| Hotline: 0983.970.780

Ngày 28/2 khởi công gói thầu EPC Alumin Nhân Cơ

Chủ Nhật 28/02/2010 , 11:18 (GMT+7)

Tại Đắk Nông, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông và Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã tổ chức họp báo về dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ.

Chiều 27/2, tại Đắk Nông, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông và Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã tổ chức họp báo về dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ.

Tại cuộc họp báo, Phó Tổng Giám đốc TKV Dương Văn Hòa cho biết ngày 28/2, TKV khởi công gói thầu EPC Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Đây là gói thầu lớn nhất và quan trọng nhất của dự án, bao gồm thiết kế, cung cấp thiết bị, xây dựng và lắp đặt, đào tạo hướng dẫn vận hành nhà máy alumin.

Hợp đồng gói thầu có giá trị 499,2 triệu USD, thời gian thực hiện 24 tháng kể từ ngày tính tiến độ do nhà thầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn quốc tế Công trình Nhôm Trung Quốc (Chalieco) thực hiện.

Để triển khai dự án, TKV đã thành lập Công ty Cổ phần Alumin Nhân Cơ - VNAC trực tiếp làm chủ đầu tư. Dự án được đầu tư theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 2007-2012 có công suất thiết kế 650.000 tấn alumin/năm và giai đoạn sau 2015 dự kiến sẽ nâng công suất lên gấp đôi. Dự án áp dụng công nghệ Bayer để sản xuất alumin, áp dụng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường tiên tiến.

Quặng bauxite được khai thác từ mỏ Nhân Cơ có tổng trữ lượng quặng tinh khoảng 270 triệu tấn; quặng nguyên khai được tuyển rửa tại nhà máy tuyển sẽ được xây dựng gần khu mỏ và quặng sau khi rửa sạch sẽ được chuyển bằng tuyến băng tải dài khoảng 5,5km vào nhà máy alumin để sản xuất ra alumin.

Dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ gồm hai nhà máy là Nhà máy tuyển quặng bauxite và Nhà máy sản xuất alumin. Tổng mức đầu tư của Dự án với công suất ban đầu 650.000 tấn alumin/năm là 11.624 tỷ đồng (tương đương khoảng 655 triệu USD), xây dựng trên diện tích khoảng 850ha.

Nhà máy tuyển quặng bauxite công suất khoảng 1.650.000 tấn quặng tinh khô/năm, có khả năng mở rộng lên khoảng 3.300.000 tấn quặng tinh khô/năm và cấp thẳng cho Nhà máy sản xuất alumin.

Nhà máy sản xuất alumin công suất thiết kế đạt khoảng 650.000 tấn/năm, có khả năng mở rộng lên công suất khoảng 1.200.000 tấn/năm. Các hạng mục công trình ngoài hàng rào các nhà máy tuyển, Nhà máy alumin được đầu tư đồng bộ với dự án như các tuyến đường giao thông, hệ thống cấp điện, cấp nước, hồ bùn đỏ, hồ chứa quặng đuôi...

Trả lời câu hỏi của các cơ quan thông tin đại chúng về quá trình triển khai Dự án, Chủ đầu tư cho biết hiện đã triển khai công tác đền bù giải phóng mặt bằng, san gạt mặt bằng Nhà máy alumin và xây dựng các hạng mục công trình ngoài hàng rào nhà máy như hệ thống đường giao thông, nhà làm việc của các đơn vị quản lý và thi công Dự án.

Về công tác khai thác mỏ và hoàn nguyên, chủ đầu tư sẽ khai thác theo hình thức cuốn chiếu (mỗi năm khai thác khoảng 50-60ha), khai thác đến đâu hoàn thổ đến đấy. VNAC đang lập dự án đầu tư xây dựng khu thử nghiệm công tác hoàn thổ, nghiên cứu thổ nhưỡng nhằm tìm phương án hoàn thổ tối ưu và lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao phục vụ quá trình khai thác bauxite sau này.

Về thải bùn đỏ, ông Dương Văn Hòa cho rằng do trong bùn đỏ có chứa lượng xút dùng trong quá trình công nghệ sản xuất alumin nên phải xử lý. Trong đó đảm bảo hệ số thu hồi xút dư trong bùn thải để tái sử dụng là lớn nhất, an toàn cho nước mặt, nước ngầm và đảm bảo cho việc hoàn nguyên phục hồi nhanh môi trường. Hồ thải bùn đỏ sẽ do Nhà thầu EPC thiết kế, cam kết thực hiện theo đúng các tiêu chuẩn hiện hành về môi trường Việt Nam.

Thiết kế hồ bùn đỏ sẽ trình Bộ Công Thương thẩm định trước khi xây dựng. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Tổ giám sát môi trường đối với Dự án. Tổ đã tiến hành giám sát Dự án ngay từ khi chuẩn bị.

Theo tiến độ xây dựng, vào tháng 10/2012, Nhà máy Alumin đi vào hoạt động với doanh thu bình quân hàng năm khoảng 3.756 tỷ đồng (tương đương khoảng 210 triệu USD; giá alumin dự tính khoảng 335 USD/tấn), tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 1.350 người và trên 12.000 lao động cho các ngành dịch vụ khác trong khu vực.

Cùng với việc thực hiện đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ, TKV sẽ nghiên cứu để triển khai đầu tư sớm Nhà máy điện phân Nhôm công suất khoảng 150.000 tấn đến 200.000 tấn/năm.

Theo TKV, Việt Nam là một trong những nước có tiềm năng lớn về quặng bauxite (loại quặng để sản xuất nhôm) trong khu vực và trên thế giới với trữ lượng khoảng trên 5,4 tỷ tấn quặng bauxite nguyên khai, tập trung nhiều nhất ở Tây Nguyên và đặc biệt là ở Đắk Nông.

Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007-2015, có xét tới năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg ngày 01/11/2007.

Theo Quy hoạch, từ 2007-2015 sẽ đầu tư các dự án sản xuất alumin với công suất đạt khoảng 6,4 triệu tấn alumin/năm và sẽ nâng dần công suất trong các năm tiếp theo. Giai đoạn ban đầu alumin sẽ được xuất khẩu. Giai đoạn 2012-2015 sẽ đầu tư xây dựng nhà máy điện phân nhôm đầu tiên công suất đạt khoảng 200.000 đến 400.000 tấn nhôm thỏi/năm, một phần alumin sẽ cung cấp cho điện phân nhôm còn lại được xuất khẩu.

Thực hiện quy hoạch, TKV sẽ đầu tư 5 dự án khai thác quặng bauxite, sản xuất alumin có công suất từ 0,6 đến 3-4 triệu tấn/năm trên một nhà máy.

Để vận chuyển, xuất nhập hàng hóa phục vụ cho ngành công nghiệp nhôm tại Tây Nguyên phải đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ, trong đó có hai dự án lớn là tuyến đường sắt Tây Nguyên nối Đắk Nông qua Bảo Lâm (Lâm Đồng) xuống cảng Kê Gà (Bình Thuận) dài khoảng 250km và Cảng biển nước sâu Kê Gà, Bình Thuận có khả năng xuất nhập 30-40 triệu tấn hàng hóa/năm.

Quy hoạch này đang được Bộ Công Thương nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp với tình thực tế về công nghệ, môi trường, thị trường và các điều kiện khác.

(Theo TTXVN)

Xem thêm
10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hội các ngành Sinh học Việt Nam ra mắt Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới

Hội các ngành Sinh học Việt Nam ngày 29/3 đã ra mắt Ban Chấp hành khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029 với 49 Ủy viên.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất