| Hotline: 0983.970.780

Ngành chăn nuôi đối mặt với thách thức chưa từng có

Thứ Ba 09/09/2008 , 10:50 (GMT+7)

Ngành chăn nuôi nước ta đang đứng trước những tồn tại và thách thức lớn trong thời điểm hiện nay. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng ngành chăn nuôi 6 tháng đầu năm chỉ đạt 0,03%, nghĩa là gần như không có tăng trưởng.

Ngành chăn nuôi nước ta đang đứng trước những tồn tại và thách thức lớn trong thời điểm hiện nay. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng ngành chăn nuôi 6 tháng đầu năm chỉ đạt 0,03%, nghĩa là gần như không có tăng trưởng.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng ngành chăn nuôi 6 tháng đầu năm chỉ đạt 0,03%

Từ tháng 8/2009 đến nay, giá con giống và sản phẩm liên tục giảm mạnh, nhiều hộ chăn nuôi bị thua lỗ, giảm hiệu quả. Tại thời điểm tuần đầu tháng 9/2008, giá gà lông trắng 1 ngày tuổi chỉ đạt 5.000-5.500 đ/con; gà lông màu 3.000-3.500 đ/con, thấp hơn cả giá thành sản xuất. Giá các sản phẩm đã giảm từ 5-11% từ đầu năm đến nay: giá gà thịt công nghiệp từ 23.000-25.000/kg, giá lợn hơi từ 30.000-35.000 đ/kg. Những tồn tại và thách thức đối với ngành chăn nuôi nước ta hiện nay theo chúng tôi có 5 vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất là dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Trong 8 tháng đầu năm 2008, dịch cúm gia cầm đã tái phát tại 74 xã thuộc 51 huyện, quận, thị xã của 27 tỉnh, thành phố. Số gia cầm chết và tiêu hủy là 75.170 con. Dịch tai xanh đã bùng phát trên 953 xã thuộc 59 huyện của 25 tỉnh. Số lợn mắc bệnh là 308.901 con, chết và tiêu hủy 299.988 con. Dịch bệnh đã gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi, làm tăng chi phí sản xuất (phòng chống dịch) và nguy cơ tái phát các bệnh dịch này còn rất cao.

Thứ hai là lạm phát. Từ cuối 2007, Việt Nam đã rơi vào cuộc lạm phát phi mã và kéo dài từ đó đến nay. Lạm phát trước hết làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng. Hệ quả là trong khi mọi mặt hàng đều tăng giá thì trong những tháng gần đây, giá thực phẩm lại đi xuống và giảm từ đầu năm đến nay từ 5-11% tùy theo mặt hàng làm cho người chăn nuôi càng thêm thiệt thòi. Lạm phát còn làm tăng giá đầu vào, trước hết là tăng giá thức ăn chăn nuôi. Từ giữa năm 2007 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng chóng mặt. Giá ngô 6 tháng đầu năm 2008 đã tăng 18,7% so với 6 tháng đầu năm 2007, khô dầu đậu tương tăng 80%, lysine tăng 27,7%, metionine từ 125,9%, v.v… Thức ăn hỗn hợp cho gà broiler hiện lên đến 9.000 đ/kg, tăng 48,8%, hỗn hợp thức ăn lợn thịt tăng 33,1%... Nguyên nhân do giá nguyên liệu thế giới tăng và một phần ngũ cốc đang được chuyển sang sản xuất ethanol. Chúng ta phải nhập phần lớn nguyên liệu từ nước ngoài do năng suất một số cây trồng của chúng ta còn quá thấp như ngô, đậu tương và nhiều nguyên liệu chưa sản xuất được như các premix khoáng, vitamin… sẽ còn là hạn chế và thách thức lâu dài đối với ngành chăn nuôi nước ta. Giá đầu vào còn tăng ở các chi phí khác như giá nhân công thuê, giá điện, dầu, thuốc thú y, chất đệm lót… càng làm tăng giá thành chăn nuôi.

Thứ ba là thắt chặt tín dụng. Với tín dụng thương mại, do lạm phát, Chính phủ đã chủ trương thắt chặt tín dụng và đầu tư. Từ tháng 3/2008 đến nay, gần như các ngân hàng thương mại không cho vay vốn mà chỉ thu hồi vốn. Nếu có vay được thì chỉ là số rất ít và lãi suất quá cao: 20-21%/năm. Trong những ngày gần đây, các ngân hàng thương mại luôn nói giảm lãi suất (nhưng vẫn cao là 20%/năm) và đủ vốn cho vay nhưng trên thực tế vay vốn vẫn rất khó khăn. Nhiều trang trại chăn nuôi phải bỏ trống chuồng do thiếu vốn chăn nuôi và lãi suất cao làm chăn nuôi không còn lãi nữa.

Các ngân hàng đã thắt chặt cho vay tín dụng và đầu tư

Về tín dụng đầu tư: Theo Nghị định 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 của Chính phủ thì ngành chăn nuôi trang trại và chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm được vay tín dụng đầu tư từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam, nhưng trên thực tế thì các trang trại gần như không tiếp cận được nguồn vốn này. Chúng tôi đã có buổi làm việc (tháng 5/2008) với Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh tỉnh Hà Tây (cũ) thì được biết, từ ngày ban hành Nghị định đến nay (hơn một năm) không có một trang trại chăn nuôi nào ở Hà Tây được vay vốn cả!

Thứ tư là thiếu điện. Các trang trại nuôi quy mô lớn, công nghiệp phải thiết kế chuồng trại theo hệ thống chuồng kín, chăn nuôi hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn điện cung cấp. Thiếu điện trong những tháng gần đây đã làm nhiều trang trại bị cắt luân phiên, có khi tới 3-4 ngày/tuần. Các trang trại nuôi chuồng kín bị cắt điện đã phải mua thêm máy phát, nhưng giá dầu liên tục tăng và cũng không thể chạy hoàn toàn bằng máy phát do công suất chăn nuôi lớn và thiết kế ban đầu theo hệ điện công nghiệp. Tại Hợp tác xã chăn nuôi và dịch vụ Cổ Đông (Hà Tâycũ), trong 3 tháng 5-7/2008, do mất điện đã làm chết nóng hơn 3.000 lợn thịt và 15.000 gà. Thiếu điện sẽ còn là nguy cơ lâu dài đối với chăn nuôi trang trại, tập trung.

Thứ năm là cạnh tranh gay gắt với sản phẩm nhập khẩu. Kể từ khi gia nhập WTO, các sản phẩm chăn nuôi đã phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ trong 6 tháng đầu năm, đã nhập vào nước ta (chủ yếu là thành phố Hồ Chí Minh) trên 3.000 tấn, chủ yếu là đùi, cánh gà từ Braxin, Achentina, Hoa Kỳ…, với giá nhập về chỉ từ 1,1-1,3 USD/kg. Sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài (hiện đang chịu thuế nhập khẩu 12%) đã và đang tạo áp lực rất lớn đối với ngành chăn nuôi hàng hóa nếu sau này theo lộ trình, hàng rào thuế quan từng bước bị dỡ bỏ.

Ngành chăn nuôi nào sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất? Với 5 thách thức trên, trong đó nổi bật là lạm phát, thắt chặt tín dụng và thiếu năng lượng là những nguyên nhân tác động mạnh nhất thì ảnh hưởng trước hết và nhiều nhất là đến chăn nuôi trang trại, chăn nuôi hàng hóa đối với lợn, gà broiler, gà đẻ, vịt đẻ công nghiệp là những nhóm ngành chăn nuôi sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp, nuôi công nghiệp chuồng kín và cần nhiều vốn đầu tư mà các nhóm ngành này đang là những hình thức mà chúng ta đang khuyến khích đầu tư, mở rộng. Những khó khăn này có thể còn kéo dài, theo nhận định của nhiều chuyên gia, sẽ còn kéo dài ít nhất đến 2010.

Ngược lại, các giống gia súc ăn cỏ, hình thức chăn nuôi nông hộ, nuôi thả vườn, chăn nuôi vịt, trong đó có nuôi vịt chạy đồng ít bị ảnh hưởng hơn trong tình hình hiện nay. Đây có thể coi là lợi thế so sánh và thể hiện tính bền vững của nhóm ngành chăn nuôi này trong những thời điểm khác nhau.

Những vấn đề trên đòi hỏi những nhà quản lý, người chăn nuôi cần nhìn nhận rõ bản chất vấn đề, thấy hết những khó khăn, tồn tại để có những giải pháp cấp bách, thiết thực trong việc hoạch định chính sách và lựa chọn hình thức đầu tư chăn nuôi hiệu quả, khắc phục những bất lợi của những khó khăn, thách thức có thể nói còn kéo dài đối với ngành chăn nuôi nước ta.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất