| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 23/06/2018 , 07:11 (GMT+7)

07:11 - 23/06/2018

“Ngân sách là chùm khế ngọt”, “đấu thầu” cũng trở thành… nghề?

Trong tháng 6 này, Dân trí đã cung cấp cho bạn đọc thông tin về “góc tối” trong hoạt động đấu thầu dự án tại Bắc Giang, mà cụ thể ở đây là nạn thông thầu, là “quân xanh, quân đỏ”. 

Thậm chí, theo phản ánh của hai tác giả Anh Thế, Ngọc Hân, có một nghề gọi là “nghề trượt thầu”.

Ảnh mang tính minh họa

Cụ thể, báo cáo kết quả khảo sát việc chấp hành pháp luật về đấu thầu trong hoạt động đầu tư xây dựng các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2015-2017 do HĐND tỉnh này công bố cho thấy: Việc lựa chọn nhà thầu ở một số gói thầu còn mang tính hình thức.

Nhiều gói thầu, hồ sơ dự thầu thể hiện rõ “quân xanh, quân đỏ”, 2/3 nhà thầu dự thầu làm hồ sơ sơ sài, hình thức (không nộp hoặc đảm bảo dự thầu không hợp lệ, thiếu tài liệu chứng minh năng lực kinh nghiệm). Khi đánh giá hồ sơ dự thầu, các nhà thầu này bị loại ngay ở bước đánh giá tư cách hợp lệ và năng lực kinh nghiệm (là bước đánh giá sơ đẳng nhất trong hồ sơ dự thầu).

Cá biệt có một số nhà thầu chuyên đi dự thầu để trượt, có đủ năng lực kinh nghiệm để trúng thầu thực hiện ở một số gói thầu, nhưng lại làm hồ sơ dự thầu hết sức sơ sài, cố tình không nộp đủ hồ sơ đánh giá năng lực, kinh nghiệm dể bị loại ở các gói thầu có quy mô tính chất tương tự.

Cần lưu ý rằng, Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua từ cách đây 5 năm nhằm khắc phục những bất cập trong hoạt động đấu thầu, loại bỏ những nhà thầu kém chất lượng, tránh được những hệ quả tiêu cực so với chỉ định thầu.

Và sau đó, Nghị định số 63 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết về thi hành luật này cũng đã cho phép áp dụng hình thức đấu thầu điện tử để tạo ra sự minh bạch, chống các hiện tượng vẫn được gọi là “quân xanh, quân đỏ”, “phù rể, phù dâu”, “chân rết” trong đấu thầu.

Năm 2014, ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ KH&ĐT) thời điểm đó từng kỳ vọng, với Nghị định 63 và Luật Đấu thầu (sửa đổi) đi vào hiệu lực thì sẽ chấm dứt được việc “chỉ cần ngồi ở quán nước là biết hết hồ sơ như thế nào, ai trúng, ai mở thầu”.

Còn ông Bùi Quang Vinh khi đó là Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã cho biết, Luật Đấu thầu “bên cạnh việc phân cấp là quy định chặt chẽ về trách nhiệm bồi thường thiệt hại và giải trình, bị xử lý trách nhiệm cá nhân khi người có thẩm quyền trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu có sai phạm”.

Những người vi phạm về Luật Đấu thầu còn bị xử lý bằng các hình thức như cảnh cáo phạt tiền, cấm tham gia hoạt động trong lĩnh vực đấu thầu, truy cứu trách nhiệm hình sự và đối với cán bộ, công chức cũng bị xử lý theo luật định. “Luật không chừa trường hợp ngoại lệ nào”, ông Tăng nói như vậy (Báo Pháp luật TPHCM ngày 9/8/2014).

Ấy thế nhưng, cho đến nay, những khiếm khuyết đó vẫn là vấn đề nhức nhối, “đau đầu” trong công tác quản lý, trong việc chống lãng phí, thất thu, mà dẫn chứng sinh động nhất là tình trạng xảy ra tại Bắc Giang đã nêu ở trên (trong đó nhiều trường hợp xảy ra trong năm 2017).

Nói thẳng ra là chẳng những phớt lờ quy định pháp luật mà họ còn nhờn luật, coi thường cả luật pháp lẫn nhân dân và các tổ chức thanh tra khi tạo ra những vở kịch sắm vai sẵn, mà những đơn vị tham gia đấu thầu là những diễn viên lành nghề dù chẳng có chuyên môn.

Trong năm 2018 này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hơn một lần vẫn phải nhắc nhở vấn đề này với Bộ KH&ĐT. Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ 2018 của bộ này hồi tháng 1, Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh mạnh mẽ công tác đấu thầu để bảo đảm công khai minh bạch, đừng để mang tiếng trong đấu thầu, thi công công trình dự án, không để xảy ra tình trạng “quân xanh, quân đỏ”.

Đến tháng 4/2018, một lần nữa, người đứng đầu Chính phủ lại phải nhấn mạnh trước Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng rằng: Phải dẹp ngay tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, ngâm hồ sơ, hay tình trạng “có 300 lạng việc này mới xong”.

Không rõ, khi các văn bản luật pháp bị lờ đi, liệu có ai đó vẫn dám trái lệnh Thủ tướng nữa hay không? Ngoài Bắc Giang, tình trạng này liệu có diễn ra ở những địa bàn khác? Ngoài những gói thầu nhỏ như mở rộng trường mầm non xã, làm đường bê tông liên thôn… “quân xanh, quân đỏ” có xuất hiện ở những gói tiền “bạc tỷ” khác? Nếu có thì… thật dễ hiểu vì sao ngân sách mãi cứ phải co bên này, kéo bên kia vẫn không bao giờ đủ!