| Hotline: 0983.970.780

Ngành bông nỗ lực bật dậy

Thứ Ba 13/04/2010 , 10:34 (GMT+7)

Không chịu bó tay trước gian khó, ngành bông Việt Nam đang nỗ lực tập trung khôi phục lại vị thế của cây bông.

Những năm qua, cây bông vải tại các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên bị sa sút thảm hại, làm thế nào để cây bông vải lấy lại niềm tin của người dân nơi đây là cả câu chuyện dài. Không chịu bó tay trước gian khó, ngành bông Việt Nam đang nỗ lực tập trung khôi phục lại vị thế của cây bông.

Chính sách mới

Có thể nói cách đây chục năm diện tích bông của Việt Nam phát triển rất mạnh, diện tích lên tới vài chục ngàn ha. Tuy nhiên cây bông chỉ “hưng thịnh” được vài năm là đã bắt đầu tụt dốc mà nguyên nhân thì ai cũng thấy do năng suất và giá thu mua thấp, không cạnh tranh được với cây trồng khác. Đỉnh điểm của sự sa sút này là những năm 2007, 2008, diện tích bông “teo tóp” lại chỉ còn vài ba nghìn ha. Thiếu nguyên liệu các nhà máy bông trên địa bàn miền Trung – Tây Nguyên hầu như đóng cửa, hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên đến năm 2009, diện tích bông đã “bật dậy” mạnh mẽ, tổng diện tích bông đã đạt 8.600ha. Nguyên nhân không phải do năng suất bông tăng hay giá thu mua có “đột biến” mà là năm qua, người trồng bông đã được hỗ trợ toàn bộ nguồn bông giống.

Ông Trần Anh Hào, Tổng Giám đốc Cty CP Bông Việt Nam cho biết: Những năm qua thực là khó khăn với ngành bông chúng tôi. Để người dân quay lại với cây bông thì không còn cách nào khác là phải có chính sách và giá thu mua bông hợp lý cho người nông dân. Theo kế hoạch của Cty CP Bông Việt Nam thì vụ mùa năm nay, kế hoạch của toàn ngành bông là phát triển vùng nguyên liệu từ 11.000 – 12.000ha, trong đó tỉnh Bình Thuận diện tích bông dự kiến 4.000ha, tại các tỉnh Tây Nguyên (gồm ba chi nhánh Bông Tây Nguyên, Nha Trang và Gia Lai) diện tích đạt 7.000 – 7.500ha và Quảng Nam dự kiến khoảng 1.000ha.

Để thực hiện kế hoạch khá “hoành tráng” này, mặc dù đến tháng 7 mới vào vụ gieo trồng, nhưng ngành bông đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích nông dân. Cụ thể, nâng giá thu mua từ 9.000đồng/kg bông hạt năm 2009 lên 10.500 đồng/kg trong năm nay. Theo ông Hào, dự báo năm nay giá bông thế giới sẽ ở mức 1,6USD/kg bông xơ, với tỷ lệ 2,5 – 2,7kg bông hạt được 1kg bông xơ, do vậy mức giá này đã “đụng trần”, khó có thể cao hơn được nữa. Bên cạnh đó ngành bông còn hỗ trợ cho người nông dân 50% tiền mua bông giống. Theo đó mỗi ha bông cần 5kg, với mức giá 135.000 đồng/kg hạt bông lai thì người dân được hỗ trợ khoảng 350.000 đồng/ha, nếu trồng bông thuần thì được hỗ trợ 180.000 đồng/ha (giá bông thuần giống 70.000 đồng/kg). Ngoài ra người trồng bông còn được đầu tư 2,5 triệu đồng tiền mua phân bón, vật tư, được hỗ trợ kỹ thuật và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm… Bên cạnh đó ngành bông còn thay đổi cơ cấu giống bông. Những năm qua chỉ chú trọng phát triển cây bông lai mà “quên” mất giống bông thuần. Thực tế, tại những vũng đất xấu thì phát triển cây bông thuần là rất cần thiết bởi không những giảm chi phi cho người nông dân mà những vùng này cây bông thuần cho năng suất không hề thua kém cây bông lai.

Xây dựng mô hình và nghiên cứu giống

Tuy nhiên đấy mới là các chính sách trước mắt, để cây bông phát triển bền vững thì không gì khác là phải đưa được các giống bông mới có năng suất cao vào sản xuất, đồng thời phải có hạ tầng kỹ thuật cho cây bông. Trong vụ mùa năm 2009, Viện nghiên cứu Bông và phát triển nông nghiệp Nha Hố và Cty CP Giống cây trồng Nha Hố (Ninh Thuận) đã tiến hành thử nghiệm phát triển mô hình bông trang trại với quy mô khoảng 15ha/trang trại.

Những mô hình bông này được đầu tư hạ tầng kỹ thuật đảm bảo (hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, kỹ thuật chăm sóc đầy đủ), kết quả cho thấy năng suất suất đạt gần 3 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, mỗi ha bông còn lãi 13 – 14 triệu đồng. Thời gian sinh trưởng từ ngày xuống giống đến thu hoạch xong khoảng 4 tháng, nếu so với các loại cây trồng khác thì hiệu quả cũng không hề thua kém.

Lợi thế của cây bông là mức đầu tư thấp, loại cây này trồng được ở các vùng đất xấu, cằn cỗi và đặc biệt là chống chịu hạn tốt. Tuy nhiên cây bông là loại cây đòi hỏi kỹ thuật, đặc biệt là tốn rất nhiều công trong khâu thu hoạch.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bông & PTNN Nha Hố cho biết: Từ kết quả này cho thấy nếu bông có nước tưới đầy đủ và được chăm sóc tốt thì năng suất sẽ rất cao. Cuối năm 2009, chúng tôi đã xây dựng một trang trại có quy mô 23ha tại xã Lương Sơn, huyện Ninh Sơn chuyên sản xuất bông, trang trại này được đầu tư đầy đủ thủy lợi cũng như hạ tầng kỹ thuật. Dự kiến đến vụ mùa năm nay chúng tôi sẽ tiến hành trồng bông. Mục đích của mô hình là để nghiên cứu, tham quan học hỏi và từ kết quả có được chúng tôi hy vọng sẽ nhân rộng mô hình này ra nhiều nơi.

Thực tế giống bông của Việt Nam vẫn còn rất “nghèo”, trước nay chỉ loanh quanh có mấy giống cơ bản, giống vừa thiếu lại được trồng ở những vùng thiếu nước nên năng suất bông chỉ đạt trên 1 tấn/ha. Anh Đặng Minh Tâm, Trưởng phòng Nghiên cứu di truyền và chọn giống, Viện Nghiên cứu Bông & PTNN Nha Hố cho biết: Mặc dù cây bông thoái trào nhưng chúng tôi vẫn tập trung nghiên cứu, lai tạo để chọn ra những giống bông tốt nhất phục vụ sản xuất. Kết quả là giống bông lai VN04 – 3, VN04 – 4 đã được Bộ NN - PTNT công nhận là giống quốc gia trong tháng 1/2010. Những giống bông này đều sinh trưởng khỏe, quả to, tỷ lệ xơ cao, chất lượng xơ tốt thuộc nhóm I, kháng rầy, kháng sâu đục quả cao. Năng suất tiềm năng của 2 giống bông này đạt từ 3,5 – 4 tấn/ha. Trong vụ bông năm nay, hai giống bông này sẽ được “phủ” trên diện rộng, chiếm khoảng 60% diện tích bông của cả nước.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 3] Thời cơ cho vùng nắng gió

UBND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành chiến lược phát triển chăn nuôi nói chung, yến nói riêng đến 2030 tầm nhìn 2045, mở ra cơ hội phát triển nghề yến vùng nắng gió này.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Thủ phủ cam Cao Phong tái canh để cứu cây đặc sản

Cao Phong, Hòa Bình từng là thủ phủ cam nổi tiếng của miền Bắc nhưng khi giá bán hạ, bệnh phát sinh khiến địa phương này phải tính đến bài toán tái canh.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.