xuyên cả buổi chiều nắng gắt.

Cũng chẳng biết săn về để làm gì, nhưng đứa nào cũng ham, cũng thích thú. Một con, hai con, rồi cả chục con đầy ắp, ú ụ trong chai nước rỗng.

Có đứa còn để trong túi quần, túi áo. Lâu lâu thò tay lấy ra một chú ve, cầm ngang bụng và đợi chờ âm thanh rè rè phát ra. Chỉ có thế mà vui lạ lùng, mắt cười tít cả lên.

Mùa hạ ở xứ nhiệt đới là thiên đường của các loại trái cây. Này là nhãn, là vải, là xoài, là mận, là na, là cóc, là ổi, là chuối... Thật kì lạ, chúng tôi, lũ trẻ ngày xưa ấy, quả vườn nhà không ăn lại thích đi vặt trộm nhà hàng xóm.

Đứa nào đứa nấy đôi lần có những chiến tích hào hùng đi vặt trộm mà không bị phát hiện. Có lần trong lúc đang “tác chiến” gặp ngay chủ nhà bắt gặp, bị ăn đòn tại trận, về nhà lại thêm những chú lươn béo múp từ ba mẹ.

Nhưng những thế có hề hấn gì đâu. Nhoáng cái tự khắc quên nhanh một cách thần kì. Chỉ còn hương thơm ngọt ngào của vị quả trong khoang miệng, nụ cười lại tươi roi rói trên môi.

Buổi chiều nắng nóng lại rủ nhau xuống sông ngụp lặn với dòng nước mát rười rượi. Lũ trẻ quê cứ thế lớn lên cũng chẳng cần ai bầy bảo, ngụp lặn qua ngày này tháng khác cũng tự khắc biết bơi.

Dẫu có đi qua năm tháng, lớn lên tôi vẫn muốn trở về úp mặt vào dòng sông quê, như “Khúc hát sông quê” của nhà thơ Lê Huy Mậu: “Qua nửa đời phiêu dạt/ Con lại về úp mặt vào sông quê/ Ơi con sông dạt đao như tình mẹ/ Chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn.”

Nhắc tới mùa hạ không thể nhắc tới phi vụ thả diều. Còn nhớ, vào mỗi buổi chiều, ngược xuôi trên triền đê lộng gió, với những con diều tự làm, đám trẻ con hào hứng cầm trên tay thả chúng bay trên bầu trời. Đầu trần, chân đất, hò hét ầm ĩ, thi đua nhau xem diều ai bay cao hơn, bay được lâu hơn.

Thấy thích thú khi một sáng kiến của ai đó, treo lên cánh diều một chiếc vỏ lon bé xíu, gió luồn qua vỏ lon rỗng, vi vu vi vu như những nốt nhạc ngân nga.

Lúc mệt thì thảnh thơi gối đầu lên cỏ kể chuyện vui. Đó là khoảnh khắc đáng nhớ, diệu kì nhất mà bao nhiêu năm qua tôi vẫn cứ mong có ngày sẽ trở về...

Có thể với ai đó, sống ở quê là một sự thiếu thốn, nghèo đói nhưng với tôi, tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng.

Nếu được lựa chọn nơi mình sinh ra thì tôi vẫn muốn được sinh ra từ đồng ruộng, lũy tre làng, bờ giậu thân thương.

Bởi chẳng có nơi nào bao dung tôi như quê nhà. Cũng chẳng có thiên đường nào hạnh phúc như thiên đường mùa hạ tuổi ấu thơ. Đó là những dịu dàng, lấp lánh. Là một giấc mơ cổ tích có thật.

(Kiến thức gia đình số 19)

Xem thêm
Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm