| Hotline: 0983.970.780

Ngập lụt lịch sử, di dời hàng ngàn người dân vùng biên giới trong đêm

Thứ Tư 04/09/2019 , 15:48 (GMT+7)

Mưa kéo lớn kéo dài suốt đêm 3/9 và sáng 4/9 khiến mực nước sông Sê Pôn dâng cao, hàng ngàn người dân sinh sống tại vùng biên giới tỉnh Quảng Trị đã được lệnh di dời khẩn cấp ngay trong đêm.

Ngày 4/9, ông Đặng Trọng Vân, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết, mưa lớn gây ra tình trạng ngập lụt tại nhiều khu vực dân cư, tập trung tại các địa bàn vùng biên giới.

Hàng trăm ngôi nhà tại TT. Lao Bảo và một số xã lân cận ngập sâu trong nước, có nơi ngập hơn từ 1 – 2 mét. 
Ông Lê Xuân Biên, ngụ TT. Lao Bảo, huyện Hướng Hóa cho biết: “Trong đêm qua, ngay khi có thông báo của chính quyền, chúng tôi đã di dời đến nơi cao hơn để tránh lụt. Theo kinh nghiệm của người dân ở địa phương, thường cứ 10 năm lụt to một lần. Hiện nay mực nước sông Sê Pôn đã ngập xấp xỉ với trận lụt lịch sử năm 2009. Dù nước dâng cao bất thường trong đêm nhưng do chuẩn bị tư tưởng từ trước nên gia đình tôi bị ảnh hưởng không đáng kể”.
Nhiều tuyến đường nội thị tại TT. Lao Bảo chìm trong nước lũ.

Theo ghi nhận của NNVN tại TT. Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, đến sáng 4/9, nhiều tuyến đường nội thị của địa phương này vẫn còn ngập sâu trong nước lũ, có nơi sâu hơn 1 mét. Một số khu dân cư gần với sông Sê Pôn người dân đã di chuyển hết đồ đạc đến nơi cao ráo để tránh nước lũ dâng cao bất ngờ. Tại Trung tâm thương mại Lao Bảo, khu vực buôn bán sầm uất nhất của thị trấn biên giới này, nhiều chủ cửa hàng đã gói ghém hàng hóa, nghỉ bán để tập trung chống lũ.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch UBND TT. Lao Bảo cho hay, trước diễn biến của tình hình ngập lụt, chúng tôi đã triển khai di dời 450 hộ với 2.000 nhân khẩu tại các khóm Tân Kim, Duy Tân, Vĩnh Hoa, Ka Tăng... đến nơi an toàn. Hiện nay, chính quyền và lực lượng chức năng vẫn đang theo dõi sát diễn biến của mưa lũ để đưa ra các phương án đối phó phù hợp.

Nhiều diện tích chuối của người dân bị nước lũ nhấn chìm.

Tính đến trưa 4/9, tại huyện Hướng Hóa mưa vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Giao thông vào các xã vùng sâu vùng xa của huyện, nhất là các xã vùng Lìa và một số xã phía Bắc của huyện như Hướng Phùng, Hướng Sơn.... đang bị chia cắt cục bộ. Một số nơi người dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại vì đường sạt lở. Tại các khu vực ngập lụt, phương tiện di chuyển của người người dân chủ yếu là ghe, thuyền... 

Người dân khẩn trương di chuyển đồ đạc.

Trong khi đó, nhiều trường học ở các địa bàn bị cắt bởi nước lũ phải tạm đóng cửa để đảm bảo an toàn cho học sinh và cán bộ, giáo viên. Ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Hướng Hóa cho biết: “Thực hiện công văn của Sở, chúng tôi đã có chỉ đạo đối với các đơn vị trường học, nhất là các trường đóng tại địa bàn vùng thường xuyên ngập lụt cần đảm bảo tối đa an toàn cho học sinh. Những trường ở địa bàn nguy hiểm có thể cho giáo viên và học sinh tạm nghỉ ở nhà để đảm bảo an toàn”.

Tuyến QL9 đi huyện Hướng Hóa bị sạt lở nền đường.

Theo thống kê từ UBND huyện Hướng Hóa, tính đến trưa 4/9, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã tổ chức di dời hơn 1.000 hộ dân với 4.000 nhân khẩu ra khỏi khu vực ngập lụt nguy hiểm. Trong đó tập trung chủ yếu ở TT. Lao Bảo và một số xã vùng trũng thấp như Tân Thành, xã Tân Long…

“Theo dự tính trong thời gian tới khả năng nước trên sông Sê Pôn sẽ còn cao hơn, do đó huyện đã yêu cầu chính quyền các xã, thị trấn cần tích cực phối hợp với những lực lượng chức năng chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện cứu hộ cần thiết để đưa người dân đến địa điểm an toàn khi có trường hợp xấu xảy ra", ông Đặng Trọng Vân, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết.

Nhiều ngôi nhà xây dựng sát bờ sông rất nguy hiểm.
Phương tiện di chuyển của người dân Lao Bảo hiện nay chủ yếu là ghe, thuyền.
Một điểm trường đã được đóng cửa để đảm bảo an toàn cho học sinh.
Người dân di chuyển gia súc lên nơi cao ráo để tránh lũ.
Hồ công viên trung tâm TT. Lao Bảo chìm trong nước.

Xem thêm
Xả 7 triệu m3 nước từ hồ Dầu Tiếng về Long An chống hạn mặn

Xả 7 triệu m3 nước từ hồ Dầu Tiếng về Long An chống hạn mặn. 675ha ngô, lúa của huyện Thọ Xuân gãy đổ do mưa đá. Hồ chứa nước ngọt rộng 102ha chuẩn bị đưa vào sử dụng. Khai mạc giải đua thuyền truyền thống vô địch Quốc gia năm 2024.

ĐBSCL cần giải pháp chủ động sống chung lâu dài với hạn mặn

Giữa tâm điểm hạn mặn đang diễn ra ở ĐBSCl, nhiều giải pháp được triển khai để đảm bảo ổn định cuộc sống người dân và giữ an toàn cho sản xuất nông nghiệp.

Phòng, chống bệnh dại cho hơn 58.000 con chó, mèo mùa nắng nóng

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng tăng cường tuyên truyền đến người nuôi, đồng thời tiêm vacxin cho hơn 58.000 con chó mèo phòng ngừa bệnh dại mùa nắng nóng.

Trạm bơm Tân Mỹ: Cứu cánh hiệu quả mùa nắng hạn

Bình Dương Việc đưa vào vận hành, khai thác các trạm bơm thủy lợi đã giúp cho nông dân huyện Bắc Tân Uyên không phải gồng mình chống chọi trước nắng hạn.

Bình luận mới nhất