| Hotline: 0983.970.780

Ngành đường của ai?

Thứ Sáu 09/04/2010 , 07:15 (GMT+7)

Lâu nay có một thực tế mà nhiều người tuy biết nhưng không nói ra hoặc nói cũng chỉ trên bàn nhậu, chứ ít khi đề cập trong các cuộc hội họp là ngành đường rất khó đi vào "quỹ đạo" vì đang bị một số người thao túng. Người ta thao túng từ việc mua mía đến giá bán đường...

Đặt ra câu hỏi này có vẻ hơi lạ. Nhưng chỉ trả lời được câu hỏi vừa nêu chúng ta mới lý giải được thực trạng ngành đường, và quan trọng hơn là bàn biện pháp thay đổi nó.

Mới đi vào SX công nghiệp quy mô lớn từ khoảng 15 năm nay nhưng ngành mía đường có vô khối vấn đề. Trước hết, dù đường luôn có tên trong nhóm các mặt hàng nhu yếu phẩm, nhưng hiện đang rất thiếu vắng những chính sách đối với mía đường, nhất là những chính sách có thể giúp NM và người trồng mía “chung sống” được với nhau. Khi thiếu đường, thay vì tập trung giải quyết bài toán về quy hoạch vùng nguyên liệu, giống mía, năng suất mía, công nghệ ép đường…để nâng cao sản lượng đường trong nước, thì quota NK luôn sẵn sàng được mở ra. Mà với các nước, đường luôn là mặt hàng bị đầu cơ, chi phối bởi các nhà tài phiệt. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của ngành mía đường trong nước.

Bên cạnh đó, mối quan hệ luôn trong tình trạng lúc “nóng”, lúc “lạnh” giữa cây mía với hạt đường cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự mất ổn định của cả ngành. Trong đó, tác nhân chính vẫn là việc tính gía thu mua mía. Theo Hiệp hội Mía đường, nhiều năm nay một công thức tạm gọi là chuẩn được dùng để tính giá mía là 1 tấn mía = 60 kg đường, hay nói cách khác, giá mía bằng 60% giá đường xuất xưởng chưa tính thuế VAT. Thế nhưng trên thực tế, nhiều NM vẫn thường áp giá mía một cách tuỳ tiện. Tuy nhiên, ngay cả khi đã áp dụng đúng công thức trên, thì nông dân vẫn không thể hài lòng. Bởi các NM thường chỉ tính riêng phần chi phí cho hạt đường mà cố tình lờ đi những nguồn thu lợi từ sản phẩm phụ như mật rỉ, bã bùn, bã mía…

Lâu nay có một thực tế mà nhiều người tuy biết nhưng không nói ra hoặc nói cũng chỉ trên bàn nhậu, chứ ít khi đề cập trong các cuộc hội họp là ngành đường rất khó đi vào "quỹ đạo" vì đang bị một số người thao túng. Người ta thao túng từ việc mua mía đến giá bán đường. Ở một số tỉnh Nam bộ, rất ít khi các NM đường trực tiếp thu mua nguyên liệu mía mà thường thông qua các lái mía (cũng như lái lúa, lái heo, lái cá...).

Có người nói tại ĐBSCL, thương lái là lực lượng không thể thiếu trong hoạt động thu mua nông sản nên sự có mặt của lái mía cũng là bình thường. Nhưng nó không bình thường ở chỗ chính các NM bắt tay hoặc "bật đèn xanh" cho thương lái mua mía của dân trong khi NM đường hoàn toàn đủ điều kiện làm việc này. Lý do, đây chính là cách san sẻ lợi nhuận giữa 2 bên (thương lái mua mía giá thấp bán lại cho NM với giá cao hưởng chênh lệch). Bởi nhiều lái mía sau khi điều tra ra thì họ lại là người có "dây mơ rễ má" với lãnh đạo NM đường.

Cây mía như vậy, còn làm ra hạt đường thì NM cũng ít khi bán trực tiếp cho người tiêu dùng mà thường qua vài ba cấp đại lý. Công bằng mà nói, không NM đường nào có đầy đủ hệ thống bán lẻ để cung ứng hạt đường đến tận tay người dân nhưng ngay cả các hộ tiêu thụ đường lớn như NM bánh kẹo, nước ngọt, sữa...cũng ít khi mua được đường ngay tại cổng NM mà thường phải đi qua vài Cty thương mại chuyên bao thầu tiêu thụ đường. Có lãnh đạo NM đường khá lớn ở phía Bắc còn lập một Cty con (theo dư luận đồn đại thì Cty con của người nhà vị lãnh đạo NM) để bán đường ra thu chênh lệch. Điệp khúc phổ biến của NM này là khi khách hàng hỏi mua thì nói hết đường hoặc "hét" với giá cao để người mua phát hoảng mà bỏ đi.

Ngay thời điểm sát Tết Nguyên đán vừa qua khi giá đường không chỉ sốt sình sịch mà lượng đường còn khan hiếm thì Cty liên doanh Bánh kẹo Hải Hà- Kotobuki liên hệ với hầu hết các NM đường có tên tuổi ở miền Bắc đều không mua được đường, nhưng thông qua các Cty thương mại thì hầu như lúc nào cũng có đường- đương nhiên giá mua sẽ cao hơn. Có ý kiến cho rằng nếu liên minh "bộ ba": NM- Cty thương mại- đại lý thống nhất làm một thì thị trường đường hoàn toàn bị rơi vào tình trạng thao túng, giá đường không phản ánh đúng giá trị thực của nó.

Tuy nhiên, "bộ ba" nói trên chỉ là phần nổi của tảng băng mía đường, quyền lực lớn nhất đang chi phối ngành đường chính là những đại gia nắm giữ nhiều cổ phiếu tại các NM đường. Mấy năm trước, khi bắt đầu tiến hành CPH ngành đường, nhà nước đã có chủ trương gắn nông dân với các NM bằng cách tạo điều kiện để nông dân có thể làm cổ đông của NM đường. Tuy nhiên, do hầu hết nông dân trồng mía đều không có thông tin, vốn liếng, kinh nghiệm kinh doanh nên vừa CPH xong, cổ phiếu của các NM đường đã rơi hết vào tay các “đại gia”. Hiện không dễ tìm thấy tên tuổi ông, bà nông dân nào đang nắm trong tay cổ phiếu của bất kỳ một NM đường nào.

Theo nhận định của GS.TS Võ Tòng Xuân, người vừa có chuyến đi xuyên Việt để khảo sát về thực trạng mía đường, thì quan hệ “mía” – “đường” vẫn đang trong tình trạng “thủ thế” với nhau.

Theo thông tin trong ngành đường, đại gia đang nắm nhiều cổ phiếu nhiều nhất trong ngành đường có lẽ là một lãnh đạo Cty Thành Thành Công (bà này là vợ Chủ tịch HĐQT một ngân hàng TMCP tầm cỡ). Hiện nay, Cty Thành Thành Công đang nắm khoảng 50% cổ phần của Cty CP đường Biên Hoà, khoảng 20-25% cổ phần của Cty Đường Bourbon và gần 100% cổ phần của Cty đường Ninh Hoà…Và theo nhận định của một số chuyên gia mía đường, những “đại gia” như Thành Thành Công hiện đang là lực lượng thứ nhất chi phối thị trường đường trong nước. Lực lượng chi phối thứ 2 là những doanh nhân Ấn Độ đang đầu tư SXKD đường ở Việt Nam. Hiện tại, họ đang có hai Cty với công suất lớn là NIVL và KCP, nhưng cũng đang nắm cổ phần ở nhiều Cty, NM đường khác.

Lực lượng chi phối thứ 3 là giới buôn lậu đường ở biên giới Tây Nam. Lực lượng này luôn có rất nhiều mánh khoé để đưa đường nhập lậu vào sâu trong thị trường nội địa, làm ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường đường trong nước. Theo bà Phạm Thị Sum- Chủ tịch HĐQT Cty CP đường Biên Hoà, một mánh khoé mà giới buôn lậu đường ở biên giới Tây Nam đang thực hiện là tung quân đi thu gom bao bì đựng đường thành phẩm của các NM trong nước với giá cao rồi đóng đường Thái Lan vào để qua mặt các cơ quan chức năng.

Sau khi điểm mặt 3 lực lực nói trên, nhất là 2 lực lượng đầu, một chuyên gia mía đường đã cho rằng việc các NM đường thường xuyên kêu lỗ, phần lớn chưa chắc đã là thật. Bởi chẳng dại gì mà những “đại gia” thương mại trong nước như Thành Thành Công hay các doanh nhân Ấn Độ (vốn rất sành sỏi trong lĩnh vực mía đường) lại mặn mà với việc làm cổ đông lớn của nhiều Cty, NM đường đến thế, nếu như sản xuất đường thường xuyên bị lỗ.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất