| Hotline: 0983.970.780

Ngày 25/8, chốt phương án tăng lương tối thiểu 2016

Thứ Ba 25/08/2015 , 09:20 (GMT+7)

Đại diện người lao động muốn tăng 16%, trong khi cộng đồng doanh nghiệp cho rằng 9-10% là hợp lý. Hai bên chưa tìm được điểm chung trước phiên họp sáng 25/8./ Lương tối thiểu phải đủ mức sống tối thiểu

Hội đồng Tiền lương Quốc gia sáng nay họp lại để chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016, với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội - Phạm Minh Huân. Trước cuộc họp, giới chủ sử dụng lao động và đại diện người lao động vẫn khá kiên quyết trong việc giữ phương án đề xuất của mình.

Đại diện cho người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động đề xuất mức tăng 16%, tương đương với tăng từ 350.000 đồng đến 550.000 đồng cho 4 vùng. Theo khảo sát năm 2015 của cơ quan này, thu nhập hiện nay khiến 20% lao động không đủ sống, 31% phải chi tiêu tằn tiện, 41% vừa đủ trang trải và chỉ 8% có tích lũy. Mức chi tiêu trung bình của người lao động phải nuôi con là hơn 4,2 triệu đồng mỗi tháng, tăng 3,6% so với năm 2014.

Trong khi đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện chủ sử dụng lao động, cho rằng tăng ở mức 9-10 % là hợp lý. Nếu tăng cao như mức 16% mà Tổng Liên đoàn Lao động đề xuất, chi phí của doanh nghiệp sẽ bị đội khoảng 5%, ảnh hưởng tới sản xuất và việc làm.

"Nếu như các đề xuất của bên đại diện cho người lao động thể hiện mong muốn về một cuộc sống tốt hơn cho người công nhân, thì những kiến nghị của bên đại diện cho người sử dụng lao động lại đứng trên góc độ khả năng chi trả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Rõ ràng là giữa mong muốn và khả năng vẫn còn một khoảng cách khá xa và mỗi bên cần phải có những nhượng bộ nhất định để tiến tới những lợi ích chung mang tính tổng thể", ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh.

Cuộc họp thương lượng về tiền lương ngày 5/8 đã không thể đưa ra quyết định cuối cùng như dự định. Nếu qua nhiều lần thương lượng, bỏ phiếu mà không có kết quả thì Chủ tịch hội đồng sẽ quyết định và trình Chính phủ. Tháng 10 là hạn cuối cùng Hội đồng Tiền lương Quốc gia trình Chính phủ về phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016.

Lương tối thiểu là mức thấp nhất mà người sử dụng phải trả cho lao động của mình. Các công chức hưởng lương ngân sách được tính lương dựa trên lương tối thiểu chung. Còn lương tối thiểu vùng (hiện có 4 vùng) áp dụng cho người lao động làm trong doanh nghiệp ngoài ngân sách. Năm 2015, lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng từ 250.000 đồng đến 400.000 đồng mỗi tháng, tức tăng bình quân 14,8% so với năm trước. Năm 2014, mức tăng cũng xấp xỉ 15% so với 2013.

Theo quan sát của Tổ chức lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO), năm 2013, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng tiền lương quốc gia, Tổng Liên đoàn lao động đề xuất tăng lương tối thiểu bình quân 29,5% cho 4 vùng trong khi VCCI đề xuất mức tăng tối đa là 10%. Năm 2014, mức tăng Tổng liên đoàn đề xuất giảm xuống bình quân là 22,9% và VCCI đề xuất tăng lương tối thiểu từ 10 đến 12%.

 

VnExpress

Xem thêm
Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chấn chỉnh hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định trong dịp 30/4

TP.HCM Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra giao thông TP.HCM, thành phố hiện có 87 điểm đón trả khách sai quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10/2023.

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 1] Cây chết dần chết mòn vì thiếu nước

Khoảng 30ha rừng ngập mặn tại hai xã Nghĩa Lợi và Phúc Thắng (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) gần một tháng qua rơi vào tình trạng khô hạn, không có nước vào, ra.