| Hotline: 0983.970.780

Ngập lụt giữa… ngày hạn

Thứ Sáu 04/05/2012 , 11:14 (GMT+7)

Thủy điện A Lưới (huyện A Lưới, tỉnh TT- Huế) tích nước đến cao trình đỉnh khiến gần trăm hộ dân và hàng chục ha đất nông nghiệp bị ngập úng...

Gần nửa tháng nay, thủy điện A Lưới (huyện A Lưới, tỉnh TT- Huế) tích nước đến cao trình đỉnh đã làm hàng chục ha đất nông nghiệp nằm ngoài lòng hồ thủy điện bị ngập úng, gần một trăm hộ dân ở các xã Sơn Thủy, Hồng Thái, Hồng Thượng phải rơi vào cảnh đường sá ngập lụt, nước mấp mé sân nhà ngay giữa trời nắng hạn…

“Ốc đảo” Quảng Ngạn

Đến trụ sở UBND xã Sơn Thủy (huyện A Lưới) giữa trời nắng như đổ lửa, thế nhưng nhìn về phía thôn Quảng Ngạn cơ hồ mênh mông nước. Dẫn chúng tôi đi vào con đường liên thôn được đúc bê tông, ông Trần Ghi, cán bộ văn phòng UBND xã bức xúc: “Dân Sơn Thủy gần nửa tháng nay khổ lắm, sống giữa ngày trời hạn mà không thua gì mùa lũ lụt. Đường sá, đất đai ngập hết, người dân không chỉ đi lại khó khăn mà chưa biết lấy gì ăn vì hoa màu đang trồng dở bỗng bị ngập úng, không thu hoạch kịp.”


25 hộ dân ở thôn Quảng Ngạn bị cô lập hoàn toàn sau khi thủy điện A Lưới tích nước

Con đường bên tông dẫn vào thôn Quảng Ngạn bị ngập sâu hơn 3m, làm cụm dân cư 25 hộ cuối thôn bị chia cắt hoàn toàn, người dân phải dùng thuyền để đi lại. Chỉ tay len tuyến đường bê tông, ông Lê Ngọc Bổn, một hộ dân ở Quảng Ngạn cho biết: “Trước đây con đường này rất cao ráo, từ ngày thủy điện tích nước, nước cứ lên dần, ban đầu chỉ một mét, đến hôm nay đã sâu hơn 3m rồi. Bà con ở đây phải sắm thuyền qua lại. Người lớn đi còn được chứ hoc sinh tiểu học qua về rất nguy hiểm, có thể xẩy ra tai nạn bất cứ lúc nào. Nhiều ngày nay, bà con ở thôn này đều cho con em nghỉ học vì đường bộ phải vòng lên Bốt Đỏ xa quá, mà đi thuyền thì dân miền núi mấy ai biết bơi đâu.”

Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều bà con ở Quảng Ngạn đã sắm thuyền, kết bè từ xăm ô tô, mua lưới về đánh cá để sống chung với “lũ lụt”. Nhà văn hóa cộng đồng nằm phía bên kia “sông” nên mọi sinh hoạt của bà con Quảng Ngạn cũng bị gác lại. Không chỉ ở Quảng Ngạn mà 8 hộ dân ở thôn Quảng Vinh cũng rơi vào tình cảnh nước ngập lênh láng, nhiều nơi nước mấp mé hiên nhà. Theo thống kê của UBND xã Sơn Thủy, toàn xã có 209 hộ với 112 ha đất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi thủy điện, trong đó có 52 hộ dân được di dời (48 hộ TĐC tại chổ, 4 hộ đến khu tái định cư Căn Tôm, xã Hồng Thượng).


Thôn Quảng Ngạn nằm giữa mênh mông nước

Tại xã Hồng Thái, ông Hồ Văn Mạnh- Phó Chủ tịch UBND xã thông tin, thủy điện tích nước cũng làm 2 thôn Pờ Rếch, A La với 30 hộ dân bị ngập đường xá, nước ngấp nghé mép nhà. Trong đó, có 2 hộ dân ở thôn A La bị cô lập hoàn toàn do suối Pờ Đu bị ngập sâu, cần phải di dời khẩn cấp. Đặc biệt, những thôn này có hơn 50 học sinh tiểu học phải đi học hàng ngày trong tình trạng nước ngập lênh láng, rất nguy hiểm. Còn tại xã Hồng Thượng, hàng chục hộ dân cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi các tuyến đường dẫn vào khu sản xuất nông nghiệp bị ngập sâu từ 1 đến 3m.

Mất đất sản xuất

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Cường- Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho hay: “Trong thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và UBND các xã bị ảnh hưởng bởi thủy điện tăng cường phối hợp với Công ty Cổ phần Thuỷ điện miền Trung (chủ đầu tư) nhằm giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Tuy nhiên, trong công tác phối hợp giải quyết những tồn tại, vướng mắc này cho các hộ dân bị ảnh hưởng chưa được Công ty quan tâm đúng mức, làm mất niềm tin đối với người dân. Trong nhiều cuộc họp do UBND huyện tổ chức nhưng công ty chỉ cử đại diện tham dự không có đủ thẩm quyền để giải quyết những vấn đề liên quan. Trong khi đó, vấn đề mất đất sản xuất đang đẩy hàng trăm hộ dân vào khó khăn.”


Người dân phải đi lại bằng thuyền

Thủy điện A Lưới được khởi công vào tháng 6 năm 2007, do Công ty Cổ phần Thuỷ điện miền Trung (CHP) đầu tư xây dựng, với tổng vốn đầu tư là 3.234 tỷ đồng, công suất lắp máy 170MW và sản lượng điện bình quân hàng năm đạt 686,5 triệu KWh. Dự án thủy điện A Lưới trên sông A Sáp nằm trên địa phận huyện A Lưới tỉnh TT- Huế, nằm cách trung tâm thành phố Huế 70km.

Tại xã Sơn Thủy, ông Phan Công Bình- Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, toàn xã có 112 ha đất nông nghiệp nằm trong lòng hồ thủy điện, ngoài số diện tích trên, khi thủy điện tích nước đã có hàng chục ha đất cùng hoa màu của bà con ở các thôn Quảng Ngạn, Quảng Vinh, Quảng Lợi bị ngập sâu, thiệt hại khá nặng. Đa số hoa màu đều chưa được thu hoạch, bà con không nghĩ những vùng nằm ngoài lòng hồ lại bị nước dâng cao như thế. “Hiện nay đã bước vào giai đoạn tích nước đợt 2, nếu đạt đến cao trình ổn định để phát điện thì sẽ còn nhiều diện tích đất, hoa màu của bà con Sơn Thủy bị ngập thêm nữa. Trong khi đó, để nhường đất cho dự án thủy điện, bà con đã thiệt thòi quá nhiều, không còn nhiều đất, nguy cơ thiếu đói khi bị chia cắt, cô lập là rất lớn”- ông Bình, nói.

Ông Nguyễn Văn Thạo, một hộ dân ở Sơn Thủy nhẩm tính: “Trước đây, tui trồng sắn, cứ bình quân 1ha cho thu vài chục triệu. Giờ không có đất sản xuất ổn định, số diện tích còn lại gần 1.000m2 trồng khoai, sắn của tui, khi thủy điện tích nước cũng ngập luôn, sắp tới không biết lấy gì mà ăn đây.” Theo nhiều người dân ở các xã Sơn Thủy, Hồng Thái, Hồng Thượng khi đến nơi ở mới, bà con gặp khó khăn do các điều kiện về sản xuất không được đáp ứng. Tại xã Hồng Thủy, ông Nguyễn Văn Đợi- Chủ tịch UBND xã cho biết, thủy điện tích nước đợt này ước tính ban đầu có hơn 10ha diện tích đất của các hộ dân thôn Kăn Tôm, Kăn Te và Kăn Sâm bị ngập sâu 1-3m, toàn bộ cây trồng đã chết do ngập úng, không thu hoạch kịp.

“Sau khi người dân phản ánh, phía huyện đã đi kiểm tra những địa điểm ngập nước ở các xã Sơn Thủy, Hồng Thái, Hồng Thượng. Đây là số diện tích ở những vùng thấp trũng nằm ngoài lòng hồ thủy điện. Hiện, huyện đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tiến hành thống kê diện tích đất bị ngập và mức độ thiệt hại để kịp thời có phương án yêu cầu thủy điện bồi thường cho dân. Về phương án giải quyết vấn đề ngập nước cho những cụm dân cư nằm ngoài lòng hồ bị ngập lụt sau khi thủy điện tích nước, sau khi khảo sát chúng tôi sẽ có phương án cụ thể như nâng cao mặt đường, hoặc xây cầu cống.”- ông Nguyễn Quốc Cường- Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới, nói.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất