| Hotline: 0983.970.780

Ngang nhiên khai thác đất ruộng bán

Thứ Hai 24/11/2014 , 09:19 (GMT+7)

Mặc dù UBND huyện Thanh Chương (Nghệ An) không có chủ trương nhưng nhiều hộ dân trên địa bàn vẫn ngang nhiên múc đất ruộng bán cho các nhà máy sản xuất gạch. 

Điều đáng nói là chính quyền sở tại không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, mà còn...tiếp tay.

Theo phản ánh, đầu tháng 8/2014, một số hộ dân sinh sống tại khu vực đất lúa Khe Cựa thuộc địa phận xóm Tân Phong, xã Thanh Khai (huyện Thanh Chương) đã lợi dụng chủ trưởng dồn điền đổi thửa, cải tạo đồng ruộng để tiến hành khai thác đất ruộng đem bán cho các cơ sở sản xuất gạch.

Mặc dù đây là hành vi phạm nhưng sự việc diễn ra rất công khai. Hàng chục chiếc máy múc hoạt động ầm ĩ, khiến vùng quê vốn yên ắng trở nên ồn ào như một cái chợ. Con đường đất vốn đã xuống cấp nghiêm trọng nay lại bị cày xới, mỗi khi có xe tải chạy qua là bụi tung mù trời. Việc này đã gây ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của những người xung quanh.

“Cải tạo đất đai là việc của chủ đất và chính quyền, chúng tôi chỉ yêu cầu đơn vị thi công khi tiến hành múc đất thì phải tưới nước để giảm thiểu khói bụi, ô nhiễm nhưng họ cố tính lờ đi”, chị Nguyễn Thị Thảo (xóm Tân Phong) bực bội nói.

Tại hiện trường dễ dàng nhận thấy có khá nhiều diện tích đã bị cày xới nham nhở, lượng đất trên bề mặt ruộng lõm hẳn xuống so với những thửa ruộng xung quanh đến cả mét.

Sự việc dù rất nghiêm trọng nhưng ông Lê Xuân Lĩnh, trưởng xóm Tân Phong lại nghĩ khác: “Bà con muốn chỉnh trang đồng ruộng để phục vụ sản xuất là việc tốt, làm gì có chuyện mua bán gì ở đây, đơn giản là họ nhờ phương tiện của các nhà máy vào san lấp để tiết kiệm chi phí mà thôi”.

Mang những thắc mắc nói trên đến tìm gặp ông Võ Trọng Hòe, Chủ tịch UBND xã Thanh Khai thì được biết: "Thực chất diện tích ruộng nói trên thuộc quyền sở hữu của ông Văn Đình Dũng (trú tại xóm Tân Phong). Trước đó ông Dũng và một số hộ dân xóm Tân Phong có làm đơn xin được cải tạo đất, UBND xã đã giao cho cán bộ địa chính kiểm tra mặt bằng, xét thấy hợp lý nên đồng ý cho triển khai”.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi tiền bán đất do ai sử dụng, ông Hòe khẳng định chắc nịch: “Cái này do chủ ruộng và nhà thầu tính toán, xã không liên quan”.

Thế nhưng, ông Văn Công Thành, cán bộ địa chính xã Thanh Khai lại khẳng định: Ban kiểm tra sau khi tiến hành khảo sát thực trạng đã giao cho UBND xã ký kết hợp đồng với đơn vị thi công.

15-15-19_1

Cụ thể, tại hợp đồng giao thầu số 05, ký kết ngày 18/7/2014 giữa UBND xã Thanh Khai (Bên A) và ông Nguyễn Duy Hải – Phó Giám đốc Công ty CP Xây dựng Sơn Hà (Bên B) có nội dung như sau: Bên B nhận cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng tại khu vực Cửa Khe, xóm Tân Phong với diện tích 4.500m2, tổng khối lượng 1.500m3, giá trị hợp đồng là 9 triệu đồng…

Trước những chứng cứ trên, ông Hòe mới chính thức thừa nhận: Số tiền trên chúng tôi đưa vào quỹ để sau này sửa chữa cầu cống, nâng cấp, cải tạo môi trường.

"Về nguyên tắc, quy định hiện hành không cho phép UBND xã được phép bán đất. Việc chính quyền địa phương lợi dụng chủ trương cải tạo ruộng đồng để trục lợi là không đúng luật", ông Đặng Văn Hà, Chánh Văn phòng Sở TN- MT.

Không riêng xã Thanh Khai khai thác đất ruộng bán trái phép mà hàng loạt xã khác cũng tự ý làm như vậy. Theo một cán bộ địa chính xã Ngọc Sơn thì trên địa bàn có 3 hộ làm đơn xin cải tạo 4.500m2 đất ruộng, nhưng phía UBND huyện thấy bất cập nên không lập đề án triển khai.

Điều đó đồng nghĩa với việc chính quyền xã và người dân tự ý làm.

Đích thân ông Nguyễn Thế Đồng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn đã thừa nhận: “Vì muốn thu hồi lại một phần chi phí thuê nhân công trước đó nên chúng tôi đã đồng ý cho người dân múc đất bán, đây là thiếu sót của xã trong công tác quản lý”.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở xã Thanh Ngọc, Thanh Đồng và Thanh Phong.

Thực tế thì việc cải tạo đồng ruộng để nâng cao hiệu quả sản xuất là chủ trương đúng đắn, nhưng vin vào đó để khai thác đất nông nghiệp bán là hành vi sai trái. Các hộ dân thiếu sót là một nhẽ, nhưng việc chính quyền sở tại làm ngơ lại là vấn đề khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Ngọc Thành, Trưởng phòng TN- MT huyện Thanh Chương kết luận: “Huyện không có chủ trưởng, các xã tự ý cho khai thác rồi bán đất là hành vi sai trái. Chúng tôi đã gửi công văn đến các địa phương, chỉ đạo phải chấm dứt ngay tình trạng này”.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.