| Hotline: 0983.970.780

Ngành tôm dồn dập tin vui đầu năm

Thứ Hai 22/03/2021 , 11:32 (GMT+7)

Dù trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, ngành tôm vẫn hoạt động tốt trong 2020 và tiếp tục sôi động ngay từ đầu năm 2021 với hàng loạt triển vọng mới.

Chế biến tôm xuất khẩu của Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và triển vọng mới ngay từ đầu năm 2021. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chế biến tôm xuất khẩu của Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và triển vọng mới ngay từ đầu năm 2021. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Khánh thành, khởi công nhiều nhà máy mới

Ngay trong những ngày đầu năm 2021, ngành tôm đã sôi động khi nhiều nhà máy mới, hiện đại được khánh thành và đi vào hoạt động và một số nhà máy công suất lớn đã có kế hoạch triển khai xây dựng trong thời gian tới.

Trong những nhà máy mới, Nhà máy chế biến tôm An An tại Tiền Giang, thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước là một dự án được kỳ vọng rất lớn khi sở hữu quy mô lên tới gần 3ha, mức đầu tư trên 400 tỷ đồng, công suất chế biến khoảng 50 tấn tôm thành phẩm/ngày và một kho lạnh công suất 3.000 tấn.

Bên cạnh đó, An An còn có vùng nuôi tôm 200ha tại Ba Tri, Bến Tre, nay với việc đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến tôm An An, Thuận Phước đã bước vào Top 5 doanh nghiệp lớn nhất trong ngành tôm Việt Nam ở thời điểm hiện tại.

Doanh nghiệp lớn nhất trong ngành tôm Việt Nam là Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cũng đã có kế hoạch cuối quý 1/2021 sẽ khởi công 2 nhà máy chế biến lớn tại tỉnh Hậu Giang và Cà Mau, với mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Công suất chung của 2 nhà máy này lên tới gần 50.000 tấn/năm. Bên cạnh đó, Minh Phú cũng đã có kế hoạch xây thêm nhà máy chế biến tôm ở Kiên Giang.

Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex VN) hiện đã bắt tay vào xây dựng thêm 2 nhà máy trong năm 2020 với tổng công suất 20.000 tấn/năm, vốn đầu tư gần 400 tỷ đồng. Theo thông tin trong ngành tôm, Sao Ta đang hoàn thiện những khâu cuối cùng để đưa vào hoạt động nhà máy chế biến tôm ở Hộ Phòng, Bạc Liêu, công suất 10.000 tấn/năm.

Việc nhiều nhà máy chế biến tôm hiện đại, công suất lớn được khánh thành hay chuẩn bị khởi công xây dựng ngay trong những tháng đầu năm 2021 này cho thấy, dù dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu, nhưng các doanh nghiệp ngành tôm vẫn đánh giá cao triển vọng xuất khẩu tôm trong năm nay cũng như về lâu dài.

TS Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Fimex VN cho rằng, việc nhiều nhà máy mới, hiện đại vừa được đưa vào hoạt động báo hiệu sự khởi động một giai đoạn mới đầy lạc quan của ngành tôm Việt Nam.

Thị trường xuất khẩu quan trọng tăng trưởng tốt

Cùng với việc thu hút làn sóng đầu tư nhà máy chế biến, ngay trong những tháng đầu năm 2021, xuất khẩu tôm cũng có sự tăng trưởng tích cực ở nhiều thị trường quan trọng.

Theo VASEP, trong tháng 1 năm nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ đã đạt 41,8 triệu USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo quý 1/2021, giá trị xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng trưởng ít nhất 15% so với cùng kỳ năm 2020 nhờ thị trường tiêu thụ đã phục hồi sau Covid-19.

Cũng trong tháng 1, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang EU tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước, với giá trị đạt gần 30 triệu USD, tăng 16%. Trong đó, giá trị xuất khẩu tôm sang Đức tăng 27,5%; Hà Lan tăng 30,6%, Bỉ tăng 2,1%, Đan Mạch tăng 72%.

Trên cơ sở đó, VASEP dự báo quý 1/2021, giá trị xuất khẩu tôm sang EU tiếp tục tăng trưởng ở hai con số nhờ sự phục hồi của nhiều nền kinh tế thuộc khối EU, trong đó nhu cầu tiêu thụ của một số thị trường ở Bắc Âu sẽ tăng trưởng mạnh so với 2020.

Những tín hiệu tích cực nói trên đang giúp ngành tôm Việt Nam bắt đầu một năm mới với hy vọng tiếp tục tăng trưởng khả quan, nhất là vào nửa cuối năm 2021. Nhưng theo TS Hồ Quốc Lực, vẫn còn những lực cản đáng kể đối với sự phát triển của ngành tôm Việt Nam, mà nổi cộm nhất là việc cấp mã số cơ sở nuôi tôm. Công việc này hiện đang ách tắc khiến cho con tôm Việt Nam còn thiếu giấy thông hành để bơi ra thế giới.

Bên cạnh đó, ngành nuôi trồng thủy sản đã và đang trải qua không ít áp lực để đáp ứng những yêu cầu của tổ chức đánh giá, chứng nhận nuôi ASC, trong khi tỷ lệ tôm nuôi đạt chuẩn ASC chưa nhiều. Do đó, ASC cũng là một rào cản khiến ngành tôm Việt Nam chưa thể tranh thủ tốt lợi thế EVFTA mang lại.

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Bình luận mới nhất