| Hotline: 0983.970.780

Ngày hải tặc đến: [Bài IV] Kết thúc viên mãn

Thứ Sáu 15/05/2020 , 06:10 (GMT+7)

Đến cuối tháng 5, những con tin đang trông chờ được giải cứu không hề biết các động thái diễn ra bên ngoài, dường như chỉ ra một chuỗi vấn đề phức tạp hơn nhiều.

Hải quân Nigeria. Ảnh: africa-online.

Hải quân Nigeria. Ảnh: africa-online.

Hải quân Nigeria công khai cáo buộc công ty tàu chở dầu có liên quan đến việc vận chuyển dầu thô bị đánh cắp từ khu vực Niger Delta đến Ghana.

Nguyên nhân chính của cuộc tấn công vào tàu Apecus và vụ bắt cóc, theo hải quân Nigeria, là do mâu thuẫn và bất đồng giữa hai nhóm tội phạm. Người quản lý của công ty tàu tại Nigeria dường như đã thú nhận có liên quan đến buôn bán dầu bất hợp pháp.

Trang web BusinessAndMaritimeWestAfrica trích dẫn thông tin từ Cục Quản lý và An toàn Hàng hải Nigeria (NIMASA) cho biết, tàu Apecus bị nghi ngờ đang trên đường chở dầu bất hợp pháp.

Phát biểu tại Lagos về vụ hải tặc tấn công, Tổng giám đốc NIMASA, Tiến sĩ Dakuku Peterside lưu ý rằng: “Tàu đã tiến hành các hoạt động giao dịch tại vùng biển Nigeria từ năm 2014 mà không có bất kỳ giấy phép hay văn bản hợp pháp nào”.

Người ta còn phát hiện, tàu thay đổi tên và cờ trong quá trình hoạt động không dưới 15 lần, được ghi lại với 5 lần thay đổi trong tín hiệu cuộc gọi kể từ năm 1993 và 5 lần thay đổi MMSI - tất cả đều chỉ ra sự hoài nghi tàu tham gia vào các hoạt động phi pháp.

Các báo cáo cũng chỉ ra rằng tàu có thói quen tắt Hệ thống nhận dạng tự động (AIS) để tránh bị phát hiện và lặp lại điều này trước khi bị tấn công khiến việc xác định vị trí vô cùng khó khăn. Không có sự rõ ràng về lịch hoạt động của tàu trong khu vực Bonny - nơi xảy ra vụ việc.

Dĩ nhiên, chủ tàu, thuyền trưởng Christos, liên tục phủ nhận điều này. Dù vậy, những lời buộc tội khiến các hoạt động tàu chở dầu của thuyền trưởng Christos bị đe dọa dường như thúc đẩy ông ta đi tới thỏa hiệp với hải tặc.

Ngày 13/6/2019, các cuộc đàm phán hoàn tất và khoản thanh toán sẵn sàng lên đường. Đồng thời, các thủy thủ bị giam trong rừng được thông báo rằng thử thách của họ có thể sắp tới hồi kết thúc.

Những con tin thức dậy vào sáng ngày 29/6/2019 như thường lệ, giống mỗi ngày trong suốt 70 ngày trước đó. Vào giữa buổi sáng, sau khi trao lại bát mì, một trong những tên cướp làm nhiệm vụ cảnh vệ vẫy gọi Sudeep và thì thầm rằng nếu mọi việc ổn thỏa, đây có thể là ngày cuối cùng anh bị giam trong rừng. Hai giờ sau, tên cảnh vệ quay lại với xác nhận người mang tiền đang trên đường đến.

Người đàn ông Ghana yếu đuối, khoảng 60 tuổi, tiến đến, lo lắng nắm chặt túi nhựa nặng nhét đầy USD, trông không giống một nhà đàm phán dày dạn.

Chỉ vài phút sau, rõ ràng có gì đó không ổn. Một nhóm cướp biển bắt đầu đánh ông già. King rống lên về số tiền bị giảm bớt, rút con dao nhỏ ra khỏi thắt lưng và đâm vào chân ông già, khiến ông quằn quại trên mặt đất lầy lội.

Sau đó, King cho biết cả 6 thủy thủ Ấn Độ đều được thả, còn người đàn ông Ghana sẽ phải ở lại. Băng nhóm của hắn sẽ không ngăn họ lại, nhưng nếu một nhóm cướp biển khác bắt được, họ sẽ tự chịu trách nhiệm. Hắn ta nhìn vào mắt Sudeep và nói "Tạm biệt".

Ngày 7/6/2019, Tổng cục Vận tải Ấn Độ từng đưa ra lệnh cấm những người đi biển Ấn Độ làm việc trong các tàu thuyền ở vùng biển Nigeria và Vịnh Guinea, do nguy cơ cướp biển và bắt cóc ngày càng tăng.

Những thủy thủ không dám lưỡng lự, chạy vội đến mép nước, nơi chiếc thuyền đánh cá chở người mang tiền đến đang đậu. Họ leo lên, chiếc thuyền chao đảo lắc lư rời đi.

Sau gần bốn giờ, lái thuyền nói rằng anh ta hết nhiên liệu và dừng lại ở một cầu cảng. Khi các thủy thủ giải thích rằng họ bị bắt cóc, họ được dẫn vào một ngôi nhà và được cho uống nước.

Ba người đàn ông khỏe nhất của làng luôn canh gác bên ngoài nhà khách mà các thủy thủ ở trong đêm.

Những thủy thủ người Ấn, mặc dù còn yếu, cuối cùng cũng cảm thấy an toàn. "Cứ như thể chính Chúa cử họ tới làm vị cứu tinh của chúng tôi", Sudeep nói sau đó.

Những thủy thủ nhanh chóng tới thành phố Lagos nhộn nhịp, chờ chuyến bay tới Mumbai. Trong phòng khách sạn, Sudeep tự thưởng cho mình một cốc bia lạnh, tắm và kiểm tra vết sẹo. Một tên cướp biển đã gây ra vết thương mới trên vai bằng dao vài ngày trước đó, vết thương đau nhức khi anh rón rén ngồi xuống bồn tắm nước nóng.

Những câu chuyện như của Sudeep, là một trong rất nhiều câu chuyện khác, phản ánh thiệt hại về người đối với các sự cố an ninh ở Vịnh Guinea. Không giống như Somalia, Nigeria - nền kinh tế lớn nhất ở châu Phi - sẽ không cho phép hải quân quốc tế tuần tra vùng biển của mình. Do đó, chuyện hải tặc Vịnh Guinea không biết đến bao giờ mới có hồi kết.

Đã tám tháng kể từ khi những thủy thủ được thả ra. Suniti, mặc một chiếc sari màu vàng, ngồi trên sàn bếp, lăn bột bánh Chapati. Cách đó vài mét, chồng bà đang xem TV.

"Sudeeeeeeep!", Suniti gọi con trai xuống tầng dưới ăn cơm bằng giọng nói nghe như tiếng khóc, như thể bà đang kiểm tra xem con trai mình có còn ở đây không. Sudeep giảm tới 20kg trong 70 ngày bị giam trong rừng và trở về nhà với đôi má trũng sâu.

Cứ vài ngày trong tháng đầu tiên, mẹ anh lại kiểm tra cân nặng con trai, cảm thấy phấn chấn với mỗi kg anh tăng được.

Vợ chồng Sudeep hạnh phúc bên nhau sau chuỗi ngày kinh hoàng. Ảnh: BBC.

Vợ chồng Sudeep hạnh phúc bên nhau sau chuỗi ngày kinh hoàng. Ảnh: BBC.

Bhagyashree đưa cho mẹ chồng một chiếc đĩa bằng kim loại, để lộ vòng cưới màu đỏ và vàng đeo trên tay. "Tôi tin tưởng anh ấy sẽ trở lại," cô nói. "Tôi tin vào Đấng toàn năng - rằng anh ấy sẽ về, rằng anh ấy phải về. Không có kết thúc nào viên mãn hơn kết thúc như thế này."

Cuối cùng, họ đã kết hôn vào tháng Giêng 2020. (Hết)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.