| Hotline: 0983.970.780

Ngành Thanh tra quyết tâm thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm

Thứ Hai 23/11/2020 , 09:27 (GMT+7)

Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban Thanh tra Đặc biệt, đánh dấu cho sự ra đời của ngành Thanh tra Việt Nam.

Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái.

Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái.

Từ đó đến nay, với nhiều tên gọi khác nhau như: Ban Thanh tra Chính phủ (1949-1954), Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ (1955-1960), Ủy ban Thanh tra của Chính phủ (1961-1983), Ủy  ban Thanh tra Nhà nước (1984-1989), Thanh tra Nhà nước (1990-2004), Thanh tra Chính phủ (từ 2004 đến nay), Thanh tra Việt Nam không ngừng phấn đấu vươn lên, ngày càng lớn mạnh, trưởng thành để đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngay sau khi được thành lập, Ban Thanh tra Đặc biệt đã triển khai nhiều nhiệm vụ giám sát công việc và nhân viên của một số Ủy ban nhân dân địa phương và cơ quan của Chính phủ, xem xét nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo của nhân dân, qua đó chấn chỉnh được những yếu kém, khuyết điểm trong hoạt động của UBND, xử lý kỷ luật những trường hợp vi phạm và minh oan, trả tự do cho những người bị oan sai, góp phần giữ vững kỷ cương phép nước, củng cố lòng tin của nhân dân với chính quyền cách mạng.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1954), các tổ chức Thanh tra đã tập trung thanh tra việc thực hiện chính sách giảm tô, giảm tức, huy động công dân tích cực phục vụ tiền tuyến, công tác quản lý tài chính ở một số cơ quan hậu cần quân đội, công tác thống nhất quản lý ngân sách, thu hồi các quỹ ở tỉnh thuộc liên khu Việt Bắc, liên khu IV...

Hoạt động thanh tra đã giúp Trung ương Đảng và Chính phủ xem xét việc chấp hành chủ trương, chính sách ở bên dưới, ngăn ngừa những lệch lạc có thể xảy ra, đấu tranh chống các tệ nạn quan liêu, tham ô, lãng phí, củng cố tốt mối quan hệ trên dưới trong quân đội, mối liên hệ quân dân, góp phần đáng kể vào việc động viên nhân dân ra sức sản xuất, bảo đảm đời sống, huy động sức người, sức của cho tiền tuyến.

Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1954 - 1975), công tác thanh tra bám sát những nhiệm vụ cấp thiết, phục vụ kịp thời sự lãnh đạo của Đảng và của Chính phủ trong việc khôi phục chiến tranh, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng dân tộc, chống Mỹ cứu nước ở miền Nam.

Tại Hội nghị tổng kết công tác Thanh tra toàn miền Bắc tháng 4 năm 1957, Hồ Chủ tịch đã phân tích tầm quan trọng của công tác thanh tra, yêu cầu các cấp chính quyền cũng như các cấp bộ Đảng phải giúp đỡ cho cán bộ thanh tra làm tròn nhiệm vụ.

Người chỉ rõ: Thái độ, phẩm chất của người thanh tra là phải có đạo đức cách mạng, cẩn thận, khách quan, chống quan liêu; “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”.

Sau khi miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, ở miền Nam, các tổ chức thanh tra nhanh chóng được thành lập. Ngành Thanh tra tập trung thực hiện nhiệm vụ chống tiêu cực, chống quan liêu, cửa quyền nhằm phát hiện và xử lý các tiêu cực trong quản lý kinh tế và xã hội.

Nhiều cuộc thanh tra chuyên đề về quản lý kinh tế - xã hội được triển khai, góp phần đáng kể vào việc khắc phục, ngăn chặn hiện tượng tiêu cực nảy sinh, đồng thời, phát hiện những nhân tố mới, những điển hình mới trong phát triển kinh tế - xã hội, đã kịp thời kiến nghị với Đảng và Nhà nước hoàn thiện chủ trương, chính sách.

Trong công cuộc đổi mới (từ năm 1986) và triển khai thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước (từ năm 1991), cùng với sự ra đời của Pháp lệnh Thanh tra năm 1991, sau đó là Luật Thanh tra năm 2005, Luật Thanh tra năm 2010, hoạt động của ngành Thanh tra ngày càng đi vào nền nếp, đã bám sát các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tập trung thanh tra làm rõ nhiều vấn đề nảy sinh. Nhiều yếu kém trong công tác quản lý điều hành của các cấp chính quyền và bức xúc của nhân dân được quan tâm giải quyết, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế.

Trong 5 năm qua, ngành Thanh tra không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên, đã đạt nhiều kết quả khá tích cực, toàn diện trên các mặt công tác.

Trong công tác thanh tra, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra tăng cường chỉ đạo, điều hành, quản lý Nhà nước về thanh tra; chủ động xây dựng định hướng chương trình thanh tra và xây dựng, triển khai kế hoạch thanh tra hàng năm.

Hoạt động thanh tra tập trung công tác quản lý Nhà nước của các ngành, các cấp và chấp hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, toàn ngành đã triển khai 32.645 cuộc thanh tra hành chính và 1.127.790 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 417.490 tỷ đồng, 94.578ha đất; đã kiến nghị thu hồi 235.522 tỷ đồng, 8.823ha đất; xử lý khác hơn 181.968 tỷ đồng, 85.755ha đất, kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 9.772 tập thể, cá nhân; ban hành 417.490 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 24.120 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 462 vụ, 671 đối tượng.

Qua đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 17.580 kết luận và quyết định xử lý sau thanh tra, đã thu hồi 33.845 tỷ đồng (đạt 75%), 5.430ha đất (81%); xử lý hành chính 4.719 tổ chức, 15.299 cá nhân; khởi tố 204 vụ, 145 đối tượng.

Điểm nổi bật là Thanh tra Chính phủ tiến hành các cuộc thanh tra do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như: Thanh tra Dự án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG; Dự án Gang thép Thái Nguyên (giai đoạn 2); Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2; Dự án mở rộng Nhà máy Đạm Hà Bắc; cổ phần hóa, thoái vốn tại Cảng Quy Nhơn; thanh tra Dự án đầu tư xây dựng liên quan đến Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn, Bộ Quốc phòng...

Kết quả thanh tra đã phát hiện, xử lý được nhiều vi phạm, góp phần vào việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và hoàn thiện thể chế trên nhiều lĩnh vực.

Trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành Thanh tra đã chủ động tham mưu và triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại tố cáo; tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Trong 5 năm đã tiếp 1.856.180 lượt công dân (có 21.821 lượt đoàn đông người); tiếp nhận, xử lý 1.435.990 đơn khiếu nại, tố cáo, đã giải quyết 107.794/127.947 vụ việc thuộc thẩm quyền (đạt 84,2%).

Qua đó kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho công dân 3.299 tỷ đồng, 276ha đất; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 7.551 người, kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.435 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 30 vụ, 142 người.

Bên cạnh đó, ngành Thanh tra đã chú trọng tham mưu và thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài, cùng với sự tham gia của nhiều cơ quan trong hệ thống chính trị, do đó, tình hình khiếu nại, tố cáo đã có những chuyển biến tích cực, số vụ việc khiếu nại, tố cáo giảm; nhiều vụ việc được tập trung giải quyết tại địa phương, hạn chế việc công dân khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương, qua đó góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế của đất nước.

Trong công tác phòng, chống tham nhũng, ngành Thanh tra quan tâm hoạt động quản lý Nhà nước, hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng.

Trong 5 năm, đã tiến hành kiểm tra tại 18.418 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 277 đơn vị vi phạm; ban hành 23.752 văn bản, huỷ bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung 5.752 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; tiến hành 10.214 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 1.278 vụ việc, 1.285 người vi phạm, kiến nghị thu hồi và bồi thường gần 8.154 tỷ đồng;

Kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại 13.630 cơ quan, tổ chức, đơn vị, phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 454 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm; chuyển đổi vị trí công tác đối với 35.242 cán bộ, công chức, viên chức;

Kết luận 148 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng (đã xử lý hình sự 13 người, xử lý hành chính 122 người); phát hiện 335 vụ, 488 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị công tác phòng, chống tham nhũng có sự chuyển biến rõ nét, các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản được triển khai quyết liệt, đồng bộ, nghiêm minh, ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần làm cho tham nhũng được kiềm chế, từng bước được ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm.

Trong công tác xây dựng thể chế, Thanh tra Chính phủ đã chú trọng và tập trung hoàn thiện các quy định của pháp luật về các lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành; đã giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Tố cáo; trình Chính phủ ban hành 5 nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 5 chỉ thị, đề án, quyết định; ban hành 6 thông tư hướng dẫn quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức, bộ máy cơ quan thanh tra các cấp.

Chặng đường xây dựng và trưởng thành của Thanh tra Việt Nam trong 75 năm qua rất đáng tự hào.

Ngành Thanh tra luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp giúp đỡ của các ngành, các cấp, sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Thanh tra, đặc biệt là sự tin tưởng và ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.

Ghi nhận đánh giá quá trình phấn đấu, xây dựng và trưởng thành của ngành Thanh tra trong 75 năm qua, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Sao vàng (2010), Huân chương Hồ Chí Minh (1990), Huân chương Độc lập hạng Nhất (2015) và Huân chương Lao động hạng Nhất (2020) cho ngành Thanh tra Việt Nam. Đây là những phần thưởng cao quý nhất, vẻ vang nhất, tự hào nhất của ngành Thanh tra Việt Nam trong lịch sử 75 năm qua.

Trong thời gian tới, ngành Thanh tra đang có thuận lợi là được sự quan tâm của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân cả nước, có sự kế thừa thành tựu của 75 năm xây dựng trưởng thành, nhưng khó khăn, trở ngại phía trước còn nhiều, nhất là tình trạng vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng và tình hình khiếu nại, tố cáo.

Nhiệm vụ trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng ngày càng nặng nề, đang là thử thách lớn đối với ngành Thanh tra đòi hỏi cần phải vững vàng, tự tin, bản lĩnh, quyết tâm hơn có phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện khoa học, khách quan, đúng pháp luật, không chùn bước trước những khó khăn, thử thách, không nóng vội, chủ quan mà phải quyết tâm đổi mới hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Với tinh thần đó, ngành Thanh tra quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời, tiến hành thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm. Hoạt động thanh tra, kiểm tra hướng vào việc phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật, chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước; kiến nghị sửa đổi những bất cập, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; thúc đẩy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội.

Nội dung thanh tra hành chính tập trung vào các lĩnh vực quan trọng, dễ xẩy ra các hiện tượng tiêu cực, vi phạm, tham nhũng, như: Quản lý đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản; tài chính, ngân sách, ngân hàng, chứng khoán, quản lý tài sản công; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản và hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước...

Nội dung thanh tra, kiểm tra chuyên ngành được thực hiện rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội theo nguyên tắc quản lý Nhà nước đến đâu thì có sự kiểm tra, thanh tra đến đó, trong đó, các cơ quan được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tập trung thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn – kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của ngành, lĩnh vực.

Tăng cường sự phối hợp giữa Thanh tra Chính phủ với Kiểm toán Nhà nước để hạn chế sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra với kiểm toán; phối hợp chặt chẽ trong ngành Thanh tra để nâng cao hiệu quả hoạt động và tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra. Hoạt động thanh tra phải được tiến hành theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục pháp luật quy định.

Tăng cường giám sát hoạt động thanh tra để phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các thiếu sót, vi phạm trong hoạt động thanh tra. Tổ chức thẩm định dự thảo kết luận thanh tra một cách chặt chẽ nhằm phát hiện, khắc phục những hạn chế, thiếu sót, bất cập của dự thảo kết luận thanh tra để kiến nghị người ký kết luận xem xét, điều chỉnh kịp thời.

Việc ban hành kết luận thanh tra, các kiến nghị và các quyết định xử lý kết quả thanh tra phải đúng pháp luật, khách quan, kịp thời, nhưng cũng phải bảo đảm phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi.

Đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì phải chuyển ngay cho cơ quan điều tra để điều tra làm rõ.

Tổ chức thực hiện nghiêm túc, triệt để các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, tăng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật.

Thứ hai, xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những công tác quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, nhất là đối với các cơ quan quản lý Nhà nước.

Ngành Thanh tra tăng cường trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tham mưu giải quyết đúng chính sách, pháp luật trên 85% vụ việc thuộc thẩm quyền, giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài, chú trọng việc hoà giải các tranh chấp trong nhân dân, thực hiện tốt biện pháp đối thoại công khai, dân chủ với công dân để làm rõ nội dung vụ việc, phải xem xét đầy đủ các căn cứ pháp lý, tình hình thực tế của vụ việc để có biện pháp giải quyết hiệu quả. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước, thanh tra, kiểm tra trách nhiệm và xử lý đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Thứ ba, thực hiện nghiêm và đầy đủ chương trình, kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng liên quan đến Thanh tra Chính phủ; đánh giá chính xác tình hình tham nhũng và kết quả công tác phòng, chống tham nhũng; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng;

Chủ động phát hiện, xử lý tham nhũng qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chú trọng phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, viện kiểm sát để đề nghị khởi tố, điều tra vụ án tham nhũng; thực hiện tốt các hoạt động đối thoại, hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng;

Tăng cường thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng để chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng của các ngành, các cấp.

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện thể chế và tăng cường  phổ biến, giáo dục pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng.

Chú trọng nâng cao đạo đức nghề nghiệp, năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ làm thanh tra; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thanh tra cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý cán bộ, công chức thanh tra có biểu hiện lệch lạc, vi phạm nguyên tắc, tiêu cực, tham nhũng.

Thứ năm, đổi mới phương pháp, cách thức chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng; đổi mới và nâng cao chất lượng xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, xác định rõ trách nhiệm, nội dung công việc của từng cơ quan, đơn vị thanh tra, thời gian, cách thức tiến hành và biện pháp tổ chức thực hiện.

Định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá từng nội dung, lĩnh vực và việc triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra để kịp thời rút kinh nghiệm, xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ tiếp theo; khen thưởng kịp thời các cán bộ, công chức thanh tra có thành tích xuất sắc trong hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng.

Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Thanh tra là dịp để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Thanh tra tiếp thêm sức mạnh, không ngừng phấn đấu vươn lên, phát huy và bồi đắp thêm truyền thống vẻ vang của ngành.

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và công cuộc đổi mới của đất nước, làm việc với tinh thần tận tụy, sáng tạo, khách quan, công tâm, nguyện viết tiếp trang sử vẻ vang của ngành Thanh tra; xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và sự tín nhiệm của nhân dân; xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại: “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”.

(Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ)

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hà Nội hỗ trợ học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT

Từ 19/4, học sinh Hà Nội có thể ôn thi tốt nghiệp THPT 2024 trên kênh H2 của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, ứng dụng HANOI ON trên thiết bị thông minh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm