| Hotline: 0983.970.780

Ngành bán lẻ TP.HCM kỳ vọng tăng trưởng ở hai con số

Thứ Sáu 02/04/2021 , 08:02 (GMT+7)

Cùng với tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 3 tháng đầu năm 2021 của TP.HCM tăng 6,2% so với cùng kỳ.

 

Ngày 1/4, Sở Công thương TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại trên địa bàn TP.HCM quý I/2021 và nhiệm vụ trọng tâm quý II/2021.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, lũy kế 3 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 279.045 tỷ đồng, tăng 6,2% so cùng kỳ. Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 12,0% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 56,09% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, UBND TP.HCM đã ban hành các Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm cao su - nhựa; cơ khí - tự động hóa và chế biến lương thực - thực phẩm TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030.

Đồng thời, nhằm hỗ trợ phát triển thị trường (trong nước và xuất khẩu), UBND TP.HCM cũng đã phê duyệt Đề án “Phát triển thương mại điện tử trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; “Đề án Phát triển ngành logistics trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; “Đề án Phát triển xuất khẩu trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Tuy nhiên, đây chỉ là tín hiệu tăng trưởng ban đầu. Do đó, Giám đốc Sở Công thương cho rằng, sắp tới đơn vị cần phải làm rất nhiều việc để xúc tiến các hoạt động thương mại, sản xuất trên địa bàn TP.HCM. “Bên cạnh việc tổ chức công tác phòng chống dịch Covid-19 ở các cơ sở sản xuất, trung tâm hoạt động thương mại, thì Sở Công thương TP.HCM sẽ tiếp tục liên kết sâu hơn với các tỉnh thành trong chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho thị trường rộng lớn TP.HCM.

Qua đó, giúp các doanh nghiệp ở các địa phương gặp gỡ các doanh nghiệp, tiểu thương, hộ kinh doanh ở chợ đầu mối của TP.HCM để tương tác một cách trực diện, cùng dự báo về thị trường cũng như chuẩn bị hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của TP.HCM cũng như hàng hóa của TP.HCM cung cấp cho thị trường cả nước.

Bên cạnh đó, Sở Công thương TP.HCM khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong những đợt tổ chức khuyến mãi bằng những thủ tục nhanh chóng thuận lợi. Đặc biệt, tổ chức các đợt khuyến mãi tập trung để từ đó người tiêu dùng có thể mua được những sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý, còn người bán có thể bán được những đơn hàng lớn”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho hay.

Đối với ngành bán lẻ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM kỳ vọng năm 2021, tăng trưởng ở hai con số, trong đó thương mại điện tử tiếp tục là điểm sáng của thương mại trên địa bàn TP.HCM với hệ thống 237 chợ truyền thống, 3 chợ đầu mối, 238 siêu thị, 46 trung tâm thương mại và 2.735 cửa hàng bán lẻ. Cùng với đó là hệ sinh thái về thương mại điện tử và ứng dụng số trong hoạt động thương mại.

Về kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp TP.HCM qua cửa khẩu cả nước trong 3 tháng đầu năm 2021 đạt 10,73 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ; trong đó kim ngạch xuất khẩu (không tính dầu thô) ước đạt 10,58 tỷ USD, tăng 5,8%. Còn kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp TP.HCM qua cửa khẩu Thành phố (không tính dầu thô) đạt 8,69 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm 2021, giảm 4,5% so với cùng kỳ.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho rằng, nguyên nhân xuất khẩu giảm do đại dịch Covid-19 vẫn tác động lớn đến các nước đối tác xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố. Trong đó, xuất khẩu vào Hoa Kỳ (thị trường lớn thứ 2, chiếm tỷ trọng 14,9% kim ngạch xuất khẩu) ước giảm 17,3% so với cùng kỳ; xuất khẩu vào EU (thị trường lớn thứ tư, chiếm tỷ trọng 13,2% tỷ trọng xuất khẩu) ước giảm 0,1% so với cùng kỳ.

Cũng theo Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, những giải pháp để khuyến khích kích cầu đầu tư, mở rộng quỹ đất sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút mạnh mẽ nguồn vốn từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư phát triển nhanh, hiệu quả... là giải pháp tổng thể thực hiện cho cả khu vực thương mại và xuất nhập khẩu.

Sở Công thương TP.HCM cho biết, đã đề xuất UBND TP.HCM đề án “Phát triển ngành logistics trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nghiên cứu thành lập 7 trung tâm logistics gồm:

Trung tâm Logistics Long Bình, Trung tâm Logistics Cát Lái, Trung tâm Logistics Linh Trung, Trung tâm Logistics Khu Công nghệ cao, Trung tâm Logistics Tân Kiên, Trung tâm Logistics Hiệp Phước, Trung tâm Logistics Củ Chi với tổng diện tích 623ha để tăng cường kết nối tỉnh/thành, nâng cao năng suất trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu.

Đồng thời làm trung tâm phân phối, hỗ trợ cho hệ thống bán lẻ và TMĐT nội thành, kéo giảm ùn tắc giao thông. Ngoài ra, còn có 2 trung tâm logistics sẽ được rà soát, triển khai bổ sung tại khu đất 150 ha ở xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn và khu đất 64 ha tại cảng Phú Định (phường 16, quận 8).

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tiến Nông được bình chọn là thương hiệu mạnh ASEAN 2024

Với sự ghi nhận này, Tiến Nông tự tin vươn tầm khu vực, trở thành thương hiệu của nông dân ASEAN.