| Hotline: 0983.970.780

Ngày đầu chất vấn: Bức xúc vấn đề dân sinh

Thứ Ba 23/11/2010 , 08:03 (GMT+7)

Bình ổn giá là một trong những nội dung được nhiều đại biểu QH quan tâm, đại biểu Trần Ngọc Vinh – Hải Phòng cho rằng giá một số mặt hàng đang tăng rất cao, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân nhưng Bộ Công thương chưa kiến giải nguyên nhân tăng giá mặc dù Bộ trưởng nói đã có giải pháp để bình ổn...

* ĐB Đàng Thị Mỹ Hương: Dân gánh thiệt hại nặng nề từ việc xả lũ, ai chịu trách nhiệm?

* Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng: Lỗi tại thủy điện thì lãnh đạo các NM trước hết có trách nhiệm 

Dự án ảnh hưởng điều tiết lũ sẽ kiên quyết dừng

Phiên chất vấn ngày 22/11, được mở đầu với phần đối thoại khá “nóng” của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng với đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương – Ninh Thuận.

Quan tâm đến nguyên nhân gây lũ lụt miền Trung khiến nhân dân bị thiệt hại nặng nề về người và của trong thời gian qua, bà Hương đặt câu hỏi: Tại sao trong văn bản 11782 ngày 20/11, Bộ trưởng trả lời ĐBQH rằng các hồ thủy điện xả lũ trong đợt mưa lũ vừa qua không ảnh hưởng gì đến việc góp phần làm tăng lũ mà không đưa ra số liệu về lượng nước đã xả của các hồ tại thời điểm mưa lũ để minh chứng với lượng nước đã xả ra hòa nhập với dòng nước mưa đổ về vùng hạ du không gây ảnh hưởng? Và khi người dân phải gánh thiệt hại nặng nề từ việc xả lũ thì trách nhiệm của những DN kinh doanh điện ở đâu? 

Thủy điện xả lũ khiến ngập chồng ngập

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định: Chúng tôi chưa hề có một câu trả lời nào khẳng định không có sự liên quan của thủy điện nhỏ đối với vấn đề lũ lụt vừa qua. Bộ trưởng Hoàng thừa nhận các thủy điện nhỏ tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên hầu hết đều không có khả năng điều tiết lũ. Tuy nhiên, qua quy hoạch, Bộ Công thương phối hợp với các địa phương đã rà soát lại, xem xét, bổ sung nhiệm vụ tham gia một phần điều tiết lũ cho một số dự án, trong đó có dự án thủy điện A Vương, sông Ba Hạ khu vực miền Trung.

Sắp tới quan điểm của Bộ Công thương đối với những dự án không tham gia nhiều vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà tác động liên quan đến môi trường lớn, ảnh hưởng điều tiết lũ thì sẽ kiên quyết dừng. "Vừa qua chúng ta cũng đã thu hồi quyết định đối với 38 dự án thủy điện nhỏ ở 9 tỉnh miền Trung và sẽ tiếp tục thu hồi tiếp nếu phát hiện thấy không phù hợp với quy hoạch" - Bộ trưởng Hoàng nói.

Về chuyện bồi thường những người dân chịu bị thiệt hại do ảnh hưởng của lũ lụt, Bộ trưởng Hoàng cho rằng trong đó có trách nhiệm của các NM thủy điện: "Đối với các NM thủy điện mà lỗi của họ thì các ban quản lí, lãnh đạo NM thủy điện trước hết có trách trách nhiệm". Vừa qua một số bà con cũng đã yêu cầu các NM phải xem xét, bồi thường phần thiệt hại như đối với thủy điện Hố Hô, NM cũng đã tiếp nhận kiến nghị và đang xem xét bàn bạc với chính quyền địa phương, nhân dân để hỗ trợ.  "Về quan điểm tổng thể, gây ra ảnh hưởng, gây ra thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm về việc hỗ trợ"- ông Hoàng nói

Xoay quanh vấn đề sản xuất điện, cung ứng điện, ĐB Vũ Quang Hải – Hưng Yên quan tâm đến các dự án nhiệt điện bị chậm tiến độ. Ông Hải cho rằng nguyên nhân dẫn đến chậm trễ là do năng lực các nhà thầu yếu kém và đặt vấn đề trách nhiệm của Bộ Công thương trong công tác chọn nhà thầu. Câu hỏi này ĐB Hải đã lặp lại hai lần tại hội trường Quốc hội nhưng vẫn không được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời.

Tuy nhiên, phần lý giải của Bộ trưởng Bộ KH - ĐT Võ Hồng Phúc đã khẳng định rõ nét về những khiếm khuyết trong lựa chọn nhà thầu tại các dự án nhiệt điện. Ông Phúc nói: “Không thực hiện được quy hoạch điện 6- đó là nhiệt điện. Nhiệt điện hầu hết trong tổng sơ đồ 6 đều chậm, có những dự án chậm 2 năm, có những cái chậm 3 năm. Vấn đề kỹ thuật cũng có vấn đề. Qua kiểm tra của chúng tôi đối với Nhiệt điện Quảng Ninh 1, Quảng Ninh 2, Hải Phòng 1, Hải Phòng 2, Nhiệt điện Cao Ngạn, Cẩm Phả và nhiệt điện Sơn Động thì đều có vấn đề kỹ thuật nên khi đưa vào thực hành thì bị trục trặc và chậm tiến độ rất nhiều. Chính chậm tiến độ ở đây là năng lực nhà thầu và việc chọn nhà thầu của chúng ta chưa hợp lý".

Theo ông Phúc ở đây không phải do Luật Đấu thầu mà là năng lực của chủ đầu tư và trách nhiệm chủ đầu tư. Năng lực của chủ đầu tư và trách nhiệm của chủ đầu tư yếu không thể đổ cho chúng ta chỉ chọn về giá, bởi trong Luật Đấu thầu ghi rất rõ là chọn về kỹ thuật, đấu thầu kỹ thuật trước rồi đấu thầu giá sau.

Vì sao có giải pháp nhưng giá vẫn tăng?

ĐB Danh Út (Kiên Giang): Cứ chuẩn bị vào vụ thì sốt giá phân bón. Kèm theo đó là nạn phân bón giả tràn lan, Bộ Công thương làm gì để quản lý việc này?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: "Bộ Công thương đang cùng Bộ NN-PTNT soạn thảo, báo cáo với Chính phủ nghị định về xử phạt hành chính trong kinh doanh phân bón. Sẽ có chế tài mạnh tay hơn".

Bình ổn giá cũng là một trong những nội dung được nhiều đại biểu QH quan tâm, đại biểu Trần Ngọc Vinh – Hải Phòng cho rằng giá một số mặt hàng đang tăng rất cao, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân nhưng Bộ Công thương chưa kiến giải nguyên nhân tăng giá mặc dù Bộ trưởng nói đã có giải pháp để bình ổn nhưng thực tế giá nhiều mặt hàng thiết yếu, các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp vẫn tăng. 

Cùng quan điểm này, đại biểu Danh Út – Kiên Giang dẫn chứng: “Cứ chuẩn bị vào vụ thì sốt giá phân bón”. Vấn đề khiến ĐB Danh Út băn khoăn ở đây là Chính phủ có đưa phân bón vào danh mục ưu tiên về nguồn, tỷ giá ngoại tệ để giúp các DNNK và có chủ trương tạm trữ phân bón từ đầu năm không? Kèm theo việc thiếu phân bón là nạn phân bón giả, kém chất lượng xuất hiện tràn lan, Bộ Công thương có giải pháp gì để quản lý việc này? 

Tăng cường thực hiện các biện pháp bình ổn giá cả, thị trường những tháng cuối năm (Ảnh minh họa)

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Hoàng khẳng định từ nay đến 2015 chắc chắn nước ta không phải NK phân đạm vì hiện nay chúng ta đang sản xuất khoảng 60% và theo tiến độ thì chúng ta sẽ có NM phân đạm ở Cà Mau công suất 800.000 tấn/năm, NM Ninh Bình công suất 500.000 tấn/năm và mở rộng NM ở Bắc Giang. Như vậy đủ phân đạm cho sản xuất trong nước.

Việc còn tồn tại nhiều cơ sở sản xuất phân bón giả, nhái theo Bộ trưởng Hoàng, việc kiểm tra và xử lý phân bón lưu hành trên thị trường là vấn đề khó khăn, liên quan đến công tác kiểm tra, kiểm soát, biện pháp chế tài. "Hiện Bộ Công thương đang cùng với Bộ NN-PTNT soạn thảo, báo cáo với Chính phủ nghị định về xử phạt hành chính trong kinh doanh phân bón. Sẽ có chế tài mạnh hơn để làm sao những cơ sở vi phạm không thể có điều kiện tiếp tục tái phạm nữa và làm gương cho các cơ sở khác" - Bộ trưởng Hoàng cho hay.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất