| Hotline: 0983.970.780

Ngày đầu phiên chất vấn: Ngồi “ghế nóng”, trả lời “nguội”

Thứ Tư 18/11/2009 , 10:30 (GMT+7)

Nhiều vấn đề "nặng ký", gai góc mà các ĐB đặt ra chỉ nhận được giải đáp hết sức "nhẹ nhàng" từ người đứng đầu ngành Ngân hàng...

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu đăng đàn trả lời chất vấn

Trả lời chất vấn QH hôm qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu thu hút sự chú ý đặc biệt của các ĐB cũng như dư luận. Tuy nhiên nhiều vấn đề "nặng ký", gai góc mà các ĐB đặt ra chỉ nhận được giải đáp hết sức "nhẹ nhàng" từ người đứng đầu ngành Ngân hàng... 

Phát hành tiền xu: Do đời Thống đốc trước!

“Bấm nút” chất vấn đầu tiên trước Quốc hội, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) vừa nói vừa trưng ra đồng tiền xu đã bị xỉn màu: “Đồng kim loại này được phát hành lưu thông vào năm 2003. Thống đốc đương nhiệm lúc đấy đã giải trình một cách thuyết phục trước QH về hiệu quả sử dụng, độ bền đẹp và tính tiện dụng của nó. Ông cũng hứa sẽ phát triển hệ thống các phương tiện thanh toán bằng tiền xu. Thế nhưng, đến nay hiệu quả sử dụng và độ bền đẹp của nó như thế nào thì tất cả mọi người đều rõ. Đề nghị Thống đốc nêu ý kiến về vấn đề này?”

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu khẳng định. “Ngay khi nhậm chức, chính tôi cũng đã nhận thấy đề án về tiền xu không hiệu quả vì thế NHNN đã ngưng không tiếp tục phát hành thêm. Những đồng tiền không đảm bảo lưu hành cũng được thu về. Việc đưa tiền kim loại lưu thông trong thị trường là “quyết định của đời Thống đốc trước”.

Chưa đồng ý với câu trả lời này, bà Nga tiếp tục “truy”: Về phát hành đồng tiền xu tại sao thế giới làm tốt, hiệu quả mà ta thì không? Ngân hàng đã ngừng không phát hành hoặc thu về đồng tiền xu đã bị hư hỏng nhưng tại sao những đồng xu không gỉ, không hư hỏng mà dân vẫn không dùng? Thống đốc có hứa ở kỳ họp trước là sẽ phát triển máy bán hàng tự động, vậy đến nay thế nào?”.

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho hay, các đồng tiền xu còn sạch và đẹp đều lưu hành bình thường. Việc dân ít dùng là do NHNN không còn phát hành nữa. Tuy nhiên ông Giàu đã “quên” trả lời bà Nga về lời hứa “phát triển hệ thống máy bán hàng tự động”. Bà Nga vẫn tỏ ra không hài lòng: “Tôi chia sẻ với Thống đốc phải điều hành trong điều kiện lạm phát và không muốn làm khó Thống đốc. Nhưng ở câu trả lời vừa rồi, Thống đốc nói rất đơn giản”.

Vị ĐB này tiếp tục chất vấn, chức năng của NHNN là nhằm ổn định giá trị đồng tiền VN, vậy Thống đốc có trách nhiệm đến đâu khi để xảy ra tình trạng đồng tiền mất giá? Ông Giàu cho rằng, hằng năm đồng tiền Việt Nam đều mất giá, song đảm bảo ổn định đồng tiền không chỉ là mục tiêu theo đuổi của ngành ngân hàng mà còn cần xem xét tới các yếu tố khác, đặc biệt là cơ cấu và hiệu quả nền kinh tế. Ông cho biết, theo thống kê của NHNN, từ cuối năm ngoái tới nay, đồng tiền VN đã mất giá 5,18% so với đôla Mỹ.

ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) hỏi: Vì sao DN mua ngoại tệ rất khó khăn? Tỷ giá hiện nay không phản ánh được thực tế, kể cả có biên độ +/-5%? Tỷ giá đã thực sự dựa trên quan hệ cung cầu chưa? Thống đốc cho rằng, nếu làm theo gợi ý của một số chuyên gia là vừa điều hành linh hoạt vừa phá giá đồng tiền VN thì tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ vì nợ quốc gia về ngoại tệ đang lớn. Riêng nợ của khối DN đã lên tới 17 tỷ USD. Chính phủ đang cân nhắc việc bổ sung ngoại tệ để giải quyết căng thẳng trước mắt.

Nhập vàng: Không muộn màng gì cả?!

Về “cơn sốt” chưa từng có của giá vàng vừa qua, ĐB Dương Hồng Sơn (Hà Nội) chất vấn: “Phản ứng NK vàng của ngân hàng khi giá lên đến đỉnh đã gọi là linh hoạt, kịp thời chưa? Trách nhiệm của Thống đốc đến đâu?”.

Theo giải trình của Thống đốc, từ năm 1999, khi Chính phủ ban hành Nghị định 174, NHNN được giao nhiệm vụ quản lý vàng trong XNK, chế biến; còn vàng giao dịch trên thị trường thuộc diện bị điều chỉnh bởi Luật Thương mại và Luật DN. “Trong thời gian qua, khi giá vàng thế giới biến động rất nhanh, chúng tôi theo dõi liên tục, chúng tôi họp lại để đánh giá, nghe tất cả các thông tin, làm việc với 5 DN lớn để xem xét có hiện tượng người dân rút tiền gửi để mua vàng hay không. Theo số liệu mà chúng tôi quản lý XNK thì số xuất rất thấp. Từ năm 2005 - 2008, NHNN cho nhập vàng 279 tấn, trong khi mới cho xuất từ cuối năm 2008 là 37 tấn. Đầu năm nay DN xuất thêm 57 tấn nữa. Lượng vàng còn lại trong dân còn rất lớn”, Thống đốc cho biết.

Ngoài ra, ông Giàu cho rằng biểu hiện trên thị trường vừa qua không phải do mất cân đối cung cầu. Và khi chọn lựa để đi đến quyết định, sau khi họp bàn, giải pháp là cho phép NK vàng. Thống đốc Nguyễn Văn Giàu khẳng định: “Đây là giải pháp kịp thời, không muộn màng gì cả. Nếu như mất cân đối mà ngay từ đầu chúng tôi không can thiệp thì sai”.

 Trả lời câu hỏi của ĐB Hoàng Thị Hảo (Hải Dương) về sàn giao dịch vàng, ông Giàu khẳng định, các sàn giao dịch vàng đang nằm ngoài tầm kiểm soát và đây là kẽ hở pháp luật. Không có cơ quan nào quản lý sàn vàng. Thống đốc không cấp giấy phép cho sàn vàng. Theo quy định trước đây, sàn giao dịch hàng hóa (trong đó có vàng) là do Bộ Thương mại quản lý. “Nhưng hiện tại khi các ngân hàng “bung” ra làm sàn vàng thì chưa có ai quản vì NHNN chưa cấp giấy phép thành lập cho bất cứ sàn vàng nào” - ông Giàu nói. 

Vốn kích cầu: Bộ trưởng "gánh đỡ" Thống đốc

Trong các biện pháp kích cầu qua lãi suất, Chính phủ cũng chủ trương hỗ trợ nông dân, nông nghiệp và nông thôn vượt qua khó khăn kinh tế (quy định tại Quyết định 497). Tuy nhiên, ĐB Danh Út (Kiên Giang) cho rằng việc triển khai cho vay trong nông dân ở nông thôn có quá nhiều khó khăn “Quyết định 497 nông dân với không tới. Điều kiện ngặt nghèo mà lượng vốn cho vay quá nhỏ. Ví dụ mỗi ha được vay 7 triệu để mua phân bón, trong khi thực tế bà con cần 15 triệu đồng”

ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên): Không thể nói đồng nào hỏng thì bỏ!

Câu hỏi chất vấn của tôi về việc sử dụng tiền xu không hiệu quả, về trách nhiệm của Thống đốc trong việc để đồng tiền trượt giá. Song ông Thống đốc trả lời quá chung chung, vòng vo, không thỏa đáng.

Thống đốc không thể nói đơn giản là đồng tiền nào hỏng thì bỏ, vấn đề là phần chưa hỏng dân vẫn không dùng. Dân không dùng Thống đốc phải đưa ra giải pháp là làm gì để người ta tiếp tục dùng. Không thể lãng phí tiền của nhà nước như vậy được.

Tuy nhiên ông Thống đốc Nguyễn Văn Giàu lại trả lời không đúng trọng tâm câu hỏi. Do chính sách kích thích kinh tế là chủ trương lớn với sự tham gia triển khai của nhiều bộ ngành, nên trong phiên chất vấn, Quốc hội mời Bộ trưởng KH-ĐT Võ Hồng Phúc và Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát tham gia giải đáp.

Dày dạn kinh nghiệm đăng đàn, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đã “gánh đỡ” những phần mà Thống đốc chưa giải đáp hết. Ông Phúc cho rằng, quá trình triển khai gói kích cầu bộc lộ một số nhược điểm, đặc biệt là cho vay nông nghiệp, nông thôn. Chẳng hạn như quy định chỉ được vay 7 triệu đồng cho 1 ha, điều này vô lý. Bởi vì người ta mua một máy kéo, người ta không chỉ làm cho người ta, mà còn làm thuê cho các hộ khác nữa, vì phải sử dụng hết máy kéo mà lại chỉ lấy diện tích mà người được đi vay đấy để mà tính thì không đúng. Hay là một số thủ tục chứng nhận cũng rất phiền hà.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Bộ NN-PTNT đã có văn bản hướng dẫn về chủng loại máy móc gửi cho các địa phương để hướng dẫn cho bà con, tổ chức nhanh được 2 cuộc triển lãm máy nông nghiệp ở Hà Nội và Vĩnh Long để bà con chọn loại máy phù hợp. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện QĐ 497 muộn hơn so với các quyết định khác. Vì thế Chính phủ đã có chủ trương kéo dài thực hiện đến hết năm 2010.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất